Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố những số liệu đáng mừng về kinh tế Việt Nam trong quý 1/2021

24/03/2021 13:41 PM | Xã hội

Trình bày Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cập nhật thêm tới các đại biểu và cử tri cả nước những số liệu mới nhất về kinh tế Việt Nam trong quý 1/2021.

Với những kết quả được mô tả là "đáng mừng", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết nông nghiệp Việt Nam được cả mùa lẫn giá trong 3 tháng đầu năm 2021; Sản lượng công nghiệp tăng 10%; xuất khẩu tăng 20% trong khi Việt Nam liên tiếp xuất siêu; Thu ngân sách cũng đã đạt trên 30% dự toán, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước….

Con tàu Việt Nam liên tiếp trải qua hải trình dồn dập, bão tố

Theo người đứng đầu Chính phủ, nhiệm kỳ 2016-2021, con tàu Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu nhiệm kỳ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ đại dịch Covid-19; sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước, đối tác lớn ngày càng gay gắt; chiến tranh thương mại và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc gia gia tăng và cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động sâu rộng tới Việt Nam.

"Lửa thử vàng, gian nan thử sức, trong 5 năm qua, chúng ta đã đoàn kết cùng nhau khắc phục nhiều hạn chế, bất cập nội tại và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, kế thừa những thành quả to lớn và kinh nghiệm quý báu từ các nhiệm kỳ trước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Nhiệm kỳ qua, Việt Nam đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ cũng chú trọng xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển, huy động và giải phóng mọi nguồn lực, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn và trung hạn, vừa tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững trong dài hạn.

Bên cạnh đó, việc "chống dịch như chống giặc" đồng thời quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép" đã chứng minh hiệu quả vượt trội.

"Thành công trong phòng chống đại dịch Covid-19 thời gian qua của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là yếu tố có ý nghĩa quyết định, tạo môi trường thuận lợi cho ổn định và phát triển đất nước; đồng thời cũng là minh chứng cho sự nỗ lực vượt khó, tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần củng cố niềm tin, tạo sự phấn khởi trong toàn xã hội  và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Những con số biết nói về nhiệm kỳ 2016-2020

Trong 5 năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo điều hành thực hiện các đột phá chiến lược, từ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hay kết cấu hạ tầng đồng bộ mang tính "dẫn dắt"… để lại những dấu ấn to lớn. Nhiệm kỳ qua, con người được coi là trung tâm của sáng tạo và gần 8 triệu lao động được giải quyết việc làm. Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của Việt Nam gần đây liên tục tăng cao, dẫn đầu Nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2020 xếp thứ 42/131).

Về hạ tầng, Việt Nam có thêm 654 km đường bộ cao tốc Bắc – Nam, hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường kết nối liên vùng, đầu tư xây mới, mở rộng hệ thống sân bay trong đó có sân bay Long Thành, Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, Chính phủ cũng tập trung nâng cao năng lực hệ thống cảng biển, logistics, hạ tầng công nghiệp, viễn thông, mạng 5G…

Ngoài ra, Chính phủ cũng kiên quyết mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành. Nhờ đó, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; lạm phát được kiểm soát.

"Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ và tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục gần 100 tỷ USD. Tập trung tín dụng cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tăng cường phòng chống ‘tín dụng đen’. Thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán, thị trường vốn, tài chính vi mô", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) gắn với triển khai kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm. Bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 3,45%. Nợ công giảm từ khoảng 64,5% GDP vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,3% GDP và được cơ cấu lại bền vững, an toàn hơn, chuyển dần từ vay nước ngoài sang vay trong nước với kỳ hạn dài hơn và chi phí thấp hơn. Đồng thời, thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước, phát triển mạnh kinh tế tư nhân.

"Có thể tự tin cho rằng, tích lũy thu nhập cũng như những cải thiện đáng kể về không gian tài khóa, nhất là trong 4 năm tăng trưởng cao 2016 - 2019, chính là "của để dành" góp phần quan trọng giúp nền kinh tế và người dân chúng ta vượt qua khó khăn vừa qua của dịch Covid-19", Thủ tướng cho biết và dẫn các xếp hạng của các tổ chức quốc tế cho thấy vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng lên ngay cả giữa đại dịch Covid-19.

Trước những khó khăn chung do dịch, Việt Nam tập trung phát triển thị trường nội địa với 100 triệu dân và thúc đẩy xuất khẩu thông qua các FTA thế hệ mới để đa dạng hàng hóa, tránh thị trường vào một thị trường. Thành quả là tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 1,7 lần, từ 328 tỷ USD năm 2015 lên 517 tỷ USD năm 2019 và đạt 545 tỷ USD năm 2020 với 5 năm liên tục có thặng dư thương mại ngày càng tăng.

"GDP năm 2020 tăng 2,91%, Việt Nam là nước duy nhất có tăng trưởng dương trong 6 nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,8%; bình quân 2016 - 2020 đạt 5,99%, cao hơn 5,91% của giai đoạn 2011 - 2015, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Năm 2020, quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với 2015, đạt trên 340 tỷ USD. Trong 5 năm vừa qua, Việt Nam tạo ra tổng số khoảng 1.300 tỷ USD giá trị tăng thêm (GDP) và năm 2020 đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới.

"Phát biểu trước Quốc hội thời điểm đầu nhiệm kỳ, tôi đã nêu: Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48. Nhưng rất tự hào là đến nay xếp hạng của nước ta đã tăng 11 bậc (vượt qua 11 quốc gia) đứng thứ 37 thế giới", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đồng thời tin tưởng Việt Nam sẽ sớm bước chân vào hàng ngũ các nước thu nhập cao vào năm 2045.

Thành tựu gói trọn trong 5 chữ "hài hòa"

Phát biểu trước Quốc hội và cử tri cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vào sự "hài hòa" trong các đường lối, chính sách để đạt được những thành tựu to lớn trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua. Đó là sự hài hòa giữa mở cửa, đổi mới, thúc đẩy phát triển KTXH với việc củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng, giám sát của Quốc hội, hợp tác của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tổ chức xã hội.

"Nói cách khác, đây là hài hòa giữa ổn định và đổi mới, phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng XHCN; quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự hài hòa giữa phát triển kinh tế nhanh với đảm bảo sự tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường. Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bình quân 6,5% trong 30 năm Đổi mới và là 6,8% trong gia đoạn 2016 – 2019. Thành tựu đó giúp người dân thuộc các thành phần khác nhau đều được hưởng thành quả phát triển tương xứng với nỗ lực đóng góp; các địa phương đều có cơ hội và không để địa phương nào bị tụt lại, mất cơ hội phát triển.

Thứ ba, Thủ tướng nhắc đến sự hài hòa, cân đối giữa nội lực với ngoại lực, giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, giữa nội thương với ngoại thương, giữa xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với mở cửa và hội nhập quốc tế. Trong đó kinh tế trong nước là quyết định, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Thứ tư là hài hòa cân đối giữa những ưu tiên ngắn hạn với những mục tiêu dài hạn. "Chúng ta tập trung thúc đẩy chính sách phát triển hàng năm gắn với thực hiện mục tiêu 5 năm, tầm nhìn 10 năm và lâu hơn nữa đến năm 2045. Cùng với các mục tiêu ngắn hạn như tăng trưởng, việc làm và lạm phát thì các vấn đề dài hạn như hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững, phát triển về văn hóa xã hội... đều được quan tâm đúng mực. Chưa bao giờ Chính phủ chạy theo mục tiêu ngắn hạn, kém bền vững mà bỏ qua mục tiêu dài hạn nhất quán xuyên suốt hay ngược lại", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Cuối cùng là sự hài hòa trong cân đối các nguồn lực tài chính quốc gia, cán cân ngân sách, nợ công, cán cân tài khoản vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối, bảo đảm nguồn nhân lực và nhiều cân đối vĩ mô khác.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục và nguyên nhân của chúng. Thủ tướng cũng chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm lớn để rút kinh nghiệm và cũng có thể hữu ích cho nhiệm kỳ tiếp theo.

‘Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là năm 2020 với muôn vàn khó khăn, nhiều thử thách chưa từng có, Chính phủ đã nỗ lực làm hết sức mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, luôn sâu sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình, tranh thủ thời cơ; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM