Thủ tướng: Lắng nghe để hành động quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp

11/08/2022 14:00 PM | Xã hội

Sáng nay (11/8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2022 với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ còn có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các Ban của Đảng, Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các Hiệp hội, doanh nghiệp. Dự tại đầu cầu các tỉnh, thành phố có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn.

Kinh tế-xã hội 7 tháng có mặt khởi sắc ấn tượng

Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vào thời điểm này năm ngoái (8/8/2021), trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, cũng tại Hội trường này đã diễn ra Hội nghị gặp gỡ với đại diện doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp. Nhiều thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, nhiều ý tưởng, giải pháp đã được bàn thảo, hiến kế cho Chính phủ nhằm tìm ra giải pháp ứng phó với dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

1 năm sau, hôm nay, trong bối cảnh dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, thế giới có nhiều biến động khó lường, chúng ta có mặt tại Hội nghị “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững" để tiếp tục cùng chia sẻ các kết quả, niềm vui, thành tựu mà đất nước đạt được; tiếp tục đánh giá đầy đủ, khách quan các tác động của kinh tế thế giới đối với nền kinh tế nước ta; nhận diện các cơ hội, thách thức để cùng tìm ra giải pháp, kế sách mới, phù hợp nhằm ứng phó nhanh, kịp thời với các bất ổn của thế giới, khôi phục mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, góp xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hùng cường, bền vững, đồng thời hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ, ảnh hưởng mạnh đến kinh tế toàn cầu cũng như từng quốc gia. Trong nước, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, nhưng quy mô nền kinh tế còn hạn chế, sức chống chịu có hạn; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Mặc dù có những thuận lợi, kế thừa thành quả của những nhiệm kỳ trước, song vẫn có những khó khăn nội tại, những vấn đề tồn đọng nhiều năm phải xử lý. Bên cạnh đó, vẫn phải thực hiện những công việc thường xuyên và những vấn đề đột xuất..

Mặc dù vậy, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự ủng hộ của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, sự tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sự thích ứng linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp..., tình hình kinh tế-xã hội 7 tháng đầu năm 2022 đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, có mặt khởi sắc ấn tượng.

Cả nước kiểm soát tốt dịch COVID-19; ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo các cân đối lớn. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Đối ngoại được tăng cường, phù hợp tình hình. Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, rủi ro, thách thức phục hồi kinh tế còn rất lớn, nhất là những vấn đề khó dự báo do phụ thuộc vào điều hành chính sách của các quốc gia lớn trên thế giới. Sự phục hồi chưa đầy đủ khi doanh nghiệp bị gián đoạn nguồn cung đầu vào, giá cả đầu vào tăng cao, thiếu hụt lao động, thị trường bên ngoài suy giảm...

Thể chế, chính sách từng bước được hoàn thiện, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, tuy nhiên, trên thực tế doanh nghiệp, doanh nhân vẫn gặp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động và nền kinh tế nước ta chưa phát triển nhanh và bền vững, trong đó có nguyên nhân quan trọng là thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ đang là lực cản cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế của nước ta, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân.

Lắng nghe để hành động quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp

Điều này đặt ra nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới là phải hết sức quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, phát huy tối đa các bài học kinh nghiệm, khắc phục các hạn chế, khó khăn, triển khai nhanh, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp với tinh thần trách nhiệm cao nhất để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi và phát triển bền vững.

Chính vì vậy, vấn đề phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Hằng năm, Chính phủ đều tổ chức hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến, kiến nghị, giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm chia sẻ những khó khăn, kịp thời động viên, khích lệ tinh thần vươn lên vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp.

Hội nghị này nhằm đánh giá thực chất, khách quan các tác động của tình hình kinh tế thế giới đến Việt Nam, thực trạng, khó khăn, thách thức cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt, kết quả đạt được và chưa đạt được trong triển khai chính sách, giải pháp của Chính phủ thời gian qua.

Trên cơ sở nhận diện thời cơ, thách thức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn lắng nghe các đề xuất, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội để cùng tháo gỡ khó khăn, khắc phục những điểm nghẽn trong triển khai chính sách; đồng thời, hiến kế bổ sung các giải pháp đủ mạnh, trúng, đúng, đột phá, hiệu quả, trên tinh thần “lợi ích thì hài hoà, rủi ro thì chia sẻ”; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đã rất nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt được một số kết quả tích cực khi chứng kiến nền kinh tế phục hồi ở hầu  hết các ngành, lĩnh vực; hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều khởi sắc.

Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm (thu - chi, xuất - nhập khẩu, lương thực- thực phẩm, năng lượng, lao động). Quốc phòng an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hội nhập và đối ngoại được mở rộng và đẩy mạnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá toàn diện tình hình sản xuất kinh doanh 7 tháng đầu năm 2022; tác động của kinh tế thế giới tới hoạt động trong nước, nhận định cơ hội, khó khăn, rào cản, vướng mắc cần tháo gỡ và lắng nghe đề xuất cụ thể một số giải pháp của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong một số ngành: du lịch, hàng không, xây dựng, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, logistics, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản/lúa gạo/rau quả.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đánh giá nền kinh tế vẫn đối diện áp lực và nguy cơ lạm phát, vấn đề giải ngân đầu tư công, triển khai một số nhiệm vụ trọng chương trình phục hồi và phát triển còn hạn chế….  khu vực doanh nghiệp tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức cả về nguồn cung và cầu do tác động bởi dịch Covid-19, xung đột quân sự Nga - Ukraine; giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu tăng cao; thiếu hụt lao động; lạm phát cao ở nhiều quốc gia trên thế giới…/.

Theo Vũ Khuyên

Cùng chuyên mục
XEM