Thủ tướng: "Đừng để ngứa trên đầu mà gãi dưới chân"
Dùng hình ảnh “đừng để ngứa trên đầu mà gãi dưới chân”, Thủ tướng cho rằng cần khuyến khích việc liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp để đào tạo gắn với nhu cầu xã hội.
Hôm nay (5/8), tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2015-2016, triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 với sự tham dự của lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến. Hội nghị cũng được truyền hình trên Internet để giáo viên, học sinh toàn quốc theo dõi. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải gắn đào tạo với thực tiễn với nhu cầu xã hội, để sinh viên ra trường có việc làm. Chương trình giáo dục vừa giúp hình thành nhân cách, văn hóa của một công dân trẻ, vừa bảo đảm tính hiện đại, hội nhập.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học vừa qua, Bộ có nhiều đổi mới hoạt động dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá các hoạt động giáo dục. Trong đó đã giảm tải nội dung học, giao quyền chủ động hơn cho nhà trường, giáo viên. Giáo dục trẻ em chú trọng giáo dục kỹ năng sống. Cùng với đó là tiếp tục đổi mới chương trình sách giáo khoa.
Rút kinh nghiệm từ việc tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2015, năm nay, Bộ đã có những điều chỉnh phủ hợp hơn. Nội dung đề thi chủ yếu trong chương trình lớp 12 và được đánh giá có tính phân cấp cao, đáp ứng việc xét công nhận tốt nghiệp cũng như xét tuyển cao đẳng, đại học.
Đối với những vùng khó khăn, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, dự bị đại học dân tộc được mở rộng hơn. Riêng trường phổ thông dân tộc nội trú có 314 trường ở 50 tỉnh, thành phố, với số lượng gần 91.200 học sinh.
Song, ngành vẫn có những hạn chế, yếu kém, trong đó còn chậm xây dựng và ban hành các thể chế; việc quy hoạch lại hệ thống giáo dục quốc dân còn chậm do chưa được quan tâm đúng mức; đội ngũ nhà giáo và quản lý giáo dục trình độ không đồng đều; công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông chưa tốt, tỷ lệ thi đại học, cao đẳng vẫn cao, trong khi chưa chú trọng học nghề.
Chỉ đạo tại Lễ tổng kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành công của ngành Giáo dục trong năm qua. Cho rằng nhận thức đúng mới hành động đúng, Thủ tướng hoan nghênh Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đổi mới ngay trong cách báo cáo tổng kết năm học, khi thiên nhiều về những vấn đề cần tháo gỡ thay vì báo cáo thành tích, nhiều cán bộ của ngành đã có chuyển biến trong nhận thức đổi mới giáo dục.
Riêng năm học 2015-2016 vừa qua, Thủ tướng đánh giá ngành bước đầu triển khai đồng bộ Nghị quyết 29 của BCH Trung ương theo hướng mở, chú ý hơn đến tư suy sáng tạo của học sinh thay vì truyền thụ kiến thức một cách thụ động. Đặc biệt là việc thi Trung học phổ thông toàn quốc đã nhiều đổi mới, khắc phục được những tồn tại của năm 2015. Thủ tướng cũng đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn trong dạy và học, nâng cao chất lượng dạy và học, nhiều học sinh đạt giải cao kỳ thi quốc tế.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra không ít điểm hạn chế của ngành Giáo dục và đào tạo. Đó là trong giáo dục phổ thông chưa coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống. Vẫn còn nhiều hiện tượng như bạo lực học đường, nhiều tội phạm vị thành niên, gây bức xúc xã hội. Trong khi đó, ngoại ngữ và kỹ năng sống của học sinh Việt Nam rất hạn chế. Học sinh thiếu kỹ năng sống, dẫn đến những tình trạng thương tâm như đuối nước xảy ra nhiều hàng năm.
Bên cạnh đó, nhiều nội dung học chưa sát thực tiễn, chưa có giá trị cho học sinh sau này. Giáo dục đại học chưa thực sự sát nhu cầu xã hội, dẫn đến sinh viên ra trường không xin được việc làm trong khi doanh nghiệp vẫn thiếu lao động chuyên môn cao.
Thủ tướng cũng lưu ý, số trường Đại học tăng nhanh nhưng chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Đó là một phần nguyên nhân dẫn đến mỗi năm, nước ta mất khoảng 3 tỷ USD dành cho đi học nước ngoài. Bên cạnh đó, đào tạo sau đại học chất lượng đáng lo ngại, phản ánh bệnh thành tích, sính bằng cấp.
Đối với cơ chế tài chính, Thủ tướng cho rằng ngành còn chậm đổi mới, chưa huy động được nguồn lực xã hội. Công tác quản lý giáo dục cũng còn chậm đổi mới, quản lý chất lượng kiểm tra còn lúng túng, còn tiêu cực trong tuyển sinh thi cấp bằng. Vấn đề dạy thêm, học thêm, học phí vẫn gây lo lắng trong nhân dân.
Thủ tướng cũng cho rằng, cơ sở vật chất của nhiều trường, nhất là vùng sâu vùng xa còn khó khăn. Vẫn còn những trường học tạm bợ, không có nhà vệ sinh đạt chuẩn. Cơ sở vật chất giáo dục ở vùng sâu vùng xa, ở các khu công nghiệp lớn còn thiếu. Một số trẻ em việt kiều hồi hương chưa được đến trường.
Trước thực tế đó, Thủ tướng chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện hiệu quả việc đổi mới giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29. Nêu rõ giáo dục phổ thông là nền tảng của giáo dục nói chung, Thủ tướng yêu cầu chương trình giáo dục phải đảm bảo hình thành nhân cách, văn hóa của một công dân trẻ, vừa bảo đảm tính hiện đại, hội nhập; phải giảm tải nhanh cho học sinh, không quá thiên về kiến thức chuyên môn mà cần phát triển một cách toàn diện Văn – Thể - Mỹ.
“Trong giáo dục phổ thông, “Tiên học lễ, hậu học văn”, câu đó luôn đúng trong đổi mới giáo dục. Cần dạy học sinh biết yêu lịch sử, truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông ta, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, biết kính trên nhường dưới, tôn trọng già, biết sống có trách nhiệm trong tập thể và xã hội. Trong thực tiễn, nhiều em không thuộc, không nhớ tí nào lịch sử của dân tộc ta. Chúng ta phải tìm nguyên nhân và có giải pháp tốt hơn trong môn Lịch sử, một môn điển hình. Một phong tục đáng quý ở miền Nam, mỗi khi đi học về các em khoanh tay chào bố mẹ và người lớn. Hay là Miền Bắc có phong tục rất quý, trước khi ăn cơm con cái mời bố mẹ ăn cơm. Những phong tục như vậy là văn hóa chúng ta phải giữ gìn trong đào tạo lớp trẻ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các chương trình phải chú ý giáo dục thể chất để tạo thế hệ thanh niên khỏe mạnh, toàn diện. Tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, nhất là đối với trẻ em nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người. Đây là cái gốc quan trọng để xóa đói giảm nghèo.
Đối với giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội trong quá trình hội nhập sâu rộng, nhất là trong bối cảnh chúng ta tham gia Cộng đồng ASEAN. Nếu không, sẽ mất cơ hội việc làm ngay tại thị trường trong nước.
Để nâng cao chất lượng đào tạo đại học, Thủ tướng lưu ý, cần gắn kết chương trình đào tạo đại học, kết quả nghiên cứu khoa học của học sinh, sinh viên với thực tiễn cuộc sống và nhu cầu xã hội. Dùng hình ảnh “đừng để ngứa trên đầu mà gãi dưới chân”, Thủ tướng cho rằng cần khuyến khích việc liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp để đào tạo gắn với nhu cầu xã hội.
Đối với vấn đề tự chủ giáo dục, Thủ tướng cho rằng, cần đẩy mạnh “tự chủ đại học” một cách thực chất và đồng bộ, đi đôi với đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Không chỉ là tự chủ trong thu, chi mà cả trong tài chính, tài sản, trong tổ chức, nhân sự, trong đào tạo, trong tuyển sinh và quản lý sinh viên…
Chỉ đạo việc triển khai, tổ chức thực hiện, Thủ tướng yêu cầu ngành Giáo dục quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về giáo dục và đào tạo. Các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương tăng cường vai trò quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về phát triển giáo dục và đào tạo ở địa phương; Chấn chỉnh nề nếp, kỷ cương trường học; Chỉ đạo ngăn chặn việc dạy thêm, học thêm và thu chi sai quy định và các tiêu cực khác trong nhà trường.
Thủ tướng cho biết thêm: “Tôi muốn gửi gắm cho ngành Giáo dục về điều mà Nguyễn Trãi đã từng nói là: “Nước Đại Việt ta hiền tài chưa bao giờ thiếu. Nhưng tìm cho ra hiền tài chưa bao giờ là việc đơn giản”. Vì vậy, ngành Giáo dục cần đặc biệt chú trọng công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài để trước tiên ngành Giáo dục có nhiều thầy giỏi, nhiều trò giỏi, Việt Nam có thêm nhiều người hiền tài để làm rạng danh và sẵn sàng phục vụ đất nước.
Ở các tỉnh miền núi, tỷ lệ hộ nghèo quá cao, tập tục lạc hậu kéo dài, bài toán căn bản để giải quyết lâu dài của những tỉnh khó khăn đói nghèo, đó chính là giáo dục đào tạo và nâng cao dân trí”.