Thủ tướng: “Chưa được tăng các loại giá, phí lúc này”
Nhiều thông tin đáng chú ý về kinh tế - xã hội tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2018...
"Thủ tướng cũng lưu ý, giá tiêu dùng tháng 1/2018 tăng 0,51%, là mức tăng cao so với cùng kỳ, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn nữa trong tăng giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế để bảo đảm CPI tăng dưới 4%. Trong tháng Tết càng phải lưu ý vấn đề này. Trước mắt Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành chưa tăng các loại giá, phí có liên quan".
Chỉ đạo trên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2018 của Chính phủ, được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt lại tại cuộc họp báo chiều tối 2/2.
Không thỏa mãn với kết quả tháng 1
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trước đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2018. Đây cũng là phiên họp Chính phủ đầu tiên của năm mới 2018, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, trong đó các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, nhìn chung, trong tháng 1, các bộ ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ theo đúng tinh thần vào cuộc ngay từ ngày đầu, tháng đầu.
Theo Thủ tướng, chúng ta đã mở đầu một năm mới 2018 tốt hơn cùng kỳ năm 2017 với nhiều chỉ số tích cực hơn. Chẳng hạn như Chỉ số quản trị nhà mua hàng tăng lên 53,4 điểm, cao nhất ASEAN, cao hơn cả Hàn Quốc, Trung Quốc, điều này thể hiện niềm tin lớn của người tiêu dùng và xã hội. Trong khi bình quân của ASEAN chỉ 50,2 điểm.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2017 (cùng kỳ 2017 tăng 0,7%, do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm nay không trùng vào tháng Một như năm 2017 và là thời điểm các doanh nghiệp tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là điểm sáng của ngành và tăng với mức cao nhất 23,8% (cùng kỳ 2017 tăng 4,7%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn cũng bật tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đạt trên 1,4 triệu lượt, tăng 42% so với cùng kỳ.
Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng lên gần 15,4 nghìn doanh nghiệp. Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước tăng 13,9%. Vốn FDI thực hiện đạt trên 1 tỷ USD, tăng 10,5%.
Đặc biệt, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 19 tỷ USD (cùng kỳ đạt 14,6 tỷ USD), tăng mạnh với mức tăng 33,1%, khu vực kinh tế trong nước tăng 31,6% xấp xỉ mức tăng 33,7% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không thể lơ là, chủ quan, thỏa mãn với kết quả của tháng 1/2018 và không lơ là, mất cảnh giác với tình hình chung của thế giới và trong nước.
Người đứng đầu Bộ ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết 01.
Không tổ chức chúc Tết lãnh đạo
Về công tác phục vụ nhân dân đón Tết, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 16; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 48 và Công điện số 1882. Theo đó, trong dịp Tết, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện thật tốt các chính sách bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho những gia đình chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công nhân, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa...để người dân đón Tết vui vẻ, đầm ấm, không ai bị đói và không được ăn Tết. Thị trường hàng hóa Tết cần phải phong phú, đa dạng, bảo đảm chất lượng với giả cả ổn định.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương, đơn vị tuyệt đối không tổ chức đi thăm, chúc Tết lãnh đạo. Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên "tranh thủ" cấp dưới với mọi hình thức; nghiêm cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, lễ hội...
Ngay sau Tết, các Bộ, cơ quan, địa phương quán triệt cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động; khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay những ngày làm việc sau Tết bảo đảm chất lượng và tiến độ; không tổ chức du xuân, liên hoan lãng phí thời gian, tiền bạc, ảnh hưởng đến công việc.
Quản lý tốt các lễ hội sau Tết, tránh tình trạng lộn xộn, các hiện tượng tiêu cực trong lễ hội, gây dư luận bất bình. Bảo đảm phương tiện thuận tiện để mọi người dân đi lại trong dịp tết.
Chưa hoàn tất thanh tra AVG
Cũng tại buổi họp báo, trả lời báo giới về tiến độ, thời gian công bố kết luận thanh tra tại Công ty AVG, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, cho hay trách nhiệm của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương mà đứng đầu là đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao cho Chính phủ, các cơ quan chức năng quyết liệt kết luận điều tra làm rõ để công bố cho dư luận quan tâm.
Đây là vụ việc rất khó, Thủ tướng Chính phủ và Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã họp rất nhiều với các cơ quan, đặc biệt giao cho Thanh tra Chính phủ chủ trì vấn đề thanh tra và kết luận báo cáo Chính phủ, để Chính phủ báo cáo với Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương và báo cáo Tổng bí thư.
Hiện nay, các công việc đang được tiến hành, tuy nhiên, chậm so với yêu cầu chỉ đạo của Tổng bí thư, và chậm so với yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng.
"Các bộ, cơ quan tích cực làm rõ vấn đề liên quan đến định giá AVG, liên quan đến trình tự thủ tục, trách nhiệm tập thể, cá nhân và đang xem xét xử lý cho rõ vụ việc. Tóm lại vụ việc đang được tiến hành, khi nào có kết quả chúng tôi sẽ thông báo cho các cơ quan báo chí", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Mỏ muối Kali đang chờ ý kiến Bộ Chính trị
Ngoài ra, tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng thông tin thêm về dự án muối mỏ Kali - một dự án được cho là "dự án thua lỗ thứ 13 thuộc ngành Công Thương".
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, dự án mỏ Kali Lào là dự án của chủ đầu tư là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, đây là dự án theo thỏa thuận của hai nước Việt Nam và Lào. Hiện nay, dự án chưa đưa vào hoạt động, mới ở bước chuẩn bị đầu tư.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam xét thấy nếu tiếp tục triển khai để đưa vào hoạt động thì hiệu quả của dự án sẽ không bảo đảm, thậm chí kể cả đời dự án sẽ tiếp tục lỗ.
Nguyên nhân chính là giá thành đầu ra của muối mỏ kali Lào không được như mong đợi.
"Khi làm dự án tiền khả thi, theo dự toán, lúc đó là 500 USD/tấn, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay giá thành hạ xuống chưa được 300 USD/tấn, thậm chí cũng có lúc xuống 250 USD/tấn. Cho nên Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã họp rất nhiều lần, cùng các bộ ngành có liên quan đề xuất báo cáo Bộ Chính trị về đề án này. Hiện nay chúng tôi đang chờ ý kiến chính thức của Bộ Chính trị", ông Hải cho biết.