Thủ tướng: “Biến thách thức thành thời cơ, chủ động sống chung với lũ”
Trên đây là nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Cần Thơ (từ 26-27/9/2017).
Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với mục đích xem xét, đánh giá toàn diện những thách thức mà ĐBSCL đang đối mặt, từ đó đưa ra các giải pháp, sáng kiến để phát triển bền vững vùng đất này.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các đại biểu nói thẳng, nói thật để tìm được các giải pháp tốt nhất cho ĐBSCL. Dù đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhưng Thủ tướng lạc quan vào tương lai của ĐBSCL.
“Chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất nhằm mang lại cuộc sống tốt hơn cho gần 20 triệu người dân” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong chuyến đi khảo sát hôm qua tại khu vực dọc sông Hậu và bờ biển sạt lở của các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Thủ tướng đã “thấy được thực tiễn đang đặt ra và những thành công quan trọng của những giải pháp phi công trình và một số giải pháp công trình trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu”.
“Chính phủ và Thủ tướng cam kết kiến tạo cơ chế thuận lợi, huy động sự tham gia của mọi người dân, doanh nghiệp và các đối tác quốc tế, các nguồn lực cần thiết để cụ thể hóa thành các hành động thực hiện các sáng kiến, giải pháp từ hội nghị này cho quá trình phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn hết thế kỷ này. Biến thách thức thành thời cơ, chủ động sống chung với lũ” – Thủ tướng khẳng định.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng hội nghị lần này sẽ không chỉ được tổ chức một lần mà ít nhất hai năm phải tổ chức một lần để theo dõi, đôn đốc, xử lý những vấn đề cấp thiết đặt ra.
Trong phần điều hành thảo luận sau đó, Thủ tướng tiếp tục thông tin rằng từ nay đến năm 2020, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ cho ĐBSCL khoảng 20%.
Ngoài ra, còn có các nguồn đầu tư khác (gồm cả ODA), trong đó Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ hỗ trợ ít nhất 320 triệu USD cho vay để chống biến đổi khí hậu.
“Cộng các khoản này lại ít nhất chúng ta có 1 tỉ USD dành cho ĐBSCL để chủ yếu làm một số công trình điều tiết nước ngọt, điều tiết lũ, nhiễm mặn. Chúng ta tiêu được số tiền này có hiệu quả cũng là rất quan trọng” –Thủ tướng cho hay.
Tuy vậy Thủ tướng cho rằng các giải pháp lớn nhất cho ĐBSCL vẫn là những biện pháp phi công trình, “thứ nhất là trồng rừng chống xói lở, thứ hai là dựa và dân, đặc biệt dựa vào doanh nghiệp tư nhân có thể đầu tư các lĩnh vực mà nhà nước có chính sách khuyến khích”.
“Tư nhân đóng vai trò quan trọng trong phát triển ở khu vực này chứ không phải chỉ có nhà nước” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Nước biển dâng là đe dọa lớn đối với ĐBSCL trong những năm tới đây. |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhận định: “Cần xây dựng được một quy hoạch tổng hợp, trên cơ sở đó xác định được nhu cầu về các nguồn lực”.
“Chúng ta thống nhất rằng nguồn lực tài chính là quan trọng nhưng cũng phải nhấn mạnh đến nguồn nhân lực và nguồn tài nguyên của đồng bằng. Trong các giải pháp và thứ tự ưu tiên phải tính toán cho giải pháp công trình và phi công trình” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng với những công trình “cứng” phải tiếp tục rà soát kỹ trên cơ sở cả cái được và mất, giữa chi phí và cơ hội, giữa cả ba trụ cột là kinh tế - xã hội – môi trường để quyết định công trình nào là thuộc diện “không hối tiếc”.
Hội nghị tiếp diễn với phần trình bày tham luận của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cùng lãnh đạo các bộ ngành.