Thư từ nước Mỹ: Xích lô Hà Nội trong hoài niệm của một "ông Tây"
Chuyến thăm Hà Nội tuyệt nhất chính là hãy tưởng tượng bạn đang ngôì trên một chiếc xích lô dạo vòng vòng khu phố cổ Hà Nội và tận hưởng đầy đủ mọi cảnh sắc, hương vị của bầu không khí ở đây: người dân, người bán hàng, mùi hương, kiến trúc, phố hàng…
Vậy là đã hết tháng 3, tháng tự cách ly Covid tại nhà đầu tiên của tôi cách đây đúng 1 năm ở miền Trung Tây nước Mỹ. Một năm đã qua và dường như vẫn chưa thấy ánh sáng nào le lói cuối đường hầm cho con đường trở lại với gia đình ở Hà Nội , mặc dù như thường lệ vẫn có tin đồn về các chuyến bay về Việt Nam. Nhưng chúng tôi vẫn chờ đợi.
Bởi lẽ không thể cứ một mình loay hoay với những ký ức về phố cổ Hà Nội, tôi mới nghĩ đến việc chia sẻ với các bạn một chuyến tham quan ảo trong trí tưởng tượng của mình; tôi cam đoan sẽ hơn hẳn việc xem các video trên youtube do các khách du lịch không có khiếu nghệ thuật quay, kiểu như họ giơ máy lên và nghĩ mình đang ở Singapore, thậm chí nhiều khả năng là sau khi đã quá chén.
Có thể mô tả cấu trúc của một chiếc xích lô là gồm một chiếc xe đạp ba bánh gắn với một chiếc thùng kiểu như thùng chở rau ở phía trước dành cho khách ngồi, còn người đạp xích lô sẽ ngồi trên ghế xe đạp phía sau.
Ngồi vào xích lô rồi thì hành khách cứ việc thoải mái đung đưa chân để có cảm giác như mình đang lơ lửng cách mặt đường độ vài chục phân: kiểu như đang đi bộ mà không cần dùng sức. Tất nhiên, đung đưa vừa thôi kẻo lại thấy chân mình nằm dưới bánh của chiếc Mercedez nào đó vừa lướt qua thì sẽ rất phiền toái.
Cách tốt nhất để có một trải nghiệm xích lô thú vị là hãy thả lỏng tâm trí của bạn để quay về cuối những năm 1800 rồi đưa mắt nhìn ra xung quanh. Bạn gần như có thể tưởng tượng được khung cảnh Hà Nội hơn 100 năm trước như thế nào. Kia là một vài anh lính thực dân trong bộ đồ quần áo trắng phong cách nhiệt đới, đầu đội mũ Panama đang đi loăng quăng, và người dân thì hối hả lo toan cuộc sống của mình. Có cái gì đó rất nhịp nhàng và đu đưa như thôi miên trong cái cách mà người lái xe xích lô thong thả đạp từng vòng xe chậm rãi và những chiếc xích lô nhẹ nhàng đung đưa bên nhau.
Và rồi dù có cố gắng đến đâu thì bạn cũng không bao giờ có thể thoát khỏi khu phố cổ đã được hiện đại hoá. Rồi đúng lúc tâm trí bạn còn đang lơ lửng ở quá khứ thì chợt giật mình tỉnh giấc bởi cảnh tắc đường với hàng trăm chiếc ô tô, hàng nghìn chiếc xe máy, xen lẫn với những người bán hàng rong cùng những mẹt trái cây, rau củ và dép lê – ai cũng cố gắng hết sức để len lỏi trong không gian chật hẹp trên đường phố.
Nhưng đây không phải là một điều xấu. Trên thực tế, đó chính là điều khiến trải nghiệm xích lô trở nên đáng nhớ và thú vị. Thực sự là vậy! Tôi đặc biệt thích thú với ngôn ngữ đầy màu sắc được những người đạp xích lô sử dụng khi một thiếu niên đi xe máy bất ngờ cắt ngang họ, một đoàn khách du lịch đồng tâm hiệp lực tận dụng sức mạnh tổng hợp để băng qua đường hoặc một chiếc Toyota va nhẹ vào bánh sau của xích lô để thúc giục bác lái đi nhanh hơn.
Tôi tin rằng những người đạp xích lô là một trong những vận động viên có điều kiện rèn luyện thể lực tốt nhất trên thế giới. Hãy hình dung cảnh họ đạp cả trăm km mỗi ngày mà không bao giờ mệt mỏi, không cả dừng chân để đi vệ sinh hoặc uống nước. Quả là đáng kinh ngạc! Ủy ban Olympic Việt Nam nên tuyển lựa những tay đua này vào đội hình marathon của mình, hoặc có thể kiến nghị thêm môn lái xích lô vào nội dung tham gia Thế vận hội.
Tôi đã cố gắng chứng minh lý thuyết của mình về năng lực thể thao của các bác lái xe xích lô nhưng các bác tài từ chối tham gia cuộc đua dọc phố theo đúng phong cách chuyên nghiệp: có điểm xuất phát và vạch đích. Thật là mất vui!
Cuộc hành trình vòng quanh phổ cổ nhất định phải bắt đầu vào buổi sáng tại Café Phố Cổ hoặc Café Giảng với một hoặc hai ly cà phê trứng. Đây là màn nạp năng lượng. Tôi thậm chí còn cẩn thận hỏi nhân viên cho thể cho thêm chút rượu mạnh vào café được không nhưng nhận lại là cái lắc đầu. Tiếc thật!
Sau ly cà phê trứng là đến màn dạo quanh 36 phố phường của khu vực phố cổ, mà sau khi đi thăm rồi thì tôi có ấn tượng là có lẽ phải trên 36 phố mới đúng. Mỗi con phố nhỏ đó là hiện thân của một làng nghề xưa, nhưng qua thời gian chỉ còn lại tàn tích.
Nếu không có người lái xích lô dẫn dường, bạn thực sự có thể bị lạc trong mê cung của những con phố đan xen, dích dắc như bàn cờ mà không ai có thể tìm ra bạn. Chắc công an ở đây phải bận bịu quanh năm ngày tháng để tìm các vị khách du lịch lạc đường. Tôi còn nghe đồn có vài du khách đã bỏ lại (hay bị lạc mất) các đức ông chồng trong mê cung phố cổ, đành một mình đi tiếp chuyến thăm quan đến Huế, Đà Nẵng.
Tôi đặc biệt thích phố Hàng Bông bởi tôi yêu thích cửa hiệu nhỏ bán các loại huy hiệu, quân hiệu, các cửa hàng trưng bày tranh, các cửa hiệu bán đồ lụa tơ tằm… Đi dọc phố, tôi thì thích thú còn các bác lái xích lô thì phát điên: dừng ở đây, không ở kia cơ, bác chờ đây nhé, hay thôi chờ ở đây được không? Chắc bác ấy đang tự hỏi cuốc xe này có đáng tiền không đây.
Nếu bạn cần mua quà tặng thì có rất nhiều cửa hàng trong khu vực này, đặc biệt phải kể đến cà vạt lụa và khăn quàng cổ. Tôi nhớ mình đã mua một lúc hàng chục chiếc cà vạt và khăn quàng để tặng đồng nghiệp. Tốt nhất là cứ tiến thẳng vào cửa hàng và nói người bán gói cho mỗi loại một chiếc. Quà tặng thì không bao giờ là đủ.
Trước đây, tôi đã từng tuyển các sinh viên cao học làm việc trong các dự án nghiên cứu quan trọng. Để khuyến khích họ, tôi đã tặng họ huy hiệu du lịch Việt Nam - ghim cài áo hình quốc kỳ Việt Nam, huy hiệu hình Văn Miếu, huy hiệu hình Đức Phật - để ghi nhận việc họ đã hoàn thành tốt công việc. Đáng ngạc nhiên là việc này mang lại hiệu quả ngoài mong đợi. Các sinh viên sẽ làm bất cứ điều gì để được thưởng một chiếc ghim cài áo. Kết quả là, nhiều sinh viên bắt đầu quan tâm đến Việt Nam và tôi chắc chắn rằng rất nhiều trong số họ đã đến thăm Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình học.
Một cửa hàng tôi đặc biệt yêu thích trong khu phố cổ là Mekong Quilts ở số 13 Hàng Bạc. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận bán các sản phẩm thủ công do chính tay những phụ nữ thiệt thòi ở khu vực sông Mekong làm ra. Họ làm chăn, vỏ gối, ga trải giường, thú nhồi bông, túi xách và túi tote và các vật dụng bằng giấy bồi và tre. Chất lượng của những sản phẩm này tuyệt vời đến mức chúng có thể được coi là những tác phẩm nghệ thuật. Món đồ yêu thích của tôi là những con thỏ nhồi bông. Mỗi lần về Mỹ, tôi đều mang về một bầy thỏ làm quà cho lũ trẻ. Vì vậy, nếu bạn đến khu vực bờ Đông nước Mỹ và nhìn thấy rất nhiều chú thỏ nhồi bông, bạn sẽ biết phải cảm ơn ai.
Các nhân viên tại cửa hàng Mekong Quilt đặc biệt tốt bụng và thân thiện với khách hàng. Tôi rất ấn tượng với một cô gái trẻ. Khi bạn muốn xem những món đồ mà họ có tại cửa hàng, cô ấy sẽ lập tức chạy với tốc độ chóng mặt ra phía sau cửa hàng hoặc lên cầu thang rồi chạy xuống. Cô ấy sẽ làm điều đó cả ngày nếu khách yêu cầu. Quả là một người rất biết cách chăm sóc khách hàng của mình.
Tôi thích ghé thăm các cửa hàng bán đèn và quạt theo phong cách trang trí nghệ thuật "cổ điển". Đôi khi tôi thích ngồi trên hiên của một cửa hiệu cafe trong khu phố cổ, trên chiếc ghế đan bằng mây được bao quanh bởi những chậu cây xanh, uống một ly cocktail Margarita và giải nhiệt trước chiếc quạt đồng, và có lúc tôi mang theo cuốn Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể về trận đánh Điện Biên Phủ dưới ánh sáng của chiếc đèn trang trí nghệ thuật trong quán.
Các cửa hàng đồ cổ và đồ thủ công mọc lên khắp nơi trong khu phố cổ. Tôi đã bắt đầu sưu tập các bộ tượng "Phúc-Lộc-Thọ". Tôi làm vậy vì hai lý do: những bức tượng được làm bằng tay rất đẹp mắt, đẹp đến nỗi tôi không thể chịu được nếu không sở hữu cho riêng mình; và lý do nữa là vì tôi cần mọi sự may mắn trong cuộc đời này. Tôi chọn mua những bộ tượng nhỏ bởi tôi biết rằng các bác xích lô sẽ chẳng thể vui vẻ với ông khách Tây lại ôm thêm 3 ông tượng cao cả mét.
----
Và đó cũng là kết thúc cuộc hành trình trong giấc mơ về những ngày đã qua của tôi. Tôi hy vọng thời gian trôi thật nhanh để tôi tiếp tục được giải mã những băn khoăn của mình về phố cổ Hà Nội. Giờ là lúc tặng cho các bác đạp xích lô khoản tiền bo ảo và vẫy tay tạm biệt. Tôi tự hỏi liệu bác lái xe có đang nghĩ: Mong sao mình không gặp lại ông khách này lần nữa!