Thứ trưởng Bộ Tài chính nói về doanh nghiệp yến sào xuất hóa đơn doanh thu 30.000 tỷ đồng
Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định sẽ nâng cao kỷ cương, xử nghiêm các trường hợp gây khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời cũng kiên quyết xử nghiêm các gian lận trong hoàn thuế VAT.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều 5/8, báo chí đã đặt câu hỏi cho lãnh đạo Bộ Tài chính về tình trạng chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) do khó chứng minh được xác minh nguồn gốc hàng hóa.
Báo chí cũng đặt câu hỏi trách nhiệm chậm hoàn thuế thuộc về cơ quan nào, tổng số tiền chậm hoàn thuế tới nay là bao nhiêu?
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, quy định hoàn thuế VAT chia làm 2 trường hợp: hoàn trước kiểm sau và kiểm trước hoàn sau. Về thời hạn, với các trường hợp hoàn trước kiểm sau quy định thời hạn hoàn thành tính từ khi doanh nghiệp trình đầy đủ các hồ sơ theo quy định là 6 ngày. Với trường hợp kiểm trước hoàn sau, quy định thời hạn hoàn thành là 40 ngày.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2023, đã hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp hơn 70 nghìn tỷ đồng.
Liên quan đến phản ánh của doanh nghiệp về hoàn thuế VAT chậm do có nhiều vướng mắc trong quy định hoàn thuế, ông Chi khẳng định: “Một khi đã chậm thì cơ quan quản lý phải rà soát, xem xét và có cải tiến, để không ai nói chậm nữa”.
Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ rà soát quy định pháp luật và quy trình triển khai để rút ngắn thời gian, đáp ứng yêu cầu của xã hội và doanh nghiệp.
Về giải pháp, ngành Thuế đang xây dựng dữ liệu lớn về doanh nghiệp, chủ động sàng lọc các doanh nghiệp rủi ro trước - tức là các doanh nghiệp phải kiểm trước hoàn sau.
“Có doanh nghiệp chỉ kinh doanh yến sào, nhưng xuất hóa đơn với doanh thu trên 30.000 tỷ đồng thì, rõ ràng phải kiểm tra. Nếu hợp pháp thì sẽ hoàn thuế rất nhanh”, ông Chi nêu ví dụ.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng khẳng định sẽ nâng cao kỷ cương, xử nghiêm các trường hợp gây khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời cũng kiên quyết xử nghiêm các gian lận hoàn thuế.