Thủ phủ váy cưới Trung Quốc lao đao vì dịch Covid-19

03/09/2020 07:30 AM | Xã hội

"Chúng tôi cơ bản là không có khách hàng", Chủ cửa hàng Zhu Yuan của Romen’s Wedding Dress than thở.

Những cửa hàng trong trung tâm thương mại chuyên váy cưới Huqiu Wedding Dress Mall tại Tô Châu-Trung Quốc tràn ngập những phụ kiện lấp lánh nhằm thu hút khách hàng. Thế nhưng trong mùa dịch, chẳng có mấy ai đi dạo quanh khu thương mại vốn từng thu hút cả người tiêu dùng nước ngoài này cả.

Trên thực tế, không riêng gì trung tâm Huqiu, cả vùng Tô Châu vốn là nơi xuất khẩu váy cưới nổi tiếng trên thế giới. Thế nhưng dịch Covid-19 đã khiến các cặp đôi hủy, hoãn hoặc thay đổi kế hoạch, qua đó ảnh hưởng nặng đến ngành công nghiệp áo cưới tại Trung Quốc.

"Doanh số năm nay không hề tốt, tôi hy vọng mọi chuyện sẽ khá hơn vào nửa cuối năm", Chủ cửa hàng Ma Li của Hua Qing Yu Wedding Dress Store than thở.

Tô Châu vốn nổi tiếng với nhiều nhà máy sản xuất hợp đồng cung ứng cho Apple và Microsoft nhưng ít ai biết ngành công nghiệp áo cưới cũng đóng vai trò chủ chốt cho nền kinh tế tỉnh.

Số liệu của Frost &Sullivan cho thấy doanh số ngành công nghiệp này tại Trung Quốc đã tăng từ 923 tỷ Nhân dân tệ lên 1,64 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong khoảng 2014-2018. Mức tăng trưởng lũy kế hàng năm (CAGR) của ngành cao đến 15,5%. Đến năm 2023, nhiều ước tính cho thấy tổng giá trị của ngành có thể đạt 3 nghìn tỷ Nhân dân tệ.

Mặc dù vậy, những số liệu đẹp mắt đó đã bị ảnh hưởng khi dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, chỉ cách Tô Châu 740km về phía tây, qua đó kích hoạt hàng loạt các biện pháp giãn cách từ cuối tháng 1/2020.

Mặc dù Trung Quốc đã nới lỏng giãn cách cũng như cho phép tiệc cưới mở cửa trở lại sau khi số ca nhiễm mới suy giảm nhưng những công ty váy cưới tại Tô Châu vẫn chẳng thể sống sót. Hãng tin Reuters cho biết rất nhiều chủ cửa hàng than thở doanh số vẫn chưa thể hồi phục khi các cặp đôi giảm quy mô tiệc cưới vì thiếu tiền mùa dịch hay do các lệnh giãn cách tại địa phương.

"Chúng tôi cơ bản là không có khách hàng", Chủ cửa hàng Zhu Yuan của Romen’s Wedding Dress than thở khi cho biết chỉ khoảng 10-20% đối tượng khách hàng chính bao gồm các studio hay nhà xuất khẩu váy cưới là còn sống được trong mùa dịch.

Hãng Suzhou Jusere Wedding & Evening Dress, một trong những nhà sản xuất váy cưới lớn nhất Tô Châu đã phải cố gắng tăng doanh số bằng cách liên hệ trực tiếp với khách hàng thay vì qua những nhà môi giới, studio hay nhà xuất khẩu như trước đây. Họ thậm chí còn cử nhân viên đến tận nơi để chào hàng, một điều hiếm thấy với nhà sản xuất váy cưới vốn ít phát triển hệ thống phân phối trực tiếp.

Dẫu vậy, đại dịch vẫn khiến doanh số của Jusere ảnh hưởng nặng khi các đơn hàng quốc tế vốn chiếm 1/10 tổng doanh số của hãng đã biến mất do lệnh cách ly.

"Tôi hy vọng rằng đại dịch ở nước ngoài sẽ được khống chế, qua đó cho phép các studio mở cửa trở lại và thúc đẩy tiêu dùng", nhà sáng lập Xu Chuanhai của Jusere ngậm ngùi.

Mới đây, Triển lãm váy cưới Trung Quốc 2020 thường niên được tổ chức tại Thượng Hải, vốn là nơi những nhà môi giới, xuất khẩu hay studio hội tụ lại vắng bóng người tham gia.

Trong khi đó, đại diện Jiang Zin của hãng vận tải Hermosa Trading lại cho biết giá thành vận chuyển váy cưới xuất khẩu đã tăng lên do các lệnh giãn cách.

"Mức thuế vẫn vậy nhưng chi phí vận tải tăng lên do nhiều chuyến bay bị hủy. Chuỗi cung ứng bị đình trệ khiến chi phí ngày một đi lên", anh Xin nhận định.

Về phía các cặp đôi, tình hình cũng chẳng sáng sủa là bao. Chị Wei Jiawen cùng chồng Pan Wenjun sống tại Thượng Hải đã tổ chức một đám cưới nhỏ vào giữa tháng 8 sau khi bị hoãn trong tháng 2/2020 vì đại dịch.

"Chúng tôi đang chịu áp lực cả về thể chất lẫn tinh thần trong nửa năm qua vì phải hoãn cưới", chị Wei vốn đã sinh một bé gái trong khi hoãn cưới thừa nhận.

AB

Cùng chuyên mục
XEM