'Thủ phạm' đằng sau làn sóng COVID-19 khủng khiếp ở Ấn Độ và bài học cho toàn thế giới
Các nhà nghiên cứu ở Ấn Độ hiện đang cố gắng xác định nguyên nhân của cơn ‘sóng thần’ COVID-19 chưa từng có. Phân tích các nguyên nhân này có thể giúp ích cho các quốc gia khác đang cố gắng ngăn chặn nguy cơ xảy ra một làn sóng tương tự.
Đại dịch COVID-19 đang quét qua Ấn Độ với tốc độ khiến các nhà khoa học phải sửng sốt. Số ca mắc hằng ngày tăng cao khủng khiếp kể từ đầu tháng 3: chính phủ báo cáo 273.810 ca nhiễm mới trên toàn quốc vào ngày 18.4. Số ca mắc cao ở Ấn Độ cũng đã đẩy số ca mắc hằng ngày toàn cầu lên mức 854.855 trong tuần qua, gần như phá vỡ kỷ lục được thiết lập vào tháng 1.
Chỉ vài tháng trước đó, dữ liệu về kháng thể cho thấy nhiều người dân ở các thành phố như Delhi và Chennai đã từng bị nhiễm virus. Điều này khiến một số nhà nghiên cứu kết luận rằng giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch đã qua ở Ấn Độ.
Theo tạp chí khoa học Nature, các nhà nghiên cứu ở Ấn Độ hiện đang cố gắng xác định nguyên nhân của sự gia tăng số ca mắc chưa từng có, có thể là do sự kết hợp đáng tiếc của nhiều yếu tố, bao gồm sự xuất hiện của các biến thể đặc biệt dễ lây nhiễm, sự gia tăng tương tác xã hội và tỷ lệ tiêm vắc xin thấp. Phân tích các nguyên nhân này có thể giúp ích cho các quốc gia khác trên thế giới đang cố gắng ngăn chặn nguy cơ xảy ra một làn sóng tương tự.
Một thi thể nằm trên cáng ở New Delhi. Nguồn: Bhat Burhan / Al Jazeera
Các quốc gia châu Âu như Pháp và Đức hiện cũng đang trải qua các đợt bùng phát dịch lớn so với quy mô dân số của họ, và các quốc gia như Brazil và Mỹ đang báo cáo tỷ lệ lây nhiễm cao vào khoảng 70.000 ca một ngày. Nhưng tổng số ca mắc hằng ngày của Ấn Độ hiện là một trong những mức cao nhất từng được ghi nhận đối với bất kỳ quốc gia nào và gần đạt mức cao nhất là 300.000 ca mắc/ngày ở Mỹ vào ngày 2.1.
Chưa đủ miễn dịch
Số ca mắc COVID-19 bắt đầu giảm ở Ấn Độ vào tháng 9 năm ngoái sau mức cao khoảng 100.000 ca nhiễm mỗi ngày. Nhưng con số này bắt đầu tăng trở lại vào tháng 3 và mức cao nhất hiện tại gấp đôi so với mức cao nhất trước đó.
Zarir Udwadia, một nhà nghiên cứu lâm sàng về các bệnh về phổi tại Bệnh viện & Trung tâm Nghiên cứu Y tế PD Hinduja ở Mumbai, nói với tạp chí Nature: "Làn sóng thứ 2 khiến cho làn sóng đầu tiên trông giống như một gợn sóng trong bồn tắm".
Ông Udwadia gọi cảnh tượng tại các bệnh viện hiện nay giống như "ác mộng", nơi mà nguồn cung cấp giường bệnh và phương pháp điều trị cực kỳ thiếu thốn.
Các khu hỏa táng ở New Delhi phải hoạt động 24h/ngày do số người chết vì COVID-19 gia tăng. Nguồn: Bhat Burhan / Al Jazeera
Shahid Jameel, một nhà virus học tại Đại học Ashoka ở Sonipat, đồng ý rằng cường độ của làn sóng hiện tại thật kinh ngạc. "Tôi biết là sẽ có những đợt lây nhiễm mới, nhưng tôi không ngờ rằng nó khủng khiếp đến mức này", Jameel nói.
Các nghiên cứu kiểm tra kháng thể SARS-CoV-2 - một dấu hiệu cho thấy một người từng nhiễm virus - vào tháng 12 và tháng 1 ước tính rằng hơn 50% dân số ở một số khu vực của các thành phố lớn của Ấn Độ đã từng tiếp xúc với virus. Điều này đáng lẽ ra phải cung cấp một số khả năng miễn dịch, Manoj Murhekar, một nhà dịch tễ học tại Viện Dịch tễ học Quốc gia (Ấn Độ) ở Chennai, cho biết. Các nghiên cứu cũng gợi ý rằng trên toàn Ấn Độ, khoảng 271 triệu người đã bị nhiễm virus - khoảng 1/5 dân số nước này.
Những con số này khiến một số nhà nghiên cứu tin rằng giai đoạn tiếp theo của đại dịch sẽ ít nghiêm trọng hơn, Ramanan Laxminarayan, nhà dịch tễ học tại Đại học Princeton, New Jersey, có trụ sở tại New Delhi, cho biết. Nhưng đợt bùng phát COVID-19 mới nhất đang buộc họ phải suy nghĩ lại.
Một lý do có thể là làn sóng COVID-19 đầu tiên chủ yếu tấn công người nghèo ở thành thị. Các nghiên cứu về kháng thể có thể không đại diện cho toàn bộ dân số và có khả năng đánh giá quá cao về sự tiếp xúc với virus ở các nhóm khác, ông Laxminarayan nói.
Dữ liệu về kháng thể không phản ánh sự lây lan không đồng đều của virus, Gagandeep Kang, nhà virus học tại Đại học Y Christian ở Vellore, Ấn Độ, cho biết. Bà Kang nói: "Virus có thể xâm nhập vào các quần thể mà trước đây có thể tự bảo vệ mình. Các quần thể này có thể bao gồm các cộng đồng đô thị giàu có hơn, những người bị cô lập trong làn sóng đầu tiên nhưng bắt đầu hòa nhập trong đợt thứ hai".
Các khu hỏa táng ở New Delhi phải hoạt động 24h/ngày do số người chết vì COVID-19 gia tăng. Nguồn: Bhat Burhan / Al Jazeera
Các biến thể lây lan nhanh?
Nhưng một số nhà nghiên cứu nói rằng tốc độ và quy mô của đợt bùng phát hiện tại cho thấy có một nguyên nhân khác: các biến thể mới nổi của virus.
Nhà nghiên cứu Udwadia đã chứng kiến những trường hợp mà toàn bộ gia đình mắc COVID-19 - không giống làn sóng đầu tiên, khi các cá thể đơn lẻ có kết quả xét nghiệm dương tính. Ông cho rằng điều này là do sự hiện diện của các biến thể dễ lây nhiễm hơn. "Nếu một người trong gia đình nhiễm virus, tôi có thể đảm bảo rằng tất cả mọi người trong gia đình đều nhiễm theo", ông nói.
Dữ liệu giám sát bộ gen cho thấy rằng biến thể B.1.1.7, lần đầu tiên được xác định ở Vương quốc Anh, đã trở thành chủng virus chiếm ưu thế ở bang Punjab, Ấn Độ.
Và một biến thể mới lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ vào cuối năm ngoái, được gọi là B.1.617, đã trở thành biến thể thống trị ở bang Maharashtra. B.1.617 thu hút sự chú ý vì nó chứa hai đột biến có liên quan đến việc tăng khả năng lây truyền và khả năng trốn tránh sự bảo vệ miễn dịch. Hiện nó đã được phát hiện ở 20 quốc gia khác. Các phòng thí nghiệm ở Ấn Độ đang cố gắng kiểm tra tốc độ tái tạo của biến thể này và tìm hiểu xem liệu máu của những người được tiêm chủng có thể ngăn chặn sự lây nhiễm hay không, nhà virus học Jameel nói.
Một bệnh nhân được sơ tán khỏi bệnh viện Ấn Độ hôm 23.4 vì một vụ cháy xảy ra. Nguồn: EUROPEAN PRESSPHOTO AGENCY
Jameel cho biết thêm tình hình ở Ấn Độ có vẻ tương tự như tình hình ở Brazil cuối năm ngoái, nơi mà sự tái xuất của COVID-19 ở thành phố Manaus xuất hiện đồng thời với sự lây lan của một biến thể có khả năng lây truyền cao được gọi là P.1. Biến thể P.1 có thể có trốn tránh khả năng miễn dịch có được do từng nhiễm virus.
Nhưng những nhà khoa học khác nói rằng dữ liệu giải trình tự gen hiện không đủ để đưa ra tuyên bố như vậy. David Robertson, nhà virus học tại Đại học Glasgow, Vương quốc Anh, cho biết: "Vì số lượng giải trình tự gen hiện có là thấp so với số trường hợp ở Ấn Độ, chúng ta cần phải thận trọng".
Gặp gỡ, di chuyển và du lịch
Một số nhà khoa học nhận định rằng các biến thể mới nổi chỉ góp một phần nhỏ trong sự gia tăng các ca mắc COVID-19 ở Ấn Độ. Anurag Agrawal, giám đốc Viện Hệ gen học và Sinh học Tích hợp CSIR ở New Delhi, cho biết ở nhiều vùng đang bùng phát dịch, các biến thể mới không chiếm ưu thế trong các bộ gen được giải trình.
Srinath Reddy, một nhà dịch tễ học và là người đứng đầu Tổ chức Y tế Công cộng của Ấn Độ ở New Delhi, cho rằng việc mọi người nới lỏng cảnh giác là nguyên nhân lớn hơn. Ông Reddy nói: "Đại dịch tái bùng phát trong một xã hội hoàn toàn cởi mở, nơi mọi người gặp gỡ, di chuyển và đi du lịch".
Trước khi lệnh phong tỏa được áp dụng vào ngày 14 tháng 4, công nhân nhập cư xếp hàng tại một nhà ga để rời khỏi thành phố Mumbai, Ấn Độ. Nguồn: Getty
Theo nhà dịch tễ học Laxminarayan, sau khi số ca mắc COVID-19 giảm sau tháng 9 năm ngoái, "có một lời nhận định công khai rằng Ấn Độ đã chinh phục được COVID-19". Trong những tháng gần đây, nhiều đám đông lớn đã tụ tập trong nhà và ngoài trời trong các cuộc vận động chính trị, lễ hội tôn giáo và đám cưới.
Chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc, bắt đầu vào tháng 1, thậm chí có thể đã góp phần làm tăng số ca bệnh nếu nó khiến mọi người nới lỏng các biện pháp phòng ngừa. Laxminarayan nói: "Sự xuất hiện của vắc xin khiến mọi người có tâm trạng thoải mái hơn".
Hơn 120 triệu liều vắc xin đã được triển khai, hầu hết là phiên bản vắc xin của Oxford/AstraZeneca do Ấn Độ sản xuất có tên là Covishield. Nhưng con số đó tương đương dưới 10% dân số Ấn Độ, vì vậy vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Đặc biệt, Ấn Độ cần tăng cường tiêm chủng ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhà virus học Kang nói.
Nhà nghiên cứu Udwadia cho biết một số người có thể đã bị nhiễm virus khi đi tiêm vắc xin, bởi vì rất nhiều người đến tiêm trong các phòng khám – nơi mà cả những người có dấu hiệu COVID-19 cũng đến khám.
(Nguồn: Tạp chí khoa học Nature)