img

Nguyễn Lan Anh là cây viết kinh doanh chuyên nghiệp quốc tế, được biết đến rộng rãi ở Việt Nam qua vai trò dẫn dắt khối nội dung của Forbes Việt Nam. Gần đây, chị mới nhận một vai trò mới, điều hành Endeavor Việt Nam, tổ chức quốc tế được giới kinh doanh trẻ kháo là "chiến đạo".  

Tạp chí Forbes phiên bản tiếng Việt ra mắt tại thị trường báo chí Việt Nam từ giữa năm 2013, và đã nhanh chóng tạo dựng uy tín nhờ các số tạp chí với nội dung chất lượng cao kết hợp giữa thông tin kinh tế trong nước và quốc tế. Điểm khác biệt nữa là chuỗi các sự kiện, các hoạt động kết nối doanh nghiệp với nội dung phong phú được tổ chức chuyên nghiệp. Nhờ danh tiếng của tờ tạp chí mẹ Forbes và tài lèo lái của thủ lĩnh Nguyễn Lan Anh, Forbes Việt Nam đã dần khẳng định được vị thế trong làng báo kinh tế Việt Nam. Những tưởng, cái tên Nguyễn Lan Anh sẽ chỉ gắn bó với Forbes. Đột nhiên cuối năm 2018, có thông tin là chị đã thôi trách nhiệm quản lý ở Forbes Việt Nam, chuyển sang vai trò cố vấn Ban biên tập và chỉ còn chịu trách nhiệm về nội dung liên quan đến Việt Nam cho Forbes quốc tế. Vai trò mới của chị là tổng giám đốc điều hành Endeavor Việt Nam.

Endeavor là tổ chức như thế nào mà có thể hấp dẫn được Nguyễn Lan Anh, kéo  chị ra khỏi "vùng an toàn" của mình? CafeBiz đã có buổi trò chuyện thân mật cùng chị nhân ngày 8/3, bàn về chuyện nghề ở Endeavor và cả Forbes.

Đầu tiên, chị có thể cho biết Endeavor là tổ chức như thế nào? Nó là quỹ đầu tư hay tổ chức ngành nghề?

Thủ lĩnh Forbes Việt Nam Nguyễn Lan Anh và hành trình đến với “chiến đạo” Endeavor - Ảnh 1.

Endeavor là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New York, được hình thành với một tầm nhìn đơn giản: một mạng lưới giúp cho các doanh nhân khởi nghiệp tiếp cận với hệ sinh thái nội địa và quốc tế, trong đó họ có thể kết nối, học hỏi từ những người đi trước hoặc những doanh nhân khác, có thể tiếp cận với nguồn vốn và xây dựng tài năng; để có thể phát triển mạnh doanh nghiệp của mình, thành công và tiếp tục giúp những thế hệ tiếp theo. Chúng tôi gọi hệ thống đó là "pay it forward" – tiếng Việt có thể gọi là đáp đền tiếp nối.

Mô hình hoạt động của Endeavor đặc biệt ở chỗ: nó kết hợp cả hệ sinh thái khởi nghiệp và quỹ đầu tư, nhưng là phi lợi nhuận. Endeavor có chương trình hỗ trợ toàn diện cho các công ty đang trong giai đoạn "scale-up" (phi mã), giúp họ nhanh chóng cất cánh. Endeavor có hơn 30 văn phòng trên khắp thế giới, đặc biệt chú trọng vào những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Khi hiểu rõ về mô hình này, tôi nhận ra rằng đây chính là mạng lưới mà nền kinh tế Việt Nam đang cần, và đây là nơi tôi có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực. Mô hình phi lợi nhuận của Endeavor cũng giúp cho tôi tránh được những mâu thuẫn lợi ích có thể có trong việc vừa xây dựng nó, vừa tiếp tục công việc viết báo của mình.

Endeavor có quản lý một quỹ đầu tư là Catalyst, chuyên đầu tư cùng các quỹ khác vào các doanh nghiệp trong mạng lưới, chú trọng vào các công ty công nghệ. Catalyst đang gây quỹ thứ 3, sau khi hai quỹ đầu tiên đã giải ngân xong, đang hoạt động rất hiệu quả. Điểm khác biệt với các quỹ khác, là nhà đầu tư khi bỏ tiền vào quỹ này cam kết 50% lợi nhuận thu về sẽ được dùng để đóng góp trở lại cho Endeavor làm các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

Thủ lĩnh Forbes Việt Nam Nguyễn Lan Anh và hành trình đến với “chiến đạo” Endeavor - Ảnh 2.

Chị vừa nhắc đến thuật ngữ thú vị "pay it forward" – đáp đền tiếp nối. Chị có thể nói rõ hơn về cách làm này?

Tôi cho rằng, ngày xưa, Việt Nam mình đã có những mô hình như Endeavor bằng thành ngữ "buôn có bạn, bán có phường". Chìa khoá ở đây là mọi người cùng giúp nhau – hỗ trợ nhau. Ở phương Tây, những người giàu có, thành công thường tin vào văn hoá "giving back" (đóng góp lại xã hội) và "pay it forward" – là khi chúng ta thành công, thì chúng ta tiếp tục giúp những người khác. Trong mạng lưới Endeavor, các cố vấn (mentor) và các thành viên ban quản trị (board members) là những người thành công trong nhiều ngành nghề khác nhau, hoặc những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực liên quan đến kinh doanh.

Họ đóng góp cho mạng lưới bằng kinh nghiệm và thời gian, giúp dẫn dắt, cho ý kiến đến các doanh nghiệp đang phát triển. Ngoài ra, họ còn đóng góp tiền – là những khoản không hoàn lại – để giúp xây dựng mạng lưới và chương trình hoạt động của hệ sinh thái. Điểm khác biệt của Endeavor là bên cạnh mạng lưới trong nước, còn có một mạng lưới quốc tế, giúp cho doanh nghiệp không chỉ kết nối với cố vấn hoặc các doanh nghiệp khác trong cùng một ngành nghề ở một quốc gia, mà sẽ nhận được sự trợ giúp toàn cầu.

Sau một thời gian làm việc với các anh chị doanh nhân trong ban quản trị Endeavor Việt Nam, cũng như trong quá trình xây dựng mạng lưới này, tôi nhận thấy, văn hoá "giving back" đang hình thành rất mạnh mẽ trong giới doanh nhân Việt Nam. Nhiều người thành công đang tìm cách hiệu quả để đóng góp cho xã hội.

Thủ lĩnh Forbes Việt Nam Nguyễn Lan Anh và hành trình đến với “chiến đạo” Endeavor - Ảnh 3.

Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp để hỗ trợ là gì, thưa chị?

Endeavor không chú trọng vào các ngành nghề cụ thể mà vào những doanh nghiệp đạt hiệu quả cao, dựa trên những tiêu chí căn bản như: doanh nghiệp có phát minh, sáng tạo công nghệ; doanh nghiệp tạo được tăng trưởng doanh thu cao (trên 25%/ năm); tạo được nhiều công ăn việc làm... Ngoài ra, doanh nhân phải tin vào việc đóng góp trở lại bằng cách giúp những người khác thành công.

Khi các doanh nhân mới tạo dựng một công ty có mô hình kinh doanh tốt và có cơ hội phát triển mạnh, họ thường gặp rất nhiều vấn đề hóc búa mà khó tự mình giải quyết. Nếu được hỗ trợ từ những tổ chức như Endeavor, bằng việc kết nối đúng người - đúng việc, giúp tháo gỡ các nút thắt, thì khả năng - xác suất thành công sẽ cao hơn.

Tôi tin rằng, khi một công ty phát triển tốt, họ tạo ra nhiều công ăn việc làm, giúp cả nền kinh tế phát triển tốt. Đó là lý do Endeavor chọn hỗ trợ các doanh nghiệp đang trong giai đoạn scale-up, mô hình kinh doanh đã được chứng minh, có doanh thu và mức tăng trưởng tốt.

Khi đưa doanh nghiệp vào chương trình hỗ trợ toàn diện, Endeavor không đòi hỏi phải có cổ phần trong công ty. Ngân quỹ để cho văn phòng hoạt động đến từ đóng góp của các mạnh thường quân là board members, các nhà tài trợ, và lâu dài, đến từ nguồn đóng góp "giving back" của các doanh nghiệp thành viên đã thành công.

Thủ lĩnh Forbes Việt Nam Nguyễn Lan Anh và hành trình đến với “chiến đạo” Endeavor - Ảnh 4.

Đây là công việc đầu tiên của chị không dính dáng tới báo chí? Cơ duyên nào khiến chị gia nhập Endeavor?

Đúng vậy, trước đây tôi chỉ làm báo và luôn xem mình là một nhà báo. Còn bây giờ, tôi vẫn viết báo nhưng có thêm công việc mới ở Endeavor và nó cũng khá thách thức.

Tôi biết đến Endeavor qua các anh chị doanh nhân trong ban quản trị sáng lập Endeavor Việt Nam, họ là những người tiên phong trong việc xây dựng mạng lưới này, và họ đang tìm người điều hành. Họ nghĩ tôi là người thích hợp, vì những hiểu biết của tôi về môi trường kinh doanh ở Việt Nam, với giới kinh doanh và khởi nghiệp qua kinh nghiệm làm việc ở Forbes. Và khi tìm hiểu, tôi được thuyết phục rằng đây chính là cách tạo ảnh hưởng tốt cho xã hội và đây là cái Việt Nam đang cần.

Việt Nam mình hiện cũng có những tổ chức – quỹ hỗ trợ  start-up, nhưng khi các bạn qua được giai đoạn đầu phát triển, tới gian đoạn scale-up thì gặp nhiều trở ngại mà chưa có mạng lưới hỗ trợ. Đó là lúc Endeavor bước vào.

Thủ lĩnh Forbes Việt Nam Nguyễn Lan Anh và hành trình đến với “chiến đạo” Endeavor - Ảnh 5.

Dạo gần đây, có rất nhiều quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ đầu xuất hiện tại Việt Nam, chị nghĩ gì về vấn đề này?

Đúng vậy, khó khăn nhất của các bạn doanh nhân khởi nghiệp không phải là vốn, vấn đề quan trọng hơn hiện nay là phát triển doanh nghiệp như thế nào. Tôi tin rằng Endeavor quyết định mở rộng vào Việt Nam thời điểm này rất thích hợp.

Sau 4 tháng, Endeavor Việt Nam đã làm được những việc gì?

Việc thành lập văn phòng đã xong xuôi, chúng tôi cũng đang có một ban quản trị mạnh. Chúng tôi cũng đang đi làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, nhưng nhiều người vẫn chưa biết nhiều về Endeavor.

Chúng tôi cũng đã thực hiện vòng tuyển chọn doanh nghiệp đầu tiên và chọn được hai công ty, The Coffee House và Giao Hàng Nhanh để các bạn tham dự vòng tuyển chọn quốc tế tiếp theo. Ngay khi bắt đầu quá trình tuyển chọn là họ nhận được trợ giúp từ mạng lưới cố vấn của Endeavor. Sau vòng quốc tế, khi chính thức trở thành Doanh nhân Endeavor, họ sẽ nhận được gói hỗ trợ toàn diện.

Thủ lĩnh Forbes Việt Nam Nguyễn Lan Anh và hành trình đến với “chiến đạo” Endeavor - Ảnh 6.

Nếu doanh nghiệp cần gọi vốn, Endeavor sẽ giúp kết nối với các quỹ đầu tư và Catalyst có thể xem xét cùng đầu tư khoảng 10% số vốn. Như thế, Catalyst sẽ đứng về phía doanh nghiệp chứ không phải nhà đầu tư trong quá trình đàm phán.

Sau khi được chọn, doanh nghiệp sẽ có một ban cố vấn – trong nước lẫn quốc tế hỗ trợ, những người sẽ lắng nghe vấn đề của doanh nghiệp và cho ý kiến, gợi mở những cách giải quyết hoặc kết nối họ với nguồn lực cần thiết.

Endeavor tập trung vào các doanh nghiệp đã chứng minh được mô hình kinh doanh, đã có doanh thu, tuy nhiên, chuyện gì cũng có ngoại lệ. Chúng tôi sẵn sàng đầu tư vào những công ty công nghệ vượt trội có tiềm năng, người sáng lập có năng lực và tầm nhìn, không nhất thiết phải có kích cỡ phát triển như The Coffee House hay Scommerce (công ty mẹ của Giao Hàng Nhanh) hiện nay. Doanh thu quan trọng nhưng tiềm năng phát triển cũng quan trọng không kém.

Anh Nguyễn Thành Nam, một trong những người sáng lập FPT và hiện nay là hiệu trưởng trường đại học online Funix, đang đóng vai trò chủ tịch ban quản trị của Endeavor Việt Nam. Anh ấy gọi Endeavor là "Chiến đạo" – sau đó chúng tôi nhận được một số email với tiêu đề: "Đơn xin gia nhập Chiến đạo" và sự kiện này khiến tôi rất thích thú. Giống như anh Nam nói, Endeavor là nơi tôi luyện tinh thần chiến đấu của các doanh nhân.

Thủ lĩnh Forbes Việt Nam Nguyễn Lan Anh và hành trình đến với “chiến đạo” Endeavor - Ảnh 7.

Vậy sự khác biệt lớn nhất khi làm việc giữa Endeavor và Forbes là gì?

Lúc ở Forbes mình quan sát – kể chuyện – đưa thông tin về doanh nghiệp, về nền kinh tế; đến Endeavor, tôi giúp doanh nghiệp một cách trực tiếp bằng việc kết nối họ tới những nguồn lực họ cần.

Thủ lĩnh Forbes Việt Nam Nguyễn Lan Anh và hành trình đến với “chiến đạo” Endeavor - Ảnh 8.

Có thể nói, trong làng báo, Forbes là một trong những tờ báo thành công nhất. Vậy nếu bây giờ, có ai đó tới hỏi chị cách để một tờ báo có thể kinh doanh tốt, chị sẽ trả lời như thế nào?

Tất nhiên, tôi sẵn sàng chia sẻ. Khi Forbes vào Việt Nam, chúng tôi tập trung xây dựng nội dung tốt - có trách nhiệm. Nội dung tốt là tiêu chuẩn hàng đầu. Mô hình kinh doanh của Forbes Việt Nam vẫn là lấy nguồn thu từ quảng cáo, bên cạnh đó chúng tôi tổ chức các chương trình truyền thông, kết nối với nguồn thu từ tài trợ thương mại. Khi Forbes vào Việt Nam, đây là mô hình mới, nhưng thực tế là mô hình Forbes đã thực hiện thành công ở Mỹ và trên thế giới.

Một số tờ báo lớn trên thế giới đã chứng minh, nếu họ làm nội dung tốt thì sẽ kiếm được tiền. Độc giả sẽ trả tiền cho nội dung tốt. New York Times, Financial Times... đã làm được điều đó.

Với những tổ chức báo chí kinh tế như Financial Times, Bloomberg, Wall Street Journal... làm được điều này dễ hơn, vì độc già của họ sẵn sàng trả tiền cho thông tin đặc sắc, vì nó giúp họ kiếm tiền.

Còn những mô hình báo chí phục vụ đông đảo công chúng - xã hội thì khó hơn, nhưng thực tế New York Times đã chứng minh được là độc giả sẵn sàng trả tiền đọc online vì nội dung họ tốt. Dần dà bản thân báo chí của Việt Nam phải tăng chất lượng lên, vì bây giờ chất lượng vẫn còn rất bát nháo. Khi mình có tiêu chuẩn và nội dung tốt, độc giả sẽ trả tiền cho mình.

Events là nơi để mọi người networking với nhau, nhưng chất lượng nội dung và diễn giả vẫn quan trọng nhất. Đó là nơi mà những luồng tư tưởng mới nhất về kinh tế và kinh doanh được chia sẻ. Vì chia sẻ trên báo không đủ, người ta cần một chỗ đến ngồi cùng nhau, chia sẻ và lắng nghe. Cái mà Forbes làm được là đưa những người có tư tưởng mới nhất – thinkers, và những người làm được – doers, tới chia sẻ về những thứ họ đã làm được, đến với sự kiện. Cái đó không hề dễ, vì để thuyết phục những người đang làm đi chia sẻ – đặc biệt ở Việt Nam, là rất khó.

Khi Forbes mới vào năm 2013, chúng tôi là nơi đầu tiên làm về event và làm rất tốt, còn bây giờ ai cũng làm, nên nó hơi bị quá tải. Mô hình kinh doanh báo chí đang bị khủng hoảng trên toàn cầu, ngân sách quảng cáo chạy hết vào online – tức là mạng xã hội thay vì chạy vào các nhà sản xuất content. Thế nên, để có thể tồn tại và phát triển, các báo phải nghĩ ra cách kiếm tiền khác.

Bảng xếp hạng (BXH) là DNA của Forbes. Vậy trong các BXH, thì loại nào khó làm nhất? Phải chăng là BXH những người giàu nhất Việt Nam?

Đúng vậy. Do đòi hỏi về thông tin minh bạch, đánh giá tài sản của người giàu tại Việt Nam là công việc khó nhất. Thế nên, cho tới thời điểm này, Forbes vẫn chưa đưa ra danh sách người giàu nhất Việt Nam, tuy nhiên cũng sẽ sớm có thôi. Hiện nay chúng tôi đã đưa nhiều gương mặt ở Việt Nam vào danh sách tỉ phú thế giới. Thực tế thì Việt Nam có nhiều tỉ phú hơn hiện tại, nhưng chúng tôi cần thêm thông tin để có thể chứng minh điều này.

Thủ lĩnh Forbes Việt Nam Nguyễn Lan Anh và hành trình đến với “chiến đạo” Endeavor - Ảnh 10.

Trong vị trí quản lý tại Forbes Việt Nam, kinh nghiệm làm việc gì khiến chị thích thú nhất?

Chúng tôi đem được nhiều cái mới đến Việt Nam và một trong những dự án mà tôi hào hứng nhất là tạo ra danh sách những người trẻ tiêu biểu dưới 30 tuổi.

Chúng tôi thực hiện dự án này chỉ sau hai năm Forbes có mặt tại Việt Nam và cũng chỉ hơn một năm sau khi dự án này được ra mắt ở Mỹ. Tôi nhận thấy sự hấp dẫn của dân số trẻ Việt Nam. Thị trường có rất nhiều người trẻ, cần có nội dung phù hợp cho họ và cần phải ghi nhận họ. Khi làm điều này, chúng tôi tin rằng mình đã góp phần thổi một luồng năng lượng mới vào giới trẻ.

Những phản hồi mà tôi nhận được sau những sự kiện dành cho giới trẻ luôn khiến tôi rất hạnh phúc, như mình vừa nhận được một luồng năng lượng mới cũng như tạo nên nguồn năng lượng tích cực cho xã hội. Có thể nói, Forbes đã làm thứ mà chưa ai làm và góp phần xây dựng phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam. Những gương mặt trong danh sách qua các năm đã tạo nhiều cảm hứng cho người trẻ khác, khiến họ suy nghĩ: À, tôi cũng muốn thành công, tôi cũng muốn cống hiến cho xã hội cái gì đó.

Forbes Việt Nam là một tổ chức báo chí mà để tồn tại, phải có lợi nhuận. Nhưng khi bắt tay vào làm, chúng tôi không nghĩ đến lợi nhuận đầu tiên, mà nghĩ việc  mình làm sẽ đóng góp được gì. Ngay những ngày đầu làm Forbes ở Việt Nam, nhà đầu tư Forbes Việt Nam đã đồng ý với tôi là: mục đích đầu tiên của báo chí không phải là lợi nhuận mà là ảnh hưởng xã hội, mình giúp cho xã hội tiến bộ bằng cách đem đến thông tin tốt, trung thực, chuyên nghiệp.

Cảm ơn chị!

Linh Đan
Maika Elan
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Trí Thức Trẻ