Thù lao các ông chủ ngân hàng tăng mạnh
So với cùng kỳ năm ngoái, thu nhập bình quân của các thành viên HĐQT Techcombank chỉ tăng nhẹ 3%, trong khi tại ACB tăng tới 30%. Còn với mức tăng 7%, thù lao của các thành viên HĐQT của MB bình quân 131 triệu đồng/tháng/người.
Theo thống kê tại 10 ngân hàng có thuyết minh thu nhập của các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), tổng thù lao bình quân của các "ông chủ" ngân hàng nửa đầu năm nay tăng 23%.
Theo đó, thù lao bình quân các thành viên HĐQT của các nhà băng này nhận về ước khoảng 216 triệu đồng/người/tháng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ 175 triệu đồng/người/tháng. Hầu hết các nhà băng đều ghi nhận thù lao bình quân của các thành viên HĐQT bao gồm của Chủ tịch HĐQT tăng, với mức tăng từ 3% đến 100%.
Trong nhóm quốc doanh, 2 ngân hàng có thuyết minh thù lao của HĐQT là Vietcombank và Agribank.
Báo cáo tài chính của Agribank cho thấy, mức chi cho Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát (BKS) và Ban Tổng Giám đốc là 5,7 tỷ đồng, tương đương mỗi lãnh đạo nhận 41,56 triệu đồng/tháng, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo chế độ, tiền lương, thưởng mới công bố của Agribank, ngân hàng có kế hoạch tăng thêm 3 người lên 25 người quản lý doanh nghiệp. Mức lương bình quân của các lãnh đạo trong năm nay dự kiến là 58,5 triệu đồng/tháng. Sau khi cộng thêm các khoản tiền thưởng, thu nhập bình quân của lãnh đạo Agribank sẽ tăng lên 65,8 triệu đồng/tháng.
Về báo cáo tài chính của Vietcombank cho thấy, thù lao của HĐQT và BKS của ngân hàng chi không vượt quá 0,27% lợi nhuận sau thuế cho kỳ 6 tháng kết thúc ngày 30/6.
Ước tính theo con số lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm của Vietcombank là 10.858 tỷ đồng, 13 lãnh đạo trong HĐQT và BKS nhận tối đa 29,3 tỷ đồng. Bình quân hàng tháng, mỗi thành viên HĐQT nhận thù lao có thể lên tới 376 triệu đồng/người.
Tại bốn ngân hàng tư nhân top đầu (Techcombank, VPBank , ACB và MB), dữ liệu tại báo cáo cho thấy có sự khác biệt lớn về thù lao bình quân của các "ông chủ".
Tại Techcombank và ACB, thu nhập bình quân dành cho thành viên HĐQT bao gồm Chủ tịch Hồ Hùng Anh và Trần Hùng Huy lên tới 248 triệu đồng/tháng. Trong đó, Techcombank là ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận trong nhóm ngân hàng tư nhân, còn ACB là ngân hàng có lợi nhuận khiêm tốn nhất trong nhóm này.
So với cùng kỳ năm ngoái, thu nhập bình quân của các thành viên HĐQT Techcombank chỉ tăng nhẹ 3%, trong khi tại ACB tăng tới 30%. Còn với mức tăng 7%, thù lao của các thành viên HĐQT của MB bình quân 131 triệu đồng/tháng/người.
Điều đáng chú ý, mức chi trả thù lao cho thành viên HĐQT tăng tới 100% so với cùng kỳ năm 2020 - cao nhất trong số ngân hàng được thống kê - nhưng mức bình quân mà các sếp tại VPBank thu về, bao gồm cả Chủ tịch Ngô Chí Dũng chỉ 180 triệu đồng.
Tương tự, báo cáo tài chính cũng hé lộ việc nhiều ngân hàng cổ phần mạnh tay chi thù lao cho ban lãnh đạo.
Ngân hàng SeABank đã chi khoảng 139 triệu đồng/tháng cho các thành viên HĐQT, bao gồm cả Chủ tịch Lê Văn Tần và Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Nga. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, mức chi này chỉ vào khoảng 117 triệu đồng/tháng, tức là thấp hơn 19% so với cùng kỳ năm nay.
Hay tại MSB, thù lao bình quân hàng tháng cho các cấp lãnh đạo khá đồng đều khoảng hơn 230 triệu đồng/người, trong đó TGĐ và mỗi thành viên ban TGĐ thu về 266 triệu đồng mỗi tháng trong nửa đầu năm.
Tại VIB, 6 tháng đầu năm, ngân hàng này chi 91,4 triệu đồng mỗi người trong HĐQT, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Sacombank của Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh, báo cáo tài chính bán niên riêng lẻ của ngân hàng này cho thấy, thù lao mà dàn lãnh đạo Sacombank nhận được bao gồm 16,7 tỷ đồng cho 7 thành viên HĐQT và 4 thành viên BKS và 32,1 tỷ đồng cho 15 thành viên Ban TGĐ.
Theo đó, mức thù lao sau thuế bình quân mà ông Dương Công Minh và mỗi thành viên HĐQT, BKS hàng tháng nhận được là 126,5 triệu đồng và Ban TGĐ là 178 triệu đồng.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh.
Ông Dương Công Minh sinh ngày 10/05/1960 (Canh Tý) tại Quế Võ, Bắc Ninh Dương. Ông Công Minh là một doanh nhân người Việt Nam hiện là Chủ tịch Sacombank. Ông là nhà sáng lập, Chủ tịch tập đoàn Him Lam giai đoạn 1997 – 2018 và là nhà sáng lập, Chủ tịch ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) giai đoạn 2008 – 2017.
Ông Dương Công Minh trước tháng 1/2018 là Chủ tịch HĐQT tại 5 công ty, gồm: CTCP Him Lam, CTCP Dụng cụ Thể thao Bảo Long, CTCP Phát triển Xín Mần, CTCP Chứng khoán Liên Việt, và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Đầu tháng 01/2018, ông Minh từ chức vị trí Chủ tịch HĐQT tại 4 công ty, tập trung vào tái cơ cấu Sacombank.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 của Sacombank, ông Dương công Minh đã cam kết với cổ đông rằng "5 năm không tái cơ cấu xong Sacombank tôi sẽ ra đi" cùng với đó là lời hứa sẽ cố gắng trả cổ tức sau 5 năm tái cơ cấu ngân hàng.