Thứ hai buồn của nhà đầu tư nắm giữ 2 "mã H": Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình và HAGL Agrico rơi thẳng về giá sàn ngay sau "hung tin" hủy niêm yết
Sau khi HoSE thông báo hủy niêm yết bắt buộc cuối tuần trước, HNG và HBC bị bán tháo trong phiên sáng nay, bất chấp những cam kết và hứa hẹn của người lãnh đạo doanh nghiệp.
Sáng nay, cổ phiếu của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) và Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (mã chứng khoán: HNG) giảm gần 7% ngay sau khi mở cửa và duy trì trạng thái trắng bảng bên mua.
Kết phiên sáng, HNG chỉ khớp 2,2 triệu cổ phiếu giá sàn, còn dư bán hơn 10,4 triệu đơn vị. So với HNG, cổ phiếu của Xây dựng Hòa Bình kém khả quan hơn. Cổ phiếu này dư bán giá sàn hơn 12,5 triệu cổ phiếu, thanh khoản chỉ đạt hơn 200.000 đơn vị, thấp hơn đáng kể so với những phiên gần đây.
Vào cuối tuần trước, cả hai doanh nghiệp đều nhận được "hung tin" bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE, do kết quả kinh doanh thua lỗ trong thời gian qua. Khác với HoSE, biên độ biến động giá cổ phiếu trên UPCoM lên đến 15% mỗi phiên. Điều này có thể khiến cổ phiếu của doanh nghiệp biến động nhanh hơn về giá.
Tại HAGL Agrico, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trong 3 năm liên tiếp gần đây là năm 2021, 2022, 2023 lần lượt âm 1.119 tỷ đồng, 3.576 tỷ đồng và 1.098 tỷ đồng. Kết thúc 3 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của HNG giảm 26%, tiếp tục lỗ ròng 47,1 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 13 liên tiếp thua lỗ của công ty, tuy nhiên mức lỗ đã "cải thiện" khi chỉ còn hai chữ số. Cuối quý 1/2024, HAGL Agrico lỗ lũy kế 8.149 tỷ đồng.
Tại phiên họp hồi đầu tháng 5, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Hội đồng quản trị HAGL Agrico cho biết, đã lường trước kịch bản bị hủy niêm yết. Tuy nhiên, theo tỷ phú này, nếu cổ phiếu bị hủy niêm yết và chuyển xuống giao dịch tại sàn UPCoM, công ty vẫn công bố thông tin minh bạch với 33.000 cổ đông như trên HoSE và trở lại sàn này ngay khi đủ điều kiện.
"Cổ đông cứ ngại việc hủy niêm yết, tôi thấy việc minh bạch rất quan trọng và hình thành giá trị thực là quan trọng, cho dù xuống UPCoM thì làm tốt giá cổ phiếu vẫn có thể đi lên", ông Dương trấn an cổ đông.
Còn tại Xây dựng Hòa Bình, lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2023 là 3.240 tỷ đồng, cao hơn vốn điều lệ thực góp của công ty là 2.741 tỷ đồng. Bên cạnh khoản lỗ nghìn tỷ, thượng tầng cũng doanh nghiệp này cũng từng xảy ra các biến động ảnh hưởng đến khả năng quản trị.
Tuy nhiên, trả lời truyền thông, Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải cho biết, việc chuyển sàn sẽ không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích cơ bản của cổ đông. Theo đó, doanh nghiệp này vẫn cam kết thực hiện nghĩa vụ không khác so với trước đây.