Thống lĩnh thị trường xăng dầu nhưng Petrolimex hãy cẩn thận, PV Oil đang bứt lên rất nhanh và nguy cơ bị bắt kịp sẽ không còn xa

18/04/2017 10:18 AM | Kinh doanh

Petrolimex hiện có khoảng 2.500 cửa hàng, gấp 5 lần so với PV Oil. Tuy nhiên, trong thời gian tới, PV Oil sẽ mua thêm 1.000 cửa hàng tăng số điểm bán lên gấp 3 lần, quyết tâm bám sát Petrolimex với mục tiêu nắm 35% thị phần.

Diễn biến giá dầu thế giới khó lường

Petrolimex hiện là doanh nghiệp đứng đầu cả nước về kinh doanh xăng dầu, chiếm lĩnh khoảng 50% thị phần trong nước.

Trong đó 70% sản lượng xăng dầu của Petrolimex vẫn phải nhập từ nước ngoài. Do đó, biến động của giá dầu thô thế giới cũng như chính sách điều hành tỷ giá ngoại tệ của Nhà nước có tác động rất lớn tới kết quả kinh doanh của Petrolimex.

Trước đây, trong giai đoạn 2013-2014, giá dầu cao giúp Petrolimex thu về hơn 200 nghìn tỷ doanh thu mỗi năm. Tuy nhiên, trong 2 năm vừa qua, khi giá dầu sụt giảm mạnh do dư thừa nguồn cung thì doanh thu Petrolimex cũng giảm sâu, năm 2015 chỉ còn 147 nghìn tỷ đồng và năm 2016 là 123 nghìn tỷ đồng.

Không những vậy, trong năm 2016, không chỉ xăng dầu mà các mảng kinh doanh khác của Petrolimex cũng đồng loạt giảm doanh thu, như hóa dầu, gas, vận tải...

Tuy doanh thu giảm nhưng lợi nhuận của Petrolimex 2 năm gần đây lại tăng mạnh nhờ hưởng lợi từ Nghị định 83/2014 của Chính phủ. Cụ thể, nghị định này cho phép các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong nước như Petrolimex tính giá bán theo sát giá dầu thế giới, hơn là tuân thủ các quy định của Bộ Công Thương như trước đó.

Một điều đáng chú ý trong cách tính giá cơ sở bán lẻ xăng dầu là giá dầu thế giới càng giảm thì biên lợi nhuận của doanh nghiệp đầu mối phân phối càng tăng, bởi lợi nhuận định mức của doanh nghiệp luôn được cố định ở mức 300 đồng/lít, không chịu chi phối bởi giá nguyên liệu đầu vào. Chính vì thế, khi sản lượng tiêu thụ trong nước tăng lên trong khi giá dầu thế giới trong xu hướng giảm, Petrolimex đã lãi lớn 2 năm qua.

Thế nhưng, bước sang năm 2017, điều này có thể sẽ thay đổi. Giá dầu thế giới đang trên đà tăng trở lại thời gian gần đây. Nếu so với mức giá hồi đầu năm 2016, giá dầu đã tăng hơn 70%, khi thế giới diễn ra nhiều sự kiện lớn, bao gồm Brexit và Tổng thống Donald Trump trúng cử.

Gần đây, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC mà một số quốc gia trong đó có Nga, đã cam kết cắt giảm nguồn cung trong năm 2017, dự kiến tác động mạnh đến giá dầu năm nay. Bên cạnh đó, tình hình căng thẳng giữa các quốc gia cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể tác động mạnh tới tiêu thụ dầu thô.

Lường trước được điều này, Petrolimex năm nay đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng trở lại 16%, lên 143 nghìn tỷ đồng, nhưng lợi nhuận lại giảm 26%, xuống 4.680 tỷ đồng.

Kẻ số 2 đang mạnh lên, đối thủ mới xuất hiện

Có lẽ do tự tin vào vị thế dẫn đầu, Petrolimex cho biết họ không còn quá tập trung phát triển các điểm bán hàng mà các mục tiêu đặt ra cho năm nay xoay quanh việc tái cấu trúc tập đoàn, niêm yết cổ phiếu, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Trong khi Petrolimex đứng yên, thì một doanh nghiệp cùng ngành khác là PV Oil lại đang tìm kiếm cơ hội, tranh thủ bứt lên. Trên thị trường xăng dầu hiện nay, có 29 doanh nghiệp được cấp phép, PV Oil đang đứng thứ 2 với 15% thị phần.

Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PV Oil mới đây cho biết, mục tiêu của PV Oil trong năm nay là nâng tỷ trọng bán lẻ xăng dầu bằng cách tăng thêm số cửa hàng tại các thị trường ngách, tức là các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn, tại các đường liên tỉnh, liên huyện, liên xã.

Theo ông Cao Hoài Dương, mặc dù Petrolimex đang sở hữu 50% thị phần, nhưng vẫn còn rất nhiều dư địa cho PV Oil và các công ty khác phát triển thị trường.

Cụ thể, hiện cả nước có khoảng 13.000 cửa hàng bán xăng dầu trên toàn quốc; trong đó Petrolimex sở hữu khoảng 2.500 cửa hàng, PV Oil sở hữu 500 cửa hàng, còn lại là của các công ty khác.

Như vậy vẫn còn khoảng 10.000 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu khác để PV Oil có thể tìm kiếm cơ hội mua bán sáp nhập. Theo ông Dương, mục tiêu trước mắt của PV Oil là mua thêm 1.000 cửa hàng nữa để nâng tổng số cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu sở hữu lên 1.500, gấp 3 lần con số hiện nay. PV Oil muốn nắm 35% thị phần trên thị trường xăng dầu, nâng cao sức cạnh tranh với Petrolimex.

Không những vậy, từ quý 3 năm nay, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ cung cấp sản phẩm thương mại và được Petrolimex dự báo sẽ tác động mạnh đến nguồn cung, đặc biệt là khu vực miền bắc. Đồng thời, thị trường sẽ có sự tham gia của Idemitsu Q8, một liên doanh do Tập đoàn Idemitsu Kosan và Công ty dầu khí Quốc tế Kuwait thành lập.

Ngày 21/4 tới đây, cổ phiếu của Petrolimex sẽ lên sàn chứng khoán với mức giá 43.200 đồng/cổ phiếu.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM