Gần 40 năm Đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, mà theo Tổng bí thư Tô Lâm, là kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc Đổi mới là tiền đề để Dân tộc Việt Nam tin tưởng vào tương lai ở phía trước.
Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới được Tổng bí thư khẳng định là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, những thành tựu vĩ đại đạt được sau 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, giúp Việt Nam tích lũy thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo. Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, đây cũng là thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước.
Việt Nam hiện thuộc nhóm 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nằm trong top 20 quốc gia dẫn đầu về thương mại, với GDP năm 2024 dự kiến tăng 7% và thu hút đầu tư nước ngoài đạt 35-40 tỷ USD.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng khẳng định, triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia là nhiệm vụ quan trọng để phát triển đất nước. Như tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông với tổng vốn đầu tư 147.000 tỷ đồng, đang được đẩy nhanh tiến độ để kích hoạt huyết mạch kinh tế quốc gia. Vào tháng 8/2024, Thủ tướng đã phát động Đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm” nhằm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc.
Hướng ứng phong trào, ước tính đến hết tháng 10/2024, sản lượng giải ngân tại dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) đạt 26.496 tỷ đồng, tương đương hơn 70% kế hoạch, đánh dấu sự quyết liệt trong việc thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần tập trung thực hiện các dự án mang tính biểu tượng, có khả năng “xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái”, điển hình như dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Với tổng vốn đầu tư hơn 67 tỷ USD, tuyến đường dự kiến dài 1.545 km này sẽ kết nối Hà Nội với TP.HCM qua 20 tỉnh thành, rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước xuống chỉ còn 6 giờ. Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà còn mở ra cơ hội lớn để ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam bứt phá mạnh mẽ.
Năm 2024 có thể xem là năm kinh tế Bắc Ninh đạt gặt hái được các kết quả vượt bậc, đặc biệt trong việc thu hút đầu tư. Không chỉ số lượng dự án và số vốn đầu tư vào tỉnh tăng mạnh, mà dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao cũng đang có xu hướng gia tăng.
Theo Cục Thống kê địa phương, tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 4,7 tỷ USD trong 10 tháng năm 2024, cao nhất và chiếm 17,2% tổng thu hút FDI cả nước, gấp 3,15 lần cùng kỳ.
Đặc biệt, tại Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh diễn ra hồi tháng 9/2024, tỉnh đã trao Quyết định chủ trương đầu tư, Biên bản ghi nhớ cho 18 dự án lớn với tổng vốn đầu tư hơn 5,6 tỷ USD. Trong đó nổi bật là những dự án tỷ USD của các ông lớn công nghiệp điện tử Samsung Display, Amkor Technology…
Để có thể đạt được kết quả như vậy, trong những năm vừa qua, Bắc Ninh đã xác định thu hút đầu tư theo chủ trương “hai ít, ba cao, bốn sẵn sàng và một không”. Trong đó, “hai ít” là sử dụng lao động và sử dụng đất ít. “Ba cao” là suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao và công nghệ cao. “Bốn sẵn sàng” gồm: sẵn sàng mặt bằng, nhân lực, cải cách và sẵn sàng hỗ trợ; và “một không” là không ô nhiễm môi trường.
Không chỉ vậy, từ đầu năm đến nay, hoạt động đối ngoại, hợp tác với các địa phương, đơn vị tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh Bắc Ninh. Trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030, đến năm 2030, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như sản xuất thiết bị điện tử; sản xuất linh kiện, phụ tùng phục vụ ngành hàng không, sản xuất thiết bị công nghệ cao…
Bộ 3 luật bao gồm Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 được Quốc hội bấm nút thông qua có hiệu lực thi hành sớm hơn 5 tháng so với thời điểm đã được quyết định trước đó là 1/1/2025 đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho thị trường bất động sản, thúc đẩy sự phục hồi của thị trường sau 2 năm khủng hoảng.
Đối với Luật Đất đai 2024, các quy định đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng lấy người dân làm trọng tâm. Điển hình, quy định bảng giá đất mới được tính theo nguyên tắc thị trường, hạn chế động lực đầu cơ. Cùng với đó, Luật cũng hướng đến quyền lợi của người mua nhà khi cấp chứng nhận quyền sở hữu cho đất chưa có sổ từ trước năm 2014.
Đối với Luật Kinh doanh bất động sản, để hạn chế xảy ra các cơn “sốt” đất, Luật đã cấm 105 thành phố, thị xã không được phân lô, bán nền. Môi trường kinh doanh bất động sản cũng sẽ lành mạnh, minh bạch hơn khi Luật quy định, môi giới phải có chứng chỉ hành nghề.
Luật Nhà ở cũng mở rộng đối tượng được đầu tư nhà ở xã hội (gồm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài) và cả đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội. Đồng thời, Luật quy định chung cư mini phải đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy và được xem xét cấp sổ hồng.
Để các chính sách mới của 3 Luật tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã và đang khẩn trương tổ chức triển khai thi hành. Người dân kỳ vọng 3 Luật sẽ sớm tháo gỡ những vướng mắc pháp lý, phát huy nguồn lực từ đất đai, sàng lọc nhà đầu tư, tích cực thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch trong chu kỳ mới.
Quý 3/2024 - Kỳ công bố báo cáo tài chính gần nhất – Tổng Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global, mã chứng khoán: VGI) ghi nhận quý thứ 11 liên tiếp có doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ. Không chỉ vậy, trong suốt 4 quý vừa qua, mức tăng trưởng của doanh thu đều đặn trên 20%.
9 tháng đầu năm 2024, Tổng công ty đảm nhận nhiệm vụ đầu tư và kinh doanh tại nước ngoài của Tập đoàn Viettel đã cán mốc doanh thu 25.724 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD), tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả các thị trường đều tăng, với động lực từ thuê bao 4G, băng rộng cố định (FTTH). Các con số này đặt trong bối cảnh thị trường viễn thông toàn cầu chỉ đạt mức tăng trưởng 4,1% (theo Gartner).
Viettel Global đã chứng tỏ sự chuyển dịch thành công từ công ty viễn thông thuần túy sang công ty công nghệ với việc cung cấp các dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp và Chính phủ. Trong đó, các công ty ví điện tử tại thị trường châu Phi tiếp tục chứng kiến sự nhảy vọt ấn tượng về doanh thu.
Vào tháng 5, một thành tích mới được ghi nhận khi Movitel tại Mozambique – một trong những nơi khó chinh phục nhất - trở thành thị trường thứ 7 (trên 9 thị trường) của Viettel Global giành số 1 thị phần (sau 12 năm kinh doanh).
Cũng trong năm 2024, giá trị vốn hoá thị trường của Viettel Global trên sàn chứng khoán vươn lên mức cao nhất vào tháng 7/2024, đạt hơn 13 tỷ USD nhờ vào việc giá cổ phiếu VGI tăng hơn 300%.
Năm 2024, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận 27.100 tỷ đồng. Nhiều khả năng ngân hàng sẽ vượt kế hoạch sau khi đã đạt 22.800 tỷ đồng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm. Con số này cũng thiết lập cho Techcombank một vị trí cách biệt so với những ngân hàng tư nhân còn lại trong hệ thống.
Techcombank hiện sở hữu những con số tài chính rất “đẹp” như vốn chủ sở hữu lớn nhất nhóm tư nhân, CASA cao nhất ngành, tỷ lệ nợ xấu thấp, tăng trưởng tín dụng dẫn đầu,…
Có nhiều điều để nói về những gì mà Techcombank đã làm và đạt được trong năm 2024. Trong đó bao gồm việc Techcombank triển khai “Sinh lời tự động”, mở rộng thị trường phía Nam, bất ngờ chấm dứt hợp tác với Manulife, thành lập công ty bảo hiểm phi nhân thọ, đầu tư mạnh cho công nghệ,…Những bước đi này hé mở chiến lược kinh doanh mới của Techcombank trong giai đoạn tới.
Cũng phải nhìn lại giai đoạn 2022-2023 khi nhà băng này vô tình đối diện với cả 3 “cơn bão” trên thị trường tài chính: Bảo hiểm – Trái phiếu – Cho vay bất động sản. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT thừa nhận, Techcombank từng gặp nhiều khó khăn, nhất là ở những lĩnh vực mà ngân hàng rất mạnh. Nhưng cũng từ đó, Techcombank đã chứng minh được năng lực quản trị rủi ro của mình. Lãnh đạo ngân hàng rất tự tin về kết quả kinh doanh năm nay và tương lai của Techcombank những năm tới.
Đến thời điểm hiện tại, Techcombank vẫn kiên định với 4 mục tiêu trong chiến lược đến năm 2025 là: tỷ lệ CASA 55%, vốn hoá 20 tỷ USD, thu nhập phí chiếm 30% tổng thu nhập, ROE 20%.
Thị trường chứng khoán trải qua năm 2024 đầy biến động khi VN-Index liên tục thất bại trước ngưỡng 1.300 điểm. Dù vậy, trong khó khăn chung của thị trường vẫn xuất hiện không ít điểm sáng, nổi bật là cổ phiếu “họ” FPT và Viettel với mức tăng trưởng vượt trội.
Cùng cơn sốt cổ phiếu công nghệ toàn cầu, FPT ghi dấu một năm với nhiều cột mốc đáng nhớ. Với kỷ lục 35 lần lập đỉnh trong năm, vốn hóa của FPT có thời điểm vượt 200.000 tỷ đồng, trở thành tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Các thành viên “họ” FPT cũng để lại nhiều dấu ấn trong năm qua. FPT Retail (FRT) có thời điểm đã lọt vào danh sách tỷ USD vốn hóa với động lực từ chuỗi nhà thuốc Long Châu. FPT Telecom (FOX) giữ vị thế là một trong những doanh nghiệp viễn thông lớn nhất sàn với vốn hóa 2 tỷ USD, trong khi FPT Online (FOC) tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh ổn định.
Cùng lĩnh vực viễn thông, cú bứt phá ngoạn mục của Viettel Global (VGI) là một trong những điểm nhấn nổi bật trong năm 2024 đáng nhớ của “họ” Viettel. Vốn hóa của Viettel Global có lần đầu vượt mốc 10 tỷ USD, có thời điểm đứng thứ 3 toàn sàn chứng khoán, chỉ sau Vietcombank và BIDV.
2024 cũng là một năm bản lề với Viettel Post (VTP) khi doanh nghiệp này chính thức chuyển từ sàn UPCoM sang niêm yết HoSE với tham vọng logistic xuyên biên giới, đóng góp lớn vào chuỗi cung ứng của Việt Nam. Viettel Construction (CTR) tiếp tục có một năm thành công, khẳng định vị thế TowerCo số 1 Việt Nam. Trong khi đó, cái tên nhỏ nhất nhóm là Thiết kế Viettel (VTK) lại gây ấn tượng mạnh với mức tăng hơn 100% trong năm qua.
Theo ShinhanSec, triển vọng tương lai của nhóm công ty công nghệ được đánh giá khả quan khi lợi nhuận vẫn duy trì tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu AI bùng nổ, tự động hóa và các nền tảng đám mây. Với ngành viễn thông, việc mạng 2G ngưng hoạt động và mạng 5G được đẩy nhanh thương mại hoá, sẽ giúp thúc đẩy lợi nhuận cho nhóm này.
Năm 2024, thị trường vàng ghi nhận biến động mạnh do ảnh hưởng từ thị trường quốc tế và nhu cầu giao dịch vàng của người dân.
Những tháng đầu năm, giá vàng trong nước liên tục tăng mạnh và nhanh hơn nhiều so với thị trường thế giới. Mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và vàng thế giới có lúc lên đến 18 triệu đồng/lượng.
Trước diễn biến trên, lần đầu tiên sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải tổ chức bán đấu thầu vàng miếng, tiếp đó chuyển sang phương thức bán vàng cho 4 Ngân hàng TMNN và Công ty SJC để các đơn vị này bán lại cho người dân. Tổng cộng NHNN đã đưa ra thị trường hơn 13 tấn vàng để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC và hạn chế tác động đến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, ngoại hối.
Sau động thái của NHNN, giá vàng trong nước, đặc biệt là vàng SJC, đã giảm sâu trong tháng 5 và đầu tháng 6, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế cũng được thu hẹp đáng kể. Tuy nhiên, trước áp lực từ thị trường quốc tế, giá vàng trong nước đã tăng mạnh trở lại trong quý 3 và nửa đầu quý 4. Dù vậy, chênh lệch giữa giá bán vàng miếng trong nước so với giá thế giới đã co hẹp đáng kể, hiện chỉ còn 3-5 triệu đồng/lượng.
Tính đến cuối tháng 11/2024, giá vàng nhẫn đã tăng 35% trong khi vàng SJC tăng 15% so với đầu năm - đánh dấu mức tăng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây, trở thành tài sản “nóng” nhất trên thị trường.
Cùng với biến động của giá, cảnh tượng người dân xếp hàng đi mua vàng ở nhiều thời điểm vì sự khan hiếm cũng là một dấu ấn trong bức tranh thị trường vàng 2024.
“Chúng tôi đang triển khai đến cuối năm 2024 ra mắt xe siêu nhỏ, xe 1 cửa và giá thành rẻ nhưng rất đẹp. Hướng tới hãng xe hàng đầu thế giới thì không bỏ qua sản phẩm nào mà thị trường có nhu cầu”, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn VinGroup chia sẻ tại đại hội cổ đông vào tháng 5/2023.
Một năm sau, VinFast VF3 xuất hiện và tạo cơn sốt chưa từng có. Trong vòng 66 giờ sau khi ra mắt (đầu tháng 5/2024), VinFast nhận 27.649 đơn đặt hàng không hoàn lại. Tính trung bình, cứ mỗi 8,6 giây lại có một chiếc VF 3 được đặt mua.
VF 3 phủ sóng mọi “mặt trận” trong khoảng thời gian dài sau đó. Theo thống kê của Buzzmetrics, VinFast VF 3 thu hút 218.500 cuộc thảo luận trên các nền tảng Facebook, TikTok, Youtube, báo chí, diễn đàn trong tuần đầu ra mắt.
Theo kế hoạch của VinFast, hãng có thể bàn giao khoảng 20.000 xe VF 3 trong năm nay, nằm trong top những xe bán chạy nhất thị trường dù “chấp” các đối thủ hơn nửa năm doanh số. Tháng 10, mẫu xe này đạt doanh số 5.000 chiếc, vượt rất xa đối thủ xếp sau trong bảng xếp hạng bán chạy.
Không chỉ là hiện tượng thú vị nhất trên thị trường ô tô Việt Nam trong năm qua, VinFast VF 3 đang trên đà trở thành một mẫu xe “quốc dân” mới, là điểm khởi đầu cho giấc mơ phổ cập ô tô đến tất cả người dân Việt Nam.
Xác thực sinh trắc học là một trong những giải pháp quan trọng nhằm chống lừa đảo trên không gian mạng mà NHNN đưa ra trong năm 2024.
Mốc khởi đầu cho việc thực hiện giải pháp này là từ ngày 01/7/2024, theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN, tất cả các giao dịch trực tuyến trên ứng dụng ngân hàng điện tử giá trị trên 10 triệu đồng/lần hoặc dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng số tiền các giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở lên, thì lần giao dịch tiếp theo trong ngày khách hàng phải thực hiện xác thực bằng sinh trắc học.
Trong tuần đầu tiên áp dụng xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền, nhiều ngân hàng bị quá tải, ách tắc cục bộ,... nhưng sau đó đã xử lý được. Sau 3 tháng triển khai, theo số liệu của NHNN, có 38 triệu tài khoản đã cập nhật, số lượng các vụ mất tiền trên tài khoản giảm đến 50%, đặc biệt một số đơn vị không phát sinh vụ việc lừa đảo nào trong tháng 8 và tháng 9.
Bước tiếp theo để tăng cường bảo mật và phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, tại Thông tư 18/2024/TT-NHNN yêu cầu cá nhân đăng ký mở thẻ ngân hàng hoặc ví điện tử qua kênh online phải thực hiện xác thực sinh trắc học, áp dụng từ ngày 01/10/2024. Thông tư 17/2024/TT-NHNN nêu rõ, chủ tài khoản /chủ thẻ ngân hàng sẽ bị tạm dừng thực hiện các giao dịch trực tuyến bao gồm chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nạp tiền…trong trường hợp chưa cập nhật thông tin sinh trắc học, kể từ ngày 01/01/2025.
Đến thời điểm hiện tại, toàn ngành ngân hàng vẫn đang nỗ lực khuyến khích và kêu gọi khách hàng cập nhật sinh trắc học để đảm bảo tuân thủ các quy định.
Là cái tên “sinh sau, đẻ muộn” trong cuộc chơi thương mại điện tử tại Việt Nam, TikTok Shop đã nhanh chóng ghi tên mình vào chiếc bánh thị phần vốn đã cạnh tranh khốc liệt. Báo cáo của Metric chỉ ra, nửa đầu năm 2024, TikTok Shop - cái tên “trẻ tuổi” nhất chiếm 23,2% về doanh số, đứng thứ hai về thị phần.
Lãnh xướng xu hướng Shoppertainment, TikTok Shop chọn đánh vào thị hiếu “mua sắm dựa trên cảm xúc” của người dùng, nổi bật với các chiến dịch mua sắm lớn trong năm 2024. Đặc biệt, với sự đồng hành những “chiến thần” bán hàng có lượng người theo dõi lớn, các phiên livestream trên TikTok Shop đã thu hút hàng triệu lượt xem, từ đó lan tỏa sâu rộng các sản phẩm trên nền tảng và đem lại mức doanh thu cao cho các nhà bán.
Năm 2024, TikTok Shop là một trong hai nền tảng hiếm hoi có sự tăng trưởng ổn định cả so với quý liền kề lẫn cùng kỳ năm trước. Trong quý II/2024, doanh số của TikTok Shop tăng mạnh 150% so với cùng kỳ; sang quý III/2024, con số tăng trưởng là 110%.
Tận dụng những lợi thế sẵn có, TikTok Shop đẩy mạnh loạt sáng kiến phát triển bền vững như: “Tự hào hàng Việt”, “Chợ phiên OCOP”, “HiGreen”, “GreenUP”… nhằm thúc đẩy quảng bá hàng Việt và sản phẩm xanh, hướng đến môi trường thương mại điện tử bền vững.
Nhịp sống thị trường