Thói quen dưỡng ẩm của người Hàn Quốc biến người đàn ông này thành tỷ phú tự thân hiếm hoi trong nền kinh tế chaebol
Mặt nạ dưỡng ẩm có thể tạo độ ẩm, tẩy tế bào chết, làm cho da mịn và mát chỉ trong vài phút. Những chiếc mặt nạ này cũng giúp tạo dựng nên nhiều khối tài sản tỷ đô, nhưng việc đó cần lâu hơn một chút – ít nhất là 2 năm, như trong trường hợp của Kim Jung-woong.
Khi các sản phẩm chăm sóc da đang trở thành tâm điểm của công cuộc làm đẹp, một số doanh nhân Hàn Quốc đã có được khối tài sản khổng lồ vì ngày càng nhiều người tiêu dùng muốn có được làn da đẹp mà mình mong muốn.
Các ngân hàng và các nhà sản xuất hóa mỹ phẩm lớn trên thế giới đều nhận thấy xu hướng đó. Và vào tháng 10 năm ngoái, Goldman Sachs đã mua 5% cổ phần từ công ty GP Club Co. Ltd. của Kim Jung-woong với giá trị khoảng 67 triệu USD, nâng giá trị của nhà sản xuất kem trộn, son môi và các sản phẩm làm đẹp khác lên 1,3 tỷ USD. Kim và gia đình mình nắm trong tay 95% còn lại.
Vào năm 2017, Unilever chi ra 2,27 tỷ USD (2,6 tỷ USD) để mua lại phần lớn cổ phần của nhà sản xuất các sản phẩm chăm sóc da Carver Korea Co. nhờ mua lại từ Goldman, Bain Capital và người đồng sáng lập Lee Sang-rok. Lê, 45 tuổi, hiện có khối tài sản trị giá 900 triệu USD.
Tháng 10 vừa qua, Credit Suisse Group AG mua 3% cổ phần trong L&P Cosmetic Co., nhà sản xuất mặt nạ dưỡng da Mediheal, với giá 35,6 triệu USD.
Căng thẳng thương mại
Kim bắt đầu sự nghiệp trong ngành mỹ phẩm khi bán các sản phẩm làm đẹp cho các nhà bán buôn ở Trung Quốc và có nhãn hiệu của riêng mình là JM Solution vào năm 2016. Nhãn hiệu này nhanh chóng nổi tiếng trên trang thương mại điện tử Taobao của Alibaba.
Sau đó, căng thẳng về địa chính trị xảy ra và tác động mạnh vào thị trường hóa mỹ phẩm của Hàn Quốc.
Vào năm 2017, Hàn Quốc cho phép quân đội Mỹ thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa Thaad để chống lại các mối đe họa hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên. Trung Quốc cho rằng đây là một động thái chống lại quyền lợi an ninh của họ, và hối thúc người dân nước mình tẩy chay các sản phẩm từ Hàn Quốc.
Khi căng thẳng đang gia tăng, GP Club đã tận dụng vị trí của mình trên thị trường là một nhãn hiệu nhỏ và khá mới. "Chúng tôi vẫn còn vô danh khi đó, vì thế ít bị ảnh hưởng như các nhãn hiệu lớn", Son Moon-ho – giám đốc điều hành khi đó của GP Club – cho biết. "Điểm mấu chốt khi muốn vượt lên trong cuộc cạnh tranh là gia tăng các kênh bán hàng trong khi các đối thủ đang chững lại".
Công ty này ra mắt một sản phẩm mới, Mặt nạ keo ong Honey Luminous Royal Propolis Mask, và đưa vào bán ở các cửa hàng miễn thuế của Hàn Quốc. Mức giá thấp của GP Club nhanh chóng hấp dẫn các tiểu thương chuyên mua hàng ở nước ngoài và bán lại cho khách hàng ở Trung Hoa đại lục, nơi ít được tiếp cận với hàng hóa nước ngoài và có mức giá cao.
GP Club đi ngược lại xu hướng chung của thị trường và doanh số của họ nhanh chóng tăng lên, đạt 9,5 triệu mặt nạ trong tháng 12/2017 và mức kỷ lục 100 triệu mặt nạ vào tháng 8/2018. Doanh thu của công ty tăng lên đến 300 tỷ won trong nửa đầu năm ngoái, trong khi cả năm 2017 mới chỉ đạt 50 tỷ won.
Và điều đó khiến cho Goldman chú ý.
Thành công ít thấy
Ở Hàn Quốc, trở thành triệu phú tự thân là một điều cực kỳ hiếm. Trong số 500 người giàu nhất thế giới, chỉ có 2 trong số 7 tỷ phú Hàn Quốc là tỷ phú tự thân. Các tập đoàn do một gia đình kiểm soát, hay còn gọi là chaebol, đã phát triển ra nhiều ngành khác nhau, khiến cho các đối thủ tự thân có rất ít cơ hội. Ngành hóa mỹ phẩm là ngoại lệ duy nhất.
Tại sân bay quốc tế Incheon, những thứ đầu tiên thu hút sự chú ý của khách du lịch chính là những màn hình TV lớn chiếu các quảng cáo sản phẩm của những công ty mỹ phẩm ít danh tiếng này, chứ không phải Samsung hay những cái tên nổi bật khác.
Lee Jin-wook, nhà sáng lập công ty Have & Be Co. Ltd., nổi tiếng với nhãn hiệu Dr. Jart+, cho biết: "Các công ty lớn có nhiều tiền và nền tảng tốt hơn, nhưng ngành hóa mỹ phẩm đòi hỏi nhiều hơn thế".
"Đó là một lĩnh vực dành cho các chuyên gia", Lee nói.