Thời mạt vận của nghề hớt tóc vỉa hè ở Sài Gòn
Họ là những con người có số phận, hoàn cảnh khác nhau nhưng đều gắn chặt đời mình với đường dao nhát kéo, làm đẹp khuôn mặt mái đầu cho thiên hạ. Và giờ đây khi thời thế thay đổi, nghề mà họ theo mấy chục năm nay có nguy cơ trở thành hoài niệm.
Người ta thường ví von hớt tóc là nghề “bắt vua quay sang trái là vua phải quay sang trái, bắt vua cúi đầu thì vua phải cúi đầu”. Ngày nay với sự phát triển của xã hội, nghề hớt tóc đã được nâng lên một tầm cao mới khi có nhiều dụng cụ chuyên nghiệp hơn, khách được phục vụ trong tiệm khang trang, gắn máy lạnh mát rười rượi. Tuy vậy, giữa những góc phố, con hẻm, vẫn còn đó những lều hớt tóc vỉa hè đã từng một thời là đặc trưng của hòn ngọc Viễn Đông.
Nhiều năm nay, anh Lê Trọng Lượng (45 tuổi) dựng một chiếc lều hớt tóc trên đường Mạc Đĩnh Chi (Q.1). Nói là lều chứ thực ra nó chỉ là một tấm bạt nhỏ được chằng dây cẩn thận tứ phía, để dễ dàng cho anh trong việc buột lại khi đến, tháo ra khi về.
Bộ đồ nghề của anh chỉ vọn vẹn hai cái tông đơ, mấy cái kéo, dụng cụ ráy tai, nước xịt tóc, cạo râu và… một chiếc gối để người đàn ông ngả lưng khi mệt mỏi ế khách.
Nhà tận đường Lê Quang Định nên người đàn ông này phải ăn trưa tại chỗ. Để tiết kiệm,anh đem theo cà mên cơm to tướng vắt trên tường.
Anh Lượng lấy vợ từ hồi còn trẻ nhưng cuộc sống gia đình không hạnh phúc khiến anh cùng vợ đường ai nấy đi. Như một cái duyên, anh gặp và yêu người vợ thứ hai trẻ hơn mình rất nhiều tuổi. Tái hôn năm 2011, đến nay anh đã có một đứa con gái 4 tuổi. Anh tâm sự: “Giờ ráng cày chỉ để có tiền mua sữa cho con, mà vắng khách lắm”.
21 năm hành nghề với bao kỷ niệm, có lẽ năm nay là năm buồn nhất với anh bởi khách càng ngày càng thưa thớt. Để hút khách hớt tóc, anh chỉ còn cách tỉ mẩn từng dường kéo sao cho mái đầu luôn đẹp nhất.
Tốn thời gian rất nhiều nhưng giá cho một lần hớt chỉ 30 ngàn đồng. Người hớt cười vui hài lòng trả tiền, nhưng đôi mắt anh Lượng lại đượm buồn.
Suốt mấy tiếng đồng hồ vắng khách, anh ngồi phì phà khói thuốc, nghĩ về một thời đã xa.
May mắn hơn anh Lượng, lều tóc trên đường Nguyễn Văn Thủ của anh Lê Thanh Tuấn (42 tuổi, quê Cần Thơ) mỗi ngày vẫn có trên dưới hai chục khách. Trông người thợ này rất chuyên nghiệp khi nai nịt mọi thứ đồ nghề gọn gàng trên người.
Những thanh tre giăng bạt được người thợ tận dụng luôn làm chỗ để áo cho khách đến hớt.
Hỏi làm nghề này có kỷ niệm vui nào không, anh Tuấn nhếch mép: “Vui nhất là khi trời mưa, nước tạt xối xả, ngồi chất trân một chỗ. Vui thấy sợ luôn…”. Anh bảo, ráng làm kiếm một số vốn để sau này mở tiệm lớn, chứ bây giờ người ta toàn hớt tóc máy lạnh thôi, hớt lề đường hoài là chết.
Trên đường Sư Vạn Hạnh (Q.10), những người thợ hớt tóc thậm chí còn không có nổi một tấm bạt và ghế bành. Họ tận dụng khoảng không gian kế bên trạm xe buýt của một bệnh viện để hành nghề.
Nhúm tóc ít ỏi đang được người đàn ông này quét đi cho thấy anh ế đến mức độ nào. Anh cho biết, lúc trước hớt rất nhiều cho bệnh nhân, nhưng giờ các tiệm tóc mở ra nhiều, họ chê hớt tóc lề đường khói bụi ô nhiễm nên không thèm đoái hoài nữa.
Ngồi trầm ngâm rất lâu bên chiếc gương cũ, người đàn ông này không biết số phận mình rồi sẽ ra sao.
Tại đường Nguyễn Văn Đậu (Q. Bình Thạnh), chú Phạm Văn Diệu (61 tuổi, quê Quảng Ngãi) quảng cáo cho lều tóc của mình bằng việc để một chiếc nón có dính tóc lên nơi lấy nước công cộng.
Hơn 40 tuổi, chú Diệu quy y cửa Phật, rồi bỏ nghề mộc theo nghề hớt tóc trong một lần dẫn con từ Đồng Nai lên Sài Gòn thi đại học.
Chú tâm sự, chắc là cái duyên, chứ chứ học nghề này có vỏn vẹn 3 tuần lễ. Những ngày đầu hành nghề, tay run cầm cập, thậm chí cạo lông mặt cho khách đến chảy máu. Nhưng chắc nhờ ơn trên gia hộ, mọi khó khăn cứ thế vượt qua.
Giờ đây tuổi đã cao, mắt cũng mờ, một ngày chỉ có 6-7 khách hớt. Những lúc rãnh rỗi, chú Diệu ngồi lấy điện thoại xem ảnh con gái mình cho qua ngày đoạn tháng.
Từ ngày vợ lâm bồn, lều tóc của anh Đạt trên đường Ngô Văn Năm (Q.1) cũng đóng cửa. Những người bán nước ở đây cho biết, trước đó tiệm của anh cũng càng ngày càng vắng, vì chỗ anh hành nghề là nơi gửi xe, ra vào rất bất tiện. Tấm bảng quảng cáo hớt tóc vì thế cũng mốc meo không ai đếm xỉa.
Đó cũng là thực trạng chung của nghề hớt tóc vỉa hè. Xã hội phát triển đồng nghĩa với việc phải thay thế những cái cũ kỹ, lạc hậu. Rồi sẽ đến một ngày không còn chiếc gương nào treo lủng lẳng trên bức tường rêu phong, những chiếc kéo ngang dọc phố phường và những chùm tóc bay lả tả theo gió chỉ còn trong trí nhớ. Khi ấy, nghề hớt tóc trời ở Sài Gòn đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.