Thời đại công nghệ len lỏi vào giáo dục Trung Quốc: Bố trí camera giám sát và chấm điểm học sinh mất tập trung

02/07/2018 11:00 AM | Xã hội

Vào tháng 3, trường THPT Hàng Châu số 11 ở phía đông Trung Quốc đã cài đặt một “hệ thống quản lý hành vi lớp học thông minh” (hay “mắt thông minh”) trong một lớp học. Con mắt thông minh sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để theo dõi học sinh. Vào mùa hè này, ban giám hiệu có kế hoạch cài đặt hệ thống này trong mọi lớp học.

Đây là cách hệ thống quản ký hành vi lớp học này hoạt động. Cứ sau 30 giây, 3 máy quay được lắp đặt ở đầu lớp quét khuôn mặt từng học sinh để xác định các biểu hiện trên gương mặt của các em từ ngạc nhiên, buồn, ác cảm, tức giận, hạnh phúc, sợ hãi đến trung lập.

Các máy quay cũng ghi lại các hoạt động của học sinh trong suốt tiết học như đọc, nghe, viết, đứng lên, giơ tay, hay tựa vào bàn. Mắt thông minh sau đó thông báo cho giáo viên nếu một học sinh tỏ ra mất tập trung. Giáo viên cũng có thể xem báo cáo cuối giờ học về biểu hiện trung bình của mỗi học sinh.

Thời đại công nghệ len lỏi vào giáo dục Trung Quốc: Bố trí camera giám sát và chấm điểm học sinh mất tập trung - Ảnh 1.

 Hiệu trưởng trường THPT Hàng Châu số 11, Ni Ziyuan, chia sẻ với trang tin tức Hàng Châu rằng mục tiêu đằng sau việc sử dụng mắt thông minh là giúp giáo viên cải thiện dựa trên phản ứng của học sinh. Điều này có vẻ tích cực, nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Học sinh cũng bị xếp loại dựa trên mức độ chú ý của chúng.

Hiệu trưởng Ni cho biết: “Những học sinh tập trung vào bài giảng sẽ được chấm điểm A, trong khi các học sinh xao nhãng sẽ bị đánh giá điểm B.”

Hệ thống giáo dục Trung Quốc đã nổi tiếng về đòi hỏi cao từ học sinh, và một trong những học sinh tại trường THPT Hàng Châu số 11 nói rằng hệ thống mắt thông minh khiến cho áp lực càng trở nên nặng nề hơn: “Em không dám mất tập trung kể từ khi các máy quay được lắp đặt trong lớp học. Nó giống như một đôi mắt bí ẩn liên tục theo dõi em.”

Sự khác biệt giữa A và B có thể để lại các hệ quả lớn đối với một số học sinh. Khi các học sinh này cảm thấy chưa đáp ứng được kỳ vọng học tập, sức khỏe tinh thần của các em có thể bị ảnh hưởng.

Theo một bình luận xã hội trên trang Sina Weibo, phiên bản Twitter của Trung Quốc, học sinh không phải là các cỗ máy học tập, bất cứ con người nào cũng sẽ có những khoảnh khắc mất tập trung.

Sử dụng hệ thống giám sát để bắt giữ những người phóng nhanh vượt ẩu hay tội phạm là một ứng dụng mang tính tích cực. Nhưng cố gắng biến học sinh thành các cỗ máy học tập có lẽ chỉ làm tổn hại đến công dân Trung Quốc về lâu về dài.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM