"Thoát" khỏi HAGL Land và trả được ngàn tỷ nợ, cơ cấu tài chính của Tracodi (TCD) đã cân đối hơn
Số tiền thu về Công ty đã dùng để trả nợ, do đó tài sản giảm đồng thời nợ Công ty cũng giảm một lượng lớn tương ứng.
Theo thông tin từ CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi, TCD), trong năm qua Công ty đã thực hiện lời hứa với cổ đông, nếu chưa mang lại hiệu quả cao sẽ chính thức thoái vốn khỏi dự án HAGL Land tại Myanmar. Do đó, Công ty đã quyết định thoái toàn bộ và bán lại dự án cho các đối tác trong năm 2017, dẫn đến tổng tài sản Công ty giảm mạnh, riêng tài sản dài hạn giảm hơn 1.200 tỷ đồng. Số tiền thu về Công ty đã dùng để trả nợ, do đó tài sản giảm đồng thời nợ Công ty cũng giảm một lượng lớn tương ứng.
Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo Tracodi, lợi nhuận năm 2015 cũng đến 6,5 tỷ đồng, tổng doanh thu chưa chỉ đạt khoảng 139 tỷ đồng và vốn điều lệ chỉ là 78,5 tỷ đồng. Như vậy, để có thể thực hiện được thương vụ khủng trên Công ty đã tiến hành vay một lượng nợ lớn, hơn ngàn tỷ đồng. Điều này dấy lên nhiều quan ngại trong cổ đông!
Cụ thể vào năm 2016, HAGL Land đã thông qua phương án chào bán riêng lẻ 56 triệu cổ phiếu cho Tracodi với tổng giá trị thương vụ 1.680 tỷ đồng, có nghĩa mỗi cổ phiếu HAGL Land được phát hành cho Tracodi với giá 30.000 đồng/cp. Nghiệp vụ này hoàn tất vào ngày 11/5/2016 với 56 triệu cổ phần được phát hành Tracodi, việc này cũng làm giảm tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trong HAGL Land từ 85,75% xuống còn 68,9%.
Kết quả là, dư nợ dài hạn Công ty tăng mạnh trong năm 2016, tỷ số nợ trên tổng tài sản cũng tăng đột biến từ mức 52,9% (năm 2015) lên 84,4%, hiểu nôm nay lúc bấy giờ gần 85% tài sản Tracodi có được từ vay nợ. Chính điều này dẫn đến khả năng sinh lời Công ty giảm mạnh, điển hình tỷ số ROE giảm một nửa từ 16,5 về mức 8,5 lần, tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) cũng kém sắc, chỉ còn 1,32 lần.
"Và việc thoát khỏi dự án trên đã mang lại một sự cân đối cho tài chính", người cầm cương Tracodi khẳng định. Thực tế cũng cho thấy điều này, tỷ lệ nợ/tài sản giảm mạnh về mức 62,4% trong năm 2017, đến cuối quý 1/2018 tiếp tục giảm về 61%. Chi phí lãi vay bớt gánh nặng, dẫn đến tỷ suất sinh lời cải thiện đáng kể, ROE tăng lên 13 lần tính đến cuối năm 2017.
Về HAGL Land, Công ty được thành lập vào năm 2007 do 3 cổ đông sáng lập là CTCP Hoàng Anh Gia Lai (99,9%), bà Đoàn Thị Nguyên Thảo (0,05%) và ông Lê Hùng (0,04%). Trong năm 2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM đã cấp giấy phép sửa đổi, điều chỉnh vốn điều lệ của HAGL Land từ 2.290 tỷ đồng lên 2.850 tỷ đồng.
Vẫn kỳ vọng lớn vào mảng bất động sản
Mặc dù thoái khỏi HAGL Land, tuy nhiên bất động sản vẫn là một trong những lĩnh vực cốt lõi của Tracodi thời gian tới, thậm chí đây là trụ cột duy nhất ghi nhận doanh thu và lãi ròng tăng theo kế hoạch 2018.
Cụ thể, với chỉ tiêu doanh thu thuần 1.150 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% do hầu hết các mảng từ xuất khẩu lao động, khai thác đá, thương mại dự báo sụt giảm. Song, chỉ riêng mảng xây dựng hạ tầng, dự án bất động sản (BĐS) tăng trưởng mạnh với doanh thu dự kiến đạt 391 tỷ (tăng 190%). Tracodi kỳ vọng doanh thu tại đây sẽ gấp đôi năm 2017 với khoảng 390 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 27 tỷ đồng, bằng việc tập trung vào các công trình tại Long An như dự án BT nâng cấp mở rộng ĐT 830C, dự án nhà ở xã hội huyện Bến Lức, san lấp hạ tầng cho dự án nhà máy năng lượng mặt trời tại Thạnh Hóa (tháng 8/2018 khởi công); cùng các dự án như căn hộ cao cấp Thảo Điền (quận 2, Tp.HCM), dự án resort Malibu (Quảng Nam) và dự án Cầu Rồng (Đà Nẵng).
Đáng chú ý, thời gian qua Tracodi đã cùng với công ty mẹ là Bamboo Capital (BCG) mua một khu đất 1ha tại đường Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền nhằm phát triển dự án biệt thự kết hợp shophouse. Đây là công trình bất động sản cao cấp của Tracodi, dự kiến sẽ triển khai trong 2 tháng nữa. Được biết, Tracodi góp 40% vốn và là đơn vị tổng thầu cho dự án này.
Còn tại dự án cao ốc trên số 89 CMT8 (Tp.HCM) với diện tích 1.048 m2, Công ty dự kiến tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng. Hiện, Tracodi đang thực hiện các thủ tục để được phê duyệt đầu tư và dự kiến triển khai trong thời gian 2018-2020.
Như vậy năm nay Công ty bắt đầu đẩy mạnh sang mảng xây dựng dân dụng, công nghiệp. Mới đây vào ngày 16/5/2018, tổ chức Hàn Quốc là Mirae Asset Daewoo Co.,LTD vừa mua thêm cổ phiếu, nâng tổng sở hữu tại Tracodi lên hơn 1,75 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 5,08%. Như vậy, tổ chức Hàn Quốc này chính thức trở thành cổ đông lớn Công ty, cùng với Bamboo Capital (53,64% vốn), Intact Management Co.,LTD (10% vốn) và Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) (5,81%). Trong đó, lựa chọn hai cổ đông chiến lược là Mirae Asset Daewoo và Intact Management sẽ đóng góp lớn vào chiến lược chung của TCD trong 5 năm tới, bởi xuất phát là những đơn vị trong lĩnh vực bất động sản nên 2 cổ đông này bên cạnh hỗ trợ tài chính, sẽ giúp Công ty trong những công tác kinh doanh nhà đất.
Mục tiêu đến 2022 doanh thu vượt 2.000 tỷ, lãnh đạo khẳng định không can thiệp giá cổ phiếu
Một thông tin đáng chú ý khác, cổ đông Tracodi cũng vừa thông qua ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới 2018-2023, xác định là nhiệm kỳ đầy đủ đầu tiên Công ty chính thức hoạt động theo mô hình tổ chức Công ty đại chúng. Được biết, TCD chính thức niêm yết trên HoSE vào cuối tháng 5/2017, hiện giá cổ phiếu TCD trên thị trường ghi nhận mức giá 15.000 đồng/cp. Về kinh doanh, dự kiến TCD sẽ đạt lợi nhuận 135 tỷ đến năm 2022, biên lợi nhuận duy trì tại mức 6,7%.
Kết thúc năm 2017, Công ty ghi nhận 1.096 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 75 tỷ đồng, đồng thuận tăng so với năm 2016 và vượt kế hoạch đề ra. Theo đó, Công ty dự kiến chia cổ tức 10% (năm 2016 Công ty chi trả 6%) bằng cổ phiếu. Theo kế hoạch, TCD sẽ phát hành 3,4 triệu cổ phiếu phổ thông với tỷ lệ 10%, nguồn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC kiểm toán 2017, dự kiến thực hiện trong quý 3/2018. Đồng thời, Công ty cũng dự kiến phát hành tối đa 352.833 cổ phiếu ESOP, thời gian cũng trong quý 3/2018.
Trên thị trường, mặc dù kết quả kinh doanh tăng song thị giá cổ phiếu TCD lại biến động khá mạnh, hiện đang giảm sâu chỉ còn 14.000 đồng/cp (chốt phiên 15/6/2018). Và trước thắc mắc của cổ đông tại sao cổ phiếu TCD giảm mạnh và đề xuất HĐQT có kế hoạch tăng thanh khoản cho cổ phiếu, đại diện ban lãnh đạo Tracodi khẳng định sẽ không can thiệp vào sự biến động giá cổ phiếu.
Theo phân trần của người đứng đầu Tracodi: "Có thể thời gian vừa qua cổ đông nắm giữ cổ phiếu một thời gian dài hoặc nhà đầu tư mới chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin về Công ty nên cũng ảnh hưởng thanh khoản cổ phiếu. Tuy nhiên, chủ trương của HĐQT là không trực tiếp hoặc tham gia vào việc tạo cung cầu, làm giá cổ phiếu, mà làm sao tạo ra kênh thông tin nhanh tiếp cận nhà đầu tư nhiều hơn và xây dựng kế hoạch kinh doanh vững chắc, tăng trưởng để thu hút nhà đầu tư, tạo cung cầu tự nhiên hơn là tác động ngắn hạn không bền vững lâu dài".
Giao dịch cổ phiếu TCD từ lúc niêm yết đên nay.