Thoái vốn nhà nước: Nút thắt đã được tháo gỡ
Theo số liệu cập nhật của NDH đến ngày 31/8/2016, chưa tính đến giá trị sở hữu tại công ty hạ tầng BDS Việt Nam, giá trị cổ phiếu do SCIC nắm giữ tại 9 công ty trong danh mục thoái vốn đạt 112.000 tỷ đồng, tương đương hơn 5 tỷ đô.
Chiều 29/8, tại cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ về thoái vốn cổ phần Nhà nước tại hai Tổng công ty bia Sabeco, Habeco và 10 doanh nghiệp do Tổng công ty quản lý vốn nhà nước (SCIC) đang sở hữu trong đó có Vinamilk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo phải niêm yết Sabeco, Habeco sau khi bán vốn nhà nước, đồng thời chỉ rõ khi bán cổ phần tại các doanh nghiệp này phải đấu giá cạnh tranh, không phân biệt đối tác trong nước và nước ngoài, giá trị quyền sử dụng đất tính riêng và phải có biện pháp pháp lý để giữ các thương hiệu quốc gia như bia Sài Gòn, bia Hà Nội, Vinamilk sau khi bán vốn nhà nước.
Chủ trương này của Chính phủ đã được chờ đợi từ rất lâu.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng chỉ đạo của Chính phủ đã giải quyết phần lớn những băn khoăn trước đó về quy trình bán vốn nhà nước.
Theo ông Hưng, phương án này sẽ xoá bỏ được sự bắt tay của các nhóm lợi ích làm thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình bán vốn thông qua việc giới hạn các nhà đầu tư theo ý muốn chủ quan của những người trực tiếp thực hiện, qua đấy sẽ tối ưu được khoản thu thoái vốn. Việc hoạt động minh bạch khi niêm yết sẽ giúp công ty hiệu quả hơn, nộp thuế cho ngân sách sẽ cao hơn và phần lãi cổ đông phần nhà nước còn nắm giữ cũng sẽ cao hơn.
Điều này Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh chủ trương bán vốn nhà nước phải “theo cơ chế thị trường”, “chống lợi ích nhóm” và Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ ngành, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp “giám sát chặt chẽ” SCIC, tìm kiếm cơ hội tốt nhất để bán được với giá cao nhất, chống thất thoát vốn nhà nước, nếu có vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo số liệu cập nhật của NDH đến ngày 31/8/2016, chưa tính đến giá trị sở hữu tại công ty hạ tầng BDS Việt Nam, giá trị cổ phiếu do SCIC nắm giữ tại 9 công ty trong danh mục thoái vốn đạt 112.000 tỷ đồng, tương đương hơn 5 tỷ đô, con số này tăng vọt so với đầu năm do hầu hết các cổ phiếu trong danh mục như VNM, BMP đều có mức tăng rất mạnh.
Với nhà đầu tư, ông Hưng đánh giá việc yêu cầu niêm yết đúng lộ trình các doanh nghiệp lớn như Sabeco, Habeco đáng lẽ phải làm từ rất lâu để đảm bảo tính minh bạch về công bố thông tin. Các doanh nghiệp niêm yết phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe hơn về chuẩn mực công bố thông tin và được giám sát trực tiếp từ hàng nghìn cổ đông.
Theo ông Hưng hàng năm các nhà đầu tư tham gia đại hội cổ đông thường niên sẽ trực tiếp giám sát hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc điều hành, cổ đông có thể không phê chuẩn các đề xuất bất hợp lý của Hội đồng quản trị, thậm chí có quyền đề xuất bãi miễn hoặc thay đổi Ban điều hành hoặc Hội đồng quản trị nếu phát hiện những hoạt động của họ không vì lợi ích của doanh nghiệp, điều này có thể giải quyết được bài toán bổ nhiệm nhân sự tại Sabeco thời gian qua.
Ngoài ra, ông Hưng cho rằng với doanh nghiệp sau khi niêm yết và bán cổ phần nhà nước sẽ trở thành công ty đa chủ sở hữu, từng bước tuyển chọn bộ máy quản trị và điều hành phù hợp, đặt lợi ích doanh nghiệp lên trên hết, không phụ thuộc vào một cổ đông nào. Việc doanh nghiệp nguy cơ bị một cổ đông nước ngoài thâu tóm với mục đích biến doanh nghiệp trở thành công ty con và là công cụ để họ mở rộng thị trường của họ tại Việt Nam không vì mục tiêu phát triển công ty sẽ khó thực hiện, thậm chí là không thể, do họ không thể thâu tóm được 100%.
Ông Hưng đánh giá nhà đầu tư nước ngoài có thể thâu tóm được doanh nghiệp trong nước với tỷ lệ trên 51% để thành công ty con, nhưng nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ có thể xây dựng công ty với cương vị là cổ đông chi phối chứ không thể biến doanh nghiệp thành công cụ cho công ty mẹ do các quy định của thị trường chứng khoán đối với các giao dịch của các bên liên quan của công ty niêm yết. Quan điểm này của ông Hưng đã được thể hiện rõ nét khi ông cho rằng “tôi không ngại bị nước ngoài thâu tóm” và đã mở room 100% tại hai công ty lớn ông đang làm Chủ tịch HĐQT là CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI và Tập đoàn PAN Group.
Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày hôm qua (31/8), thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã cho biết lộ trình thoái vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco, theo đó dự kiến nhà nước sẽ thoái toán bộ vốn thuộc sở hữu Nhà nước (81,79%) tương đương 9.000 tỷ đồng trong năm 2016. Với Sabeco Nhà nước sẽ thoái làm 2 đợt, đợt 1bán 53,59% vốn điều lệ, tương đương 24.000 tỷ đồng trong năm 2016, đợt 2 bán 36% vốn điều lệ còn lại, tương đương 16.000 tỷ đồng trong năm 2017 sau khi Sabeco đã thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.
6 tháng đầu năm 2016, SCIC bán vốn thành công tại 45 doanh nghiệp (trong đó đã bán hết vốn tại 44 doanh nghiệp, bán một phần vốn tại 01 doanh nghiệp). Lũy kế từ khi thành lập đến nay, SCIC đã bán vốn tại 900 doanh nghiệp trong đó bán hết vốn tại 821 DN, bán một phần vốn tại 79 DN và bán quyền mua tại 19 DN với giá vốn là 5.724 tỷ đồng và thu về 14.109 tỷ đồng (gấp 2,5 lần giá vốn).