Thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước: Lo thất thoát tỷ đô la
Việc thoái vốn là chủ trương đúng nhưng nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về các lỗ hổng trong quy trình thoái vốn tại các đơn vị lớn có thể dẫn đến thất thoát vốn của Nhà nước với số tiền nhiều tỷ USD.
Ngày 28/10, Habeco chính thức được niêm yết trên sàn UPCoM với tổng giá trị đăng ký giao dịch đạt 2.318 tỷ đồng. Dự kiến, Sabeco cùng nhiều doanh nghiệp Nhà nước khác sẽ sớm lên sàn trong cuối năm nay. Việc thoái vốn là chủ trương đúng nhưng nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về các lỗ hổng trong quy trình thoái vốn tại các đơn vị lớn có thể dẫn đến thất thoát vốn của Nhà nước với số tiền nhiều tỷ USD.
Ráo riết săn “cổ phiếu vàng”
Trả lời báo chí tuần qua, ông Tayfun Uner, Tổng Giám đốc Carlsberg Việt Nam cho biết, ngay khi Chính phủ Việt Nam thông báo sẽ thoái vốn khỏi Habeco, công ty đã có văn bản gửi Chính phủ Việt Nam và người đại diện vốn Nhà nước tại Habeco ngỏ ý muốn mua cổ phần tại tổng công ty này nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên 30%.
Theo ông Uner, theo thỏa thuận đầu tư chiến lược ký năm 2009, Carlsberg sẽ được quyền ưu tiên mua cổ phần khi Chính phủ thoái vốn và khi Habeco niêm yết trên sàn. Đại diện Carlsberg cho biết, sau khi tăng tỷ lệ nắm giữ, công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào Habeco với chiến lược như đã làm với Huda. Về lo ngại các thương hiệu của Habeco như bia Hà Nội, Trúc Bạch có được duy trì hay sẽ chịu số phận như kem đánh răng Dạ Lan xưa kia, ông Uner khẳng định: “Habeco có một thị phần lớn với dòng thương hiệu bia Hà Nội, bia Trúc Bạch... nếu ai đó mua được Habeco mà không tiếp tục phát triển các thương hiệu này khác nào người mua tivi về, mang bỏ tivi đi chỉ giữ lại cái vỏ hộp. Không ai ngớ ngẩn đến thế”.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, dự kiến trong tuần này, Bộ Công Thương sẽ có cuộc họp với đại diện của Carlsberg liên quan đến việc doanh nghiệp (DN) này mua thêm cổ phần của Tổng công ty CP Bia rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco). Sau khi đàm phán, Bộ Công Thương sẽ công bố công khai thông tin về việc bán cổ phần cho Carlsberg.
Trả lời chúng tôi, một lãnh đạo Sabeco cho biết, bộ phận quản lý vốn tại Sabeco đang rất khẩn trương làm các thủ tục cần thiết cho việc niêm yết trên HOSE. Dự kiến, trong tháng 12 năm nay công ty sẽ hoàn thành các thủ tục để đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền để niêm yết. Việc chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán trước khi thoái vốn nhà nước đã tạo ra những tín hiệu rất tích cực trong những ngày qua trên thị trường. Theo vị lãnh đạo này, đã có 7 công ty, tập đoàn nước ngoài đánh tiếng sẽ đăng ký mua cổ phần của Sabeco, trong đó có các thương hiệu lớn như: Thai Beverage và Singha (Thái Lan), Kirin và Asahi (Nhật Bản), Heineken (Hà Lan), Anheuser-Busch (Mỹ) và một số quỹ đầu tư khác.
Cổ phiếu Habeco cháy hàng và được nhà đầu tư săn lùng ráo riết trong phiên giao dịch đầu tiên trên sàn UPCoM. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất bia của Habeco. Ảnh: Như Ý.
Vội vàng là mất tỷ USD
Dự báo việc thoái vốn khỏi những DN lớn sẽ tạo cơn sốt về đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) khẳng định, nếu thực hiện không thận trọng, việc thoái vốn nhanh khỏi các DN lớn sẽ khiến Nhà nước mất hàng tỷ USD. Chỉ tính riêng tại Vinamilk (mã chứng khoán VNM), Nhà nước có nguy cơ mất tới 1 tỷ USD nếu thực hiện bán toàn bộ cổ phần nhà nước theo cách của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đề xuất.
Theo lãnh đạo VAFI, SCIC chọn phương án loại bỏ nhiều nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược tham gia đấu giá bằng việc đưa ra phương án chỉ bán 20% cổ phần nhà nước tại Vinamilk (tương ứng 9% vốn điều lệ). Đây là phương án hạn chế sức cầu, hạn chế sự cạnh tranh trong việc đấu giá, từ đó giá bán VNM sẽ rất thấp.
“Theo thông báo của SCIC việc bán cổ phần nhà nước tại VNM chia thành nhiều đợt và đợt đầu chỉ bán 20% cổ phần nhà nước. VAFI khẳng định phương án này sẽ gây thất thu cho nhà nước khoảng 1 tỷ đô la nếu so sánh với cách thức bán một lần toàn bộ cổ phần nhà nước, chiếm 45%/vốn điều lệ VNM. Việc bán một lần không những làm lợi cho nhà nước mà còn có ngay tiền tươi để xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường cao tốc Bắc Nam. Nếu nhân rộng cách làm này trong việc bán cổ phần nhà nước tại nhiều DN lớn kinh doanh hiệu quả thì có thể giải được bài toán giảm trần nợ công, đồng thời có thêm nhiều nguồn vốn khổng lồ để phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước”, ông Hải khẳng định.
Không quá lo mất thương hiệu Việt
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, để tránh thất thoát vốn nhà nước trong cổ phần hóa, đặc biệt là với các DN tốt như Sabeco, Habeco, trước tiên phải niêm yết lên sàn chứng khoán xem giá trị thị trường thế nào, sau đó tham khảo để định giá DN. Còn với Vinamilk, theo ông Tiến, do giá trị DN lớn, chưa biết thị trường có thể hấp thụ được bao nhiêu nên phải bán có lộ trình, đảm bảo lợi ích nhà nước cao nhất và không gây biến động thị trường. Vì mỗi lần có thông tin nhà nước thoái vốn tại Vinamilk, giá cổ phiếu của DN này lại tăng, từ dưới 100.000 đồng/cổ phiếu, tới nay lên tới 140.000 đồng/cổ phiếu. Do vậy, lần đầu bán hàng ngon nên phải thăm dò.
"Với trường hợp định giá DN thấp để chiếm dụng vốn nhà nước, điều này có thể ngăn chặn qua đấu giá DN. Tuy nhiên, để đạt được tất cả những mục tiêu trên, mọi việc phải được diễn ra công khai, các cơ quan nhà nước giám sát chặt chẽ".
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp
Về việc giữ lại các thương hiệu Việt sau cổ phần hóa, theo ông Tiến, hiện thế giới có khái niệm “cổ đông vàng”, và đã được đưa vào điều lệ công ty. Theo đó, cổ đông vàng có thể nắm cổ phần công ty hoặc không (hoặc nắm tỷ lệ nhỏ về mặt danh nghĩa), nhưng đây là đặc quyền của mỗi quốc gia hoặc công ty. Điều lệ công ty có thể quy định, khi thay đổi điều lệ hoặc thương hiệu DN, sản phẩm phải được cổ đông vàng biểu quyết. Điều lệ công ty ra sao đều do các DN xây dựng trước khi cổ phần hóa, nên nhà nước hoàn toàn có thể quyết định vấn đề này. “Khi đó, nhà đầu tư nào muốn mua thì phải chấp nhận bản điều lệ này. Hoặc theo Luật DN, chỉ cần nhà nước còn nắm giữ mức 35% vốn điều lệ là có quyền phủ quyết bất kể quyết định lớn nào đưa ra, từ chiến lược tới thương hiệu”, ông Tiến nói.
Cho rằng, cần có các biện pháp hợp lý để bảo vệ các thương hiệu quốc gia khi thực hiện thoái vốn nhưng không đến mức phải quá lo ngại về việc các thương hiệu Việt có thể bị mất đi sau khi cổ phần hóa, TS Vũ Đình Ánh cho biết, khi đã rót vốn nhiều tỷ đồng đầu tư vào các DN như Vinamilk, Sabeco, Habeco, bản thân nhà đầu tư xác định sẽ phải dồn sức xây dựng các thương hiệu này để thu lợi nhuận, hồi vốn đầu tư. Với việc thoái vốn mạnh sắp tới của Nhà nước tại các DN trên, các nhà đầu tư sẽ có cơ hội sở hữu thêm cổ phần, đồng nghĩa số tiền họ bỏ ra đầu tư vào DN sẽ càng tăng hơn. Vì vậy, không có lý do gì họ lại đánh mất thương hiệu doanh nghiệp mà họ đã bỏ tiền tỷ đầu tư.
Hơn 231,8 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) mã chứng khoán BHN chính thức giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 39.000 đồng/cổ phiếu ngày 28/10 đã gây sốt thị trường. Lệnh đặt mua ở mức giá trần lên đến hàng triệu đơn vị nhưng kết phiên, chỉ có vỏn vẹn 100 cổ phiếu BHN được bán ra. Cổ phiếu BHN tăng kịch trần 40% trong phiên chào sàn, lên 54.600 đồng/cổ phiếu.
Theo Phạm Tuyên - Lê Hữu Việt
Về những lo ngại, việc thoái vốn ồ ạt và nhà nước không còn giữ vốn sẽ có nguy cơ làm mất thương hiệu của ngành bia Việt, lãnh đạo Sabeco cũng cho rằng, việc giữ, hay phát triển thương hiệu theo hướng nào, phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp quản trị DN, mục đích đầu tư… của cổ đông nắm cổ phần chi phối sau khi thoái vốn nhà nước tại Sabeco. “Nếu cổ đông nắm cổ phần chi phối đó là quỹ đầu tư thì việc giữ thương hiệu sẽ đơn giản hơn, nhưng nếu đó là một hãng bia nước ngoài thì vấn đề lại khác. Khi thoái vốn, bên cạnh việc phải đảm bảo thoái với giá trị cao, chúng tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề duy trì thương hiệu, vấn đề lao động. Chúng tôi sẽ có những kiến nghị cụ thể với Bộ Công Thương trong quá trình xây dựng phương án thoái vốn”, vị này nói.