Thợ sửa xe máy vùng cao sáng chế ra máy nông nghiệp cho ruộng bậc thang, làm thay nông dân từ A-Z, dự định bán 200 chiếc vào năm 2018

02/11/2017 08:00 AM | Kinh doanh

Máy nông nghiệp đa năng của anh Nguyễn Văn Tuấn thôn Pò Nim, xã Cường Lợi (Na Rì), tỉnh Bắc Kạn có chức năng xới đất, cào cỏ, đánh rãnh, tra lân, ra ngô…

Từ anh thợ sửa xe máy đến người chế tạo máy nông nghiệp

Xã Cường Lợi, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kan vốn là huyện nghèo vùng cao ở vùng Đông Bắc Bắc Bộ. Lúa và ngô là 2 loại cây trồng chính trên các ruộng bậc thang thụt lún, khô ghềnh ở các sườn dốc. Chỉ với công cụ là cái cuốc, cái bai, bà con vô cùng vất vả mà hiệu quả không cao.

Thợ sửa xe máy vùng cao sáng chế ra máy nông nghiệp cho ruộng bậc thang, làm thay nông dân từ A-Z, dự định bán 200 chiếc vào năm 2018 - Ảnh 1.

Anh Tuấn nhận giải Nhì trong cuộc thi Khởi nghiệp nông nghiệp lần 3 vào cuối tháng 10.

Anh Tuấn vốn là thợ sửa xe máy, thấy được những nhọc nhằn mà bà con đang trải qua, anh rất trăn trở. Anh tự hỏi: “Giá có cái máy thay con người làm việc trên đồng đất thì tốt biết mấy”.

Năm 2011, với vốn kiến thức được học từ khóa học động cơ ở Thái Nguyên, anh Tuấn mày mò tìm hiểu. Năm 2012, anh chế tạo thành công máy cào cỏ, vun ngô và được bà con tin dùng.

Nhưng chưa hài lòng với kết quả đó, anh tiếp tục chế tạo máy cào cỏ, cuốc xới đất, vun ngô, đánh rãnh. Bà con trong xã rất hài lòng với sản phẩm do anh làm ra. Không dừng lại ở đó, anh đã tiếp tục cải tiến và chế tạo ra máy nông nghiệp đa năng đầu tiên vào năm 2015. Máy chỉ nặng khoảng 30 kg và tiết kiệm xăng, được bảo hành trọn đời.

Thợ sửa xe máy vùng cao sáng chế ra máy nông nghiệp cho ruộng bậc thang, làm thay nông dân từ A-Z, dự định bán 200 chiếc vào năm 2018 - Ảnh 2.

Anh kể, anh nhập sắt có chất lượng tốt và tự cắt, tự làm hết để ra những chiếc máy như vậy. “Có những lúc, tôi quên ngủ, quên ăn. Gia đình lúc đầu ngăn cản nhưng sau thấy việc làm của tôi có ích nên ủng hộ”, anh Tuấn chia sẻ với chúng tôi tại Cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp lần 3. Dự án máy nông nghiệp đa năng của anh giành giải Nhì trong cuộc thi này.

Năm 2016, anh Tuấn đã thành lập Hợp tác xã để chung tay làm ra sản phẩm và giải quyết công ăn việc làm tại địa phương. Hợp tác xã đã có 7 thành viên và khi cần thì thuê thêm nhân sự tại địa phương. Các thành viên của Hợp tác xã góp cùng góp vốn làm và anh Tuấn làm giám đốc.

Thợ sửa xe máy vùng cao sáng chế ra máy nông nghiệp cho ruộng bậc thang, làm thay nông dân từ A-Z, dự định bán 200 chiếc vào năm 2018 - Ảnh 3.

Các tính năng bao gồm:

1. Cào cỏ, cuốc xới đất (đất ruộng, đất bãi)

2. Làm phẳng đất (đất bãi, đất ruộng)

3. Tự đánh rãnh, tra ngô, tra hạt giống, vùi lấp đất

4. Vun và chăm sóc cây trồng

5. Kéo, vận chuyển đồ đạc

6. Bơm nước tưới tiêu cho cây trồng

7. Phun thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc lá cho cây ăn quả và hoa màu

8. Phát điện chiếu sáng

Các chức năng rời nhau, khi nào cần chức năng nào thì lắp vào máy chủ.

Đến tháng 10/2017, anh Tuấn đã bán được 300 chiếc máy. Giá dao động từ 10 triệu đến 25 triệu.

Do bà con còn nghèo, hợp tác xã cho trả góp không lãi

Nói về khách hàng, anh Tuấn cho biết, sản phẩm của anh đã bán nhiều ở Bắc Kạn và Sơn La. Do bà con là nông dân nên các trường hợp gia đình khó khăn, hợp tác xã cho trả góp không lãi trong 2 năm.

Anh cho biết các con số chi tiết. Chiếc máy đủ 8 chức năng giá 25 triệu đồng. Chi phí sản xuất bao gồm nhân công, vật tư, vật liệu, điện nước, hao mòn thiết bị hết 18,5 triệu đồng. Các chi phí khác như vận chuyển, bảo dưỡng, tiếp thị, quảng bá, bán hàng, đào tạo đại lý bán hàng là 2,5 triệu đồng/máy. Trong đó đại lý bán máy được hưởng 1 triệu hoa hồng/máy. Lợi nhuận bình quân 1 máy là 4 triệu đồng.

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2018, hợp tác xã sẽ bán 150 máy ở Bắc Kạn và 50 máy tại Sơn La.

Hiện sản phẩm máy nông nghiệp đa năng của anh Tuấn được bà con nông dân trong và ngoài tỉnh đón nhận. Anh tâm sự, đó chính là nguồn động viên anh cùng các thành viên khác của hợp tác xã thêm nỗ lực.

Hợp tác xã đang kêu gọi vốn đầu tư để xây nhà xưởng rộng hơn, đầu tư vào trang thiết bị để tiếp tục những phát kiến mới trong nông nghiệp.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM