Think tank Hoa Kỳ: Tại sao dân số trẻ và đông gấp gần 3 lần nhưng Indonesia lại tụt hậu về sản xuất và thu hút FDI so với Việt Nam?

21/08/2020 14:36 PM | Xã hội

Carnegie Endowment for International Peace nhận định: Tiềm năng nhân khẩu học đầy lợi thế nhưng Indonesia lại chưa tận dụng được điều đó. Thị phần xuất khẩu toàn cầu của Việt Nam đã tăng lên 1,3% trong khi của Indonesia thì trì trệ.

Indonesia có hai lợi thế lớn trong khu vực ASEAN: dân số đông nhất và cơ cấu dân số sẽ vẫn trẻ trong tương lai.

 Think tank Hoa Kỳ: Tại sao dân số trẻ và đông gấp gần 3 lần nhưng Indonesia lại tụt hậu về sản xuất và thu hút FDI so với Việt Nam?  - Ảnh 1.

Nhưng tiềm năng nhân khẩu học của họ vẫn chưa được tận dụng. Indonesia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa, chưa tập trung nhiều vào sản xuất. Không chỉ vậy, họ còn phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu và trái phiếu trong các công ty Indonesia để bù đắp thâm hụt tài khoản vãng lai. Chính phủ cũng chi tiêu vượt ngân sách, nên họ cũng dựa nhiều vào các nhà đầu tư nước ngoài để trang trải khoản thiếu hụt tài chính này.

Kể từ khi Tổng thống Joko Widodo lên nắm quyền vào năm 2014, GDP của Indonesia đã tăng trưởng trung bình 5% mỗi năm, thấp hơn tốc độ tăng trưởng 7% mà ông đã hứa trong chiến dịch tranh cử đầu tiên của mình.

 Think tank Hoa Kỳ: Tại sao dân số trẻ và đông gấp gần 3 lần nhưng Indonesia lại tụt hậu về sản xuất và thu hút FDI so với Việt Nam?  - Ảnh 2.

Vào năm 2020, tốc độ tăng trưởng đó đã xuống dốc nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến du lịch, thương mại và đầu tư. Phức tạp hơn nữa, các biện pháp mà chính quyền Jakarta thực hiện để chống lại virus - hạn chế sự di chuyển của người dân và tạm thời đóng cửa các doanh nghiệp - cũng đã tàn phá nhu cầu trong nước.

Thâm hụt tài chính và tài khoản vãng lai kéo dài, Indonesia không có khả năng giải quyết khó khăn trong ngắn hạn. Về dài hạn, Indonesia sẽ phải trả giá đắt: tăng trưởng yếu, nợ nần gia tăng và nghèo đói, trừ khi nước này thay đổi hướng đi.

Để đối phó với những thách thức kép này, Chính phủ Indonesia gần đây đã công bố một gói tài khóa trị giá tới 4,2% GDP đất nước. Theo tính toán của các tác giả, kế hoạch dành 0,8% GDP để giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Ngoài ra, 3,2% GDP sẽ được bổ sung cho ngân sách chính phủ hiện có, tăng cường các chương trình an sinh xã hội và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp.

Thêm 1,2% GDP là hỗ trợ tùy ý, như ưu đãi thuế và chi tiêu chăm sóc sức khỏe, không phải là chi tiêu trực tiếp mà hoạt động giống như cắt giảm thuế. Gói này, cùng với gói được công bố trước đó trị giá 0,2% GDP, nâng tổng hỗ trợ tài chính của Indonesia lên 4,4% GDP.

 Think tank Hoa Kỳ: Tại sao dân số trẻ và đông gấp gần 3 lần nhưng Indonesia lại tụt hậu về sản xuất và thu hút FDI so với Việt Nam?  - Ảnh 3.

Sự hỗ trợ này sẽ giúp khởi động tăng trưởng GDP của Indonesia sau đại dịch. Nhưng nó không đủ để bù đắp sự suy giảm của khu vực tư nhân trong nước và sự sụt giảm doanh thu thuế mà các doanh nghiệp tạo ra.

Với sự phụ thuộc của Jakarta vào thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt, các nguồn thu của Chính phủ Indonesia đã giảm khá mạnh. Thu ngân sách nhà nước giảm và chi tiêu tăng để bù đắp tăng trưởng suy giảm có thể đồng nghĩa với việc thiếu hụt tài khóa gần 7% GDP vào năm 2020. Ngân hàng Trung ương của nước này - Ngân hàng Indonesia - không chỉ hạ giá đồng tiền thông qua việc cắt giảm lãi suất mà còn bằng cách mua trái phiếu chính phủ hoàn toàn.

Rõ ràng, Indonesia nên thực hiện các cải cách cơ bản nhằm thúc đẩy tăng trưởng của mình. Sự sụt giảm của nhu cầu trong nước - điều thúc đẩy phần lớn tăng trưởng của Indonesia trong thời gian bình thường - cho thấy quốc gia này quá phụ thuộc vào các nguồn thu nhập trong nước.

Lỗ hổng này cũng cho thấy nền tảng tài trợ yếu kém của Indonesia, vì quốc gia này phụ thuộc nhiều vào thu nhập từ các khoản đầu tư tài chính.

Indonesia nên tận dụng tài sản lớn nhất của họ: con người

Nhu cầu toàn cầu đang phục hồi trong nửa cuối năm 2020, nhưng Indonesia có thể sẽ được hưởng lợi ít hơn các nước khác ở châu Á do xuất khẩu chiếm tỷ trọng quá thấp trong GDP. Như vậy, họ không thể dựa vào nguồn tiền từ nước ngoài.

Điều đó có nghĩa là sự phục hồi của Indonesia phụ thuộc vào khả năng phục hồi các hoạt động trong nước và các nguồn thu nhập cho tiêu dùng và đầu tư. Thực tế là Indonesia cần phải giảm phụ thuộc vào các nguồn lực vốn trước đó, và thay vào đó là nâng cao chuỗi giá trị bằng cách ban hành các chính sách thúc đẩy đầu tư nhiều hơn vào chế biến hàng hóa phức tạp và sinh lợi tại Indonesia thay vì chỉ bán nguyên liệu ra nước ngoài.

Đây chính là thời điểm để quốc gia này tập trung vào việc nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất để tận dụng những lợi thế vốn có của mình — một lượng lớn, trẻ,

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng liên kết thương mại theo chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) sẽ nâng cao thu nhập và giảm nghèo. Vì một quốc gia có thể đánh đổi lợi thế so sánh của mình (lao động rẻ và dồi dào) để đạt được những gì họ thiếu (vốn và kỹ năng để sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao hơn).

Thật không may cho Indonesia, thị phần xuất khẩu hàng hóa toàn cầu của Indonesia hiện đang trì trệ ở mức khoảng 0,9%, một phần do dòng tiền chảy vào FDI sản xuất ít hơn.

Với sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia láng giềng, như Việt Nam - đang tích cực ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài và phê chuẩn EVFTA, Indonesia đã bị tụt lại phía sau. FDI vào Indonesia bị kìm hãm bởi các hạn chế, cũng như luật lao động rườm rà , đã khiến một số nhà đầu tư nước ngoài gặp khó. Thị phần xuất khẩu toàn cầu của Việt Nam đã tăng lên 1,3% trong khi của Indonesia thì trì trệ.

 Think tank Hoa Kỳ: Tại sao dân số trẻ và đông gấp gần 3 lần nhưng Indonesia lại tụt hậu về sản xuất và thu hút FDI so với Việt Nam?  - Ảnh 4.
 Think tank Hoa Kỳ: Tại sao dân số trẻ và đông gấp gần 3 lần nhưng Indonesia lại tụt hậu về sản xuất và thu hút FDI so với Việt Nam?  - Ảnh 5.

Mức độ gia tăng tỷ trọng trong xuất khẩu toàn cầu

 Think tank Hoa Kỳ: Tại sao dân số trẻ và đông gấp gần 3 lần nhưng Indonesia lại tụt hậu về sản xuất và thu hút FDI so với Việt Nam?  - Ảnh 6.

Độ mở với FDI

Khi kinh tế tiếp tục suy giảm, xuất khẩu sẽ giảm hơn nữa vào năm 2020. Đó là một xu hướng đáng lo ngại, vì sự tham gia của Indonesia vào GVC đã giảm kể từ năm 2010 từ 54% xuất khẩu xuống còn 50%.

Điều này có nghĩa là Indonesia đang tụt hậu cả về giá trị tuyệt đối trong tổng kim ngạch xuất khẩu lẫn giá trị gia tăng về chuỗi cung ứng toàn cầu. Và sự sụt giảm đó đến từ hai con đường: thứ nhất, xuất khẩu khu vực FDI của Indonesia thấp và thứ hai, ít hàng hóa trung gian do Indonesia sản xuất (các bộ phận thành phần đi vào sản phẩm cuối cùng, như bánh xe đạp).

Nhưng vẫn còn hy vọng, Indonesia là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, cả về dân số và quy mô kinh tế. Và quan trọng nhất, sự chuyển đổi nhân khẩu học của quần đảo vẫn sẽ thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế trong 30 năm tới, theo dự báo của Cơ quan Thống kê Dân số Liên hợp quốc.

Việc ông Widodo đẩy mạnh đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng là một bước đi đúng hướng. Trước đó vào năm 2020, Tổng thống này đã cải cách luật lao động để mở cửa nền kinh tế.

 Think tank Hoa Kỳ: Tại sao dân số trẻ và đông gấp gần 3 lần nhưng Indonesia lại tụt hậu về sản xuất và thu hút FDI so với Việt Nam?  - Ảnh 7.

Logistics của Indonesia cải thiện nhưng tụt lại phía sau Việt Nam

Những bước tiến này sẽ giúp Indonesia tận dụng lợi thế về nhân khẩu học thuận lợi để thu hút FDI vào lĩnh vực sản xuất. Indonesia nên nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực mà họ muốn phát triển và đưa ra các biện pháp khuyến khích để thu hút các công ty đa quốc gia đầu tư.

Đi theo con đường FDI sản xuất sẽ mang lại nhiều lợi ích. Nó sẽ cung cấp nguồn vốn ổn định cho các nhà máy mới. Chiến lược này sẽ đa dạng hóa các nguồn thu nhập của Indonesia và cũng sẽ mang lại những tiến bộ công nghệ nước ngoài. Cách tiếp cận như vậy cũng sẽ tăng khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài.

Và cuối cùng, chiến lược này sẽ giúp tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao của Indonesia so với các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp hơn, giúp Indonesia vươn lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Những cải cách dài hạn như vậy là rất quan trọng để Indonesia đẩy mạnh phát triển kinh tế và hiện thực hóa tiềm năng đạt được tốc độ tăng trưởng GDP trên 7%.

Carnegie Endowment for International Peace là một think tank chính sách đối ngoại với các trung tâm ở Washington DC, Moscow, Beirut, Bắc Kinh, Brussels và New Delhi.


H.A

Cùng chuyên mục
XEM