Thiếu tướng Lê Tấn Tới: "Sau khi chiếu phim Người phán xử thì băng nhóm tội phạm "xã hội đen" xảy ra rất nhiều"

14/09/2021 15:58 PM | Sống

Trong phiên họp góp ý về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã nhắc tới bộ phim Người phán xử. Ông cho biết, sau khi VTV chiếu phim Người phán xử thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm "xã hội đen" xảy ra rất nhiều.

Sáng 14/9, tiếp tục phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Điện ảnh sửa đổi. Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 52 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 25 điều, quy định mới 27 điều so với luật hiện hành.

Báo Dân Việt dẫn lời Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong quá trình xây dựng dự Luật này có những vấn đề còn ý kiến khác nhau, trong đó phổ biến phim trên không gian mạng. Vì vậy, dự thảo luật đưa ra 2 phương án.

Phương án 1, nhà phát hành, phổ biến phim tự kiểm và chịu trách nhiệm. Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông kiểm tra, xử lý việc tự phân loại phim phổ biến trên không gian mạng theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, phương án "hậu kiểm" là cách tiếp cận mới. Song "việc tự kiểm cũng tạo nên nguy cơ trong việc để lọt các sản phẩm phản ánh sai trái lịch sử, nội dung bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm, xâm hại trẻ em… gây nên hậu quả tiêu cực trong đời sống văn hóa - xã hội, khó xử lý kịp thời, triệt để".

Phương án 2, chỉ được phổ biến phim khi có Giấy phép phân loại phim do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND cấp tỉnh cấp hoặc quyết định, tức là "tiền kiểm".

Theo Bộ trưởng Hùng, đa số thành viên Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất chọn phương án "hậu kiểm".

Báo Thanh niên dẫn lại thông tin từ báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban đề xuất thêm phương án 3 là kết hợp hậu kiểm và tiền kiểm một cách hợp lý.

"Hậu kiểm là chủ yếu, tiền kiểm đối với phim có ảnh hưởng xấu đến chính trị, tư tưởng, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, và phải phù hợp với điều kiện, khả năng quản lý của cơ quan nhà nước", ông Vinh nêu.

 Thiếu tướng Lê Tấn Tới: Sau khi chiếu phim Người phán xử thì băng nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Báo Thanh niên)

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đồng tình phương án kết hợp, nhưng đề xuất cơ quan soạn thảo không trình ra Quốc hội 3 phương án, mà sau khi thống nhất cao rồi thì chỉ nên trình ra một phương án.

Trong phiên họp sáng 14/9, báo Tiền phong dẫn lời Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cần có quy định tổ chức, cá nhân phải tự phân loại và chịu trách nhiệm về phim đưa lên không gian mạng, nhất là những vấn đề liên quan tới quốc phòng, an ninh, hải đảo, trẻ em, tôn giáo, dân tộc.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cần quy định rõ, chi tiết hơn về nội dung và hành vi nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh.

 Thiếu tướng Lê Tấn Tới: Sau khi chiếu phim Người phán xử thì băng nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều - Ảnh 2.

Theo ông Tới, hiện một số bộ phim có tình tiết cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật, lối sống ích kỷ. Ông ví dụ về việc phạm tội nhưng không bị xử lý, một số phim phản ánh quá chân thực, quá chi tiết về sự tự diễn biến, tự chuyển hóa làm cho người xem nhận thức sai và bắt chước làm theo.

"Điển hình mới đây, VTV1 chiếu phim Người phán xử. Sau khi chiếu bộ phim đó thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều. Đất nước chúng ta quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng luật không giải quyết được, mà đưa cho ông trùm làm người phán xử, phán xử cả lực lượng công an. Phán xử tất cả mà đưa vào đó chiếu trên "giờ vàng" thì ai chịu trách nhiệm về vấn đề này?", báo Tiền phong dẫn lời ông Lê Tấn Tới.

Giải trình tại phiên họp về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu khó khăn trong việc kiểm soát các nội dung phim trên không gian mạng theo dạng tiền kiểm. Do đó, xu hướng là nhà cung cấp phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, ông Hùng cho biết tiếp thu các ý kiến, ban soạn thảo sẽ chỉnh lý theo hướng gắn tiền kiểm và hậu kiểm để bảo đảm an ninh chính trị.

PV

Cùng chuyên mục
XEM