Thiếu ngủ tàn phá sức khỏe như thế nào: Cơ thể mệt mỏi, tâm trạng khó chịu, tăng nguy cơ tử vong sớm
Một giấc ngủ đủ giấc theo các nhà khoa học phải kéo dài 7 – 9 tiếng. Nó không phải là một điều quá xa xỉ nhưng lại vô cùng quan trọng với sức khỏe, bởi nó có thể khiến các cơ quan rơi vào tình trạng đình công và thậm chí tăng nguy cơ tử vong sớm.
Bởi thế, đừng coi thường những giấc ngủ, đừng nghĩ quầng thâm mắt là bình thường. Một vài giờ thiếu ngủ đem lại tác hại lớn hơn bạn tưởng rất nhiều, dưới đây là 7 điều thường thấy nhất:
Mệt mỏi, uể oải cả ngày
Điều này quá dễ hiểu: Khi cơ thể bạn không được nghỉ ngơi đầy đủ, nó sẽ cố gắng thu thập những phút giây nghỉ ngơi hiếm hoi.
Theo bác sĩ tâm thần học Alex Dimitriu của Menlo Park Psychiatry & Sleep Medicine cho hay: “Não bộ chúng ta cũng cần được ngủ nghỉ để củng cố trí nhớ, thực hành các nhiệm vụ quan trọng, xử lý cảm xúc, và làm một số hoạt động sàng lọc để loại bỏ những thông tin không cần thiết lưu trữ”. Bởi thế, dấu hiệu rõ ràng nhất của việc thiếu ngủ là thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ giữa ban ngày. Bạn sẽ có xu hướng chợp mắt vào bất kỳ thời gian rảnh rỗi nào.
Vậy cách giải quyết là gì? Nhiều người đối phó với cơn buồn ngủ bằng những tách cà phê nhưng các nhà khoa học khuyên bạn không nên uống quá 4 tách/ngày và cũng đừng uống sau 2 giờ chiều. Thay vào đó, hãy dành thời gian đi ngủ sớm vào buổi tối thì tốt hơn.
Tâm trạng cáu bẳn, khó chịu
Tâm trạng xuống dốc là điều đầu tiên bạn cảm nhận được sau một đêm thiếu ngủ. Không ngủ khiến cortisol – hay còn được gọi là “hormone stress” trong cơ thể tăng vọt. Ngược lại, một giấc ngủ ngon sẽ làm giảm nồng độ cortisol trong cơ thể bạn một cách tự nhiên. Để dần dần thay đổi giấc ngủ, bạn nên ngủ sớm hơn 1 chút và cố gắng thức dậy vào một giờ cố định.
Tăng cân
Có bao giờ bạn cảm thấy đồ ăn vặt nhìn ngon mắt hơn vào những buổi chiều, lúc đang gà gật hay không? Triệu chứng đó hoàn toàn có nguyên nhân khoa học. Đó là do đêm trước thiếu ngủ dẫn đến sự sụt giảm leptin – hoormone khiến bạn cảm thấy no. Bởi thế, khi nhìn thấy những loại thức ăn có hàm lượng calo cao nhưng bắt mắt như thức ăn vặt, bạn sẽ tự nhiên cảm thấy cồn cào.
Dễ ảo giác
Theo bác sĩ Dimitriu, “thiếu ngủ chính là một phương pháp tra tấn con người bởi nó đánh thẳng vào tâm lý”. Những người bị thiếu ngủ kinh niên có thể gặp hiện tượng ảo giác, tự tưởng tượng ra những thứ không có thật và thậm chí trò chuyện với những vật vô tri vô giác.
Ngoài việc làm giảm sự tập trung cũng như trí nhớ, ảo giác có thể xuất hiện lúc bạn chuẩn bị đi ngủ hoặc khi vừa mới thức dậy. Các rối loạn thần kinh khác như giảm thị lực, mất trí nhớ và buồn ngủ lơ mơ cũng đi kèm với ảo giác.
Các bệnh tim mạch
Một trong những nguy cơ về sức khỏe mà thiếu ngủ đem lại chính là chứng tăng huyết áp (hay huyết áp cao). Một nghiên cứu gần đây của Hội Tim mạch châu Âu chỉ ra rằng, những người đàn ông trung niên ngủ 5 giờ mỗi đem (hoặc ít hơn) có nguy cơ mắc bệnh tim cao gấp đôi so với những người ngủ từ 7 – 8 tiếng.
Phản ứng chậm hơn
Không phải do bạn tưởng tượng đâu nhưng việc thiếu ngủ thực sự khiến chúng ta chậm chạp hơn bình thường. Nguy hiểm hơn, thiếu ngủ có thể gây ra cảm giác mất phương hướng, không biết mình đang ở đâu và phản ứng với sự cố chậm hơn. Một nghiên cứu năm 2017 chính là minh chứng rõ ràng nhất cho việc này, khi 20% nguyên nhân tai nạn giao thông ở các nước phát triển gây ra là do thiếu ngủ.