Thiếu chip, một tập đoàn lớn phải thu mua máy giặt cũ để lấy linh kiện bán dẫn bên trong
"Cơn khát" chip trên phạm vi toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo chia sẻ Peter Wennink, CEO của ASML - công ty trung tâm trong chuỗi cung ứng sản xuất chip toàn cầu - trong bối cảnh toàn cầu đang thiếu chip, nhu cầu từ các nhà sản xuất chất bán dẫn không có dấu hiệu giảm sút, đặc biệt với các con chip không đòi hỏi quy trình sản xuất cao cấp.
Ông thậm chí cho biết một tập đoàn công nghiệp lớn đã phải mua máy giặt cũ rồi lấy chất bán dẫn bên trong để sử dụng cho các mô-đun chip của riêng mình. Không nêu rõ tên tập đoàn này, nhưng vị CEO này cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu chip sẽ còn kéo dài trong tương lai gần, ít nhất là đối với một số lĩnh vực.
“Nhu cầu mà chúng tôi đang thấy hiện nay đến từ rất nhiều nơi trong ngành”, Wennink nói, ám chỉ việc thế giới đang ngày càng áp dụng rộng rãi các ứng dụng Internet of Things (IoT). “Nó rất phổ biến. Chúng tôi đã đánh giá thấp đáng kể phạm vi mở rộng của nhu cầu. Và tôi không nghĩ điều đó sẽ sớm biến mất”.
Ông cũng lưu ý rằng việc sử dụng máy quang khắc của ASML hiện đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Và các dấu hiệu cho thấy rằng khách hàng của họ không phải đang mua thêm máy để dự trữ, mà là vì họ đang không thể đáp ứng kịp nhu cầu sản xuất ở thực tại.
Trong quý đầu tiên của năm 2022, ASML đạt doanh thu ròng 3,5 tỷ euro, tỷ suất lợi nhuận gộp tăng 49%, lợi nhuận ròng 695 triệu euro và giá trị đơn đặt hàng mới là 7 tỷ euro. Tổng cộng 59 hệ thống máy quang khắc mới và 3 hệ thống đã qua sử dụng đã được bán trong quý này, so với 72 và 10 hệ thống tương ứng trong quý trước.
Một công nhân của Trung tâm tái chế WEEE đi ngang qua các thiết bị điện cũ được thu gom tại Trung tâm tái chế EcoPark WEEE ở Hồng Kông. Ảnh: SCMP
Ngay cả các nhà sản xuất thiết bị chip lớn cũng đang phải vật lộn để có đủ linh kiện đáp ứng các đơn đặt hàng. Và điều này có khả năng gây khó khăn hơn cho các nhà sản xuất bán dẫn trong việc tăng công suất đáng kể trong thời gian tới.
Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô vẫn chưa vượt qua được cuộc khủng hoảng chất bán dẫn vốn đã gây khó khăn cho các hoạt động của họ trong hơn một năm qua. Tesla cho biết trong tuần này rằng hoạt động sản xuất của họ vẫn bị cản trở bởi tình trạng thiếu hụt và giá các thành phần chính tăng cao. Còn Volkswagen cảnh báo sẽ tiếp tục có những tác động tiêu cực từ việc khan hiếm chip. Đầu tuần này, Toyota Motor đã cắt giảm mục tiêu sản lượng khoảng 100.000 chiếc cho năm nay do nguồn cung bán dẫn không đủ.
Việc ngừng sản xuất và thiếu hụt linh kiện do cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể làm gia tăng thách thức hơn nữa cho chuỗi cung ứng và trì hoãn sự phục hồi doanh số bán ô tô của châu Âu vào năm 2022. Doanh số bán ô tô chở khách trong tháng 3 từ 5 thị trường lớn nhất châu Âu đã thấp hơn 40% so với trước đại dịch, thời điểm năm 2019, cho thấy cuộc khủng hoảng chất bán dẫn vẫn chưa được giải quyết.
Công nhân tháo dỡ rác thải điện tử tại một xưởng ở thị trấn Guiyu ở thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc vào năm 2014. Ảnh: AFP
Trong khi đó, một số dấu hiệu về việc nhu cầu hàng điện tử tiêu dùng suy yếu vẫn chưa thể chuyển thành sự cứu trợ cho các nhà sản xuất các sản phẩm và thiết bị sử dụng chất bán dẫn khác.
TSMC, công ty sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, tuần trước đã nhắc lại rằng công suất của họ vẫn còn hạn hẹp trong suốt năm 2022. Một nhà sản xuất chip lớn của Trung Quốc thì đã bán hết công suất vận hành của họ cho đến năm 2023, theo CEO của ASML.
CEO của TSMC, CC Wei, nhấn mạnh những thách thức mà các nhà cung cấp của họ đang phải đối mặt trong cuộc họp báo thu nhập vào thứ Năm tuần trước, nói rằng hạn chế về lao động và chip đã dẫn đến thời gian giao hàng lâu hơn.
Theo nghiên cứu của Susquehanna Financial Group, thời gian chờ đợi giao hàng bán dẫn đã tăng nhẹ trong tháng 3, đạt mức cao mới là 26,6 tuần. Và chưa dừng lại ở đó, các đợt dịch tiếp tục bùng phát ở Trung Quốc cũng như hàng loạt trận động đất ở Nhật Bản vẫn đang tiếp tục cản trở nguồn cung.
Tham khảo SCMP