Triết lý Kyocera của Tỷ phú - Phật tử người Nhật
20/01/2013 14:36 PM
|
Chú trọng đến hạnh phúc nhân viên, một doanh nhân người Nhật đã gặt hái nhiều thành tựu khi truyền cảm hứng sáng tạo, trách nhiệm làm việc trong đội ngũ và chinh phục lòng tin nơi khách hàng.
Ông Kazuo Inamori, người sáng lập tập đoàn điện tử sáng giá Kyocera và nhà cung cấp dịch vụ không dây lớn thứ hai Nhật Bản - KDDI, đồng thời là Phật tử đã tiết lộ chìa khóa thành công của mình. Ông cũng sử dụng chiếc chìa khóa này để tổ chức lại hãng hàng không “ốm yếu” Japan Airlines (JAL).
Ông Kazuo Inamori thành lập Công ty TNHH Koyoto Ceramic vào năm 1959 với số vốn khởi nghiệp 10.000 USD và 28 nhân viên. Ngày nay, công ty (được đổi tên thành Tập đoàn Kyocera) có quy mô trên 65.000 nhân viên và doanh số bán hàng đạt khoảng gần 13 tỷ USD.
Năm 1984, ông tiếp tục thành lập công ty DDI cạnh tranh với “gã khổng lồ” viễn thông NTT. Tính đến nay, nhà cung cấp dịch vụ không dây (được đổi tên thành KDDI) đã có trên 14.000 nhân viên với giá trị vượt quá 30 tỷ USD.
Năm 2010, ông Inamori trở thành người giàu thứ 28 Nhật Bản theo bình chọn của tạp chí Forbes với tổng tài sản ước đạt gần 1 tỷ USD.
Chìa khóa thành công, ông Inamori, được gọi là Triết lý Kyocera, chính là sự thích nghi. Hiện, ông còn đảm trách cương vị CEO Japan Airlines, sau khi hãng này phá sản hồi năm 2010.
“Tôi cho rằng các tập đoàn cần có một triết lý làm nền tảng quản lý. Những triết lý này tác động đến người lao động và hoạt động của công ty. Tư duy đúng rất quan trọng, không chỉ cho nghiên cứu mà còn cho cuộc sống”, ông chia sẻ.
Thay vì chiêu mộ những nhân viên tài năng nhất, ông Inamori khuyến khích lòng trung thành ở người lao động. Ông cho rằng những người làm việc chăm chỉ và có thái độ tích cực có thể khắc phục khiếm khuyết thiếu tài năng.
Được đào tạo là một nhà nghiên cứu khoa học tại Đại học Kagoshima, ông Inamori đã đưa ra thang điểm từ 0-100 cho “khả năng” và “sự nỗ lực” nơi người lao động, song “thái độ” được đo ở mức -100 đến +100. Nói cách khác, “thái độ kém” có thể thừa nhận sự không tồn tại của “nỗ lực” và “tài năng”, còn “thái độ tích cực” có thể cộng hưởng tất cả: Thành công = Thái độ x Nỗ lực x Tài năng.
Mục tiêu của nhà quản lý, theo ông Inamori, không chạy theo lợi nhuận, nhưng phải tạo cơ hội cho sự cải tiến sản phẩm và trí tuệ người lao động, cũng như truyền cảm hứng cho những nỗ lực chung nhằm tạo ra các sản phẩm sáng tạo. Cần liên tục khuyến khích người lao động sáng tạo để làm vừa lòng khách hàng và đóng góp vào sự phát triển của xã hội và nhân loại.
Ở Kyocera, ông Inamori thường xuyên khuyến khích cấp dưới tạo ra những sản phẩm khó, đầy thử thách, trong khi các nhà sản xuất gốm khác từ chối vì tính không khả thi. Ví dụ, Kyocera đã hoàn thành mỹ mãn quá trình cải tiến đối với các sản phẩm gốm dành cho chất bán dẫn của Intel, Texas Instrument, Motorola, Fairchild và nhiều nhà sản xuất chất bán dẫn khác.
Triết lý Kyocera sau này đã được áp dụng với KDDI và bây giờ là JAL.
“Khi bắt tay với KDDI, đồng thời tham gia quản lý JAL, đầu tiên tôi phải thúc ban giám đốc những công ty này đọc và nghiên cứu Triết lý Kyocera. Sau đó, tôi khuyến khích ban điều hành nêu ra các triết lý của riêng họ để có thể áp dụng vào công ty. Cho nên, KDDI và JAL đã sử dụng những triết lý khá tương đồng”, ông nói.
Ông Kazuo Inamori giải thích, Triết lý Kyocera giúp nhân viên của ông hài lòng hơn trong công tác quản lý. Còn Triết lý KDDI cũng tạo ra nhiều tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực mạng di động không dây giá thành thấp mà trước đó nhà cung cấp NTT chưa làm được. KDDI hiện là nhà cung cấp dịch vụ di động lớn thứ hai tại Nhật Bản.
Diệp Vi
Theo Smarter Technology
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!