Doanh nhân - Nhà thiết kế Sỹ Hoàng: “Sống không phải để lại một cái tên..."
08/02/2013 11:45 AM
|
Hơn 20 năm dốc tâm lực cho sáng tạo, hiện nay Sĩ Hoàng và công ty mang tên anh đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng trong làng thời trang Việt Nam.
Sĩ Hoàng từng khởi nghiệp với vai trò là Chủ nhiệm Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh. Nhưng đam mê sáng tạo nghệ thuật đã cuốn hút anh vào vai trò của một nhà thiết kế thời trang. Hơn 20 năm dốc tâm lực cho sáng tạo, hiện nay Sĩ Hoàng và công ty mang tên anh đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng trong làng thời trang Việt Nam.
Sĩ Hoàng còn đó nhiều dự tính, ấp ủ cho hướng đi tìm kiếm ý tưởng sáng tạo từ kho tàng văn hoá dân tộc. Trong hành trình đó, ở đời sống riêng, Sĩ Hoàng lại nhận thấy việc biết thở là quan trọng. Thở mang đến sức sống và động lực sống. Sống không phải để lại một cái tên mà là để lại một giá trị. Mời độc giả cùng chia sẻ điều này qua cuộc trò chuyện của Sĩ Hoàng với Văn hoá Phật giáo Việt Nam.
PV: Thưa anh, với vai trò là một nhà thiết kế, áp lực về sáng tạo đối với anh có nhiều không?
NTK Sĩ Hoàng: Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 1989, tôi đã chọn con đường sư phạm. Nơi tôi công tác đầu tiên là Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, nhưng từ đó đến nay, người ta biết tôi là một nhà thiết kế thời trang nhiều hơn là công việc giảng dạy. Năm 2002, tôi chính thức mở công ty, nên chỉ còn làm giảng viên thỉnh giảng tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Yersin Đà Lạt, Đại học Hoa Sen, gần đây nhất là Đại học Khoa học Tự nhiên. Khi quản lý công ty với vai trò của một doanh nhân, tôi phải học thêm về quản trị kinh doanh. Thực ra, kinh doanh cũng là một nghệ thuật, và nó đã giải tỏa cho tôi một số điều trong cuộc sống.
Với những vai trò như vậy, cộng với gốc là họa sĩ, mới đầu, tôi cũng có cảm giác về áp lực công việc, nhưng sau rồi tôi thích ứng và làm cho các công việc trở nên hài hòa. Công việc tôi làm đều có điểm chung là đáp ứng nhu cầu của mọi người, nên luôn đòi hỏi phải có cái gì đó mới. Cái mới đó chính là căn bản của sự sáng tạo. Tôi nghiệm thêm một điều, người ta hay tách bạch giữa công việc và giải trí, nhưng thực tế ra thì công việc của mình cũng chính là giải trí, vì nó tạo ra cái đẹp, mang lại sự thụ hưởng cái đẹp. Công việc và giải trí đan quyện vào nhau, cộng với niềm đam mê, năng khiếu và sự thành công nhất định, nên tôi cảm thấy không có khó khăn gì nhiều.
Sau này tôi có học thiền và đọc những cuốn sách liên quan về thiền, thành ra cũng biết cách dưỡng thân qua việc tập thở. Qua biểu đồ sinh học, người ta càng lớn tuổi thì sức khỏe càng kém đi, đằng này dường như tôi lại cảm thấy khỏe hơn, mặc dù sắp bước sang tuổi 50. Tôi nghĩ do biết cách dung hòa, và qua những trải nghiệm cuộc sống, tôi đã tự điều chỉnh mình, nên không còn cảm giác về áp lực như trước đây.
PV: Trong mắt bạn bè, Sĩ Hoàng luôn là người muốn mọi thứ phải sang trọng, có văn hóa, còn trong đời sống nội tâm, anh sẽ chia sẻ với mọi người những trải nghiệm gì?
NTK Sĩ Hoàng: Truyền thống gia đình bên nội, bên ngoại tôi đều theo đạo Phật và có một bàn thờ rất là trang trọng. Nhưng suốt thời trẻ, tôi ít đến chùa, nếu đi du lịch hay đi đâu đó có viếng thăm cảnh chùa thì tôi lại nhìn với con mắt của một họa sĩ, xem kiến trúc có đẹp hay không, tượng đắp như thế nào, tức là nhìn một cách thuần nghệ thuật. Nếu có thắp nhang, lạy Phật thì chỉ thuần tâm niệm xin bình an cho tất cả mọi người. Tôi nghĩ, cầu xin thì cứ cầu xin, nhưng Đức Phật chẳng cho ai cái gì mà bản thân người đó không biết cố gắng nỗ lực làm việc.
Khi còn trẻ, tôi rất ấn tượng với những quan điểm sống trong cuốn sách Đắc nhân tâm của Nguyễn Hiến Lê và không hề tin có một thế giới khác nào ngoài thế giới hiện hữu. Nhưng những năm gầy đây, khi tìm hiểu thêm về tôn giáo, đọc sách Hành trình về phương Đông, Sự sống sau cái chết..., và tiếp xúc một số người tìm mộ liệt sĩ khá chính xác, tôi có chuyển biến lớn trong cách nhìn và nghĩ rằng còn có những thế giới khác.
Gian thờ Phật và gia tiên tại Nhà vườn Long Thuận, Q. 9, TP.HCM
Khi sinh hoạt trong Câu lạc bộ Doanh nhân, chúng tôi cũng rất quan tâm đến thiền. Căn bản nhất của thiền là thực tập hơi thở. Năm ngoái, tôi đưa mẹ đi xem văn nghệ mừng Vu lan tại Nhà hát Bến Thành thì được tặng cuốn sách nói về các lý do để ăn chay. Có nhiều lý do ăn chay vì quan niệm của đạo, vì môi trường, vì phát nguyện cầu xin v.v…, nhưng tôi chú ý đến việc ăn chay theo khoa học. Các nhà khoa học chia động vật làm hai nhóm: nhóm ăn thảo mộc có sức bền như trâu, bò, voi, ngựa…; nhóm ăn thịt có sức mạnh như sư tử, hổ, báo, cá sấu…
Nhóm ăn thảo mộc phát triển răng hàm để nghiền những chất xơ và có ruột dài. Nhóm ăn thịt thì mọc nhiều răng nanh để xé thịt và có ruột ngắn hơn. Liên hệ đến con người, tạo hóa đã “xếp” con người vào nhóm ăn thảo mộc, răng hàm nhiều, răng nanh ít, ruột rất dài, nên nếu có nhiều bệnh tật, chẳng qua là do con người chọn cách ăn chưa cân bằng, phù hợp.
Qua các phân tích khoa học như vậy, sau mùa Vu lan năm ấy, tôi ăn chay 7 tháng liền, một điều mà từ trước đến nay chưa bao giờ tôi nghĩ đến. Sau thời gian ăn chay, tôi thấy mình khác hẳn, như được thanh lọc, ngũ quan tinh hơn, cơ thể nhẹ nhàng hơn, sức làm việc không hề đuối. Hiện nay, tôi không ăn chay hoàn toàn, nhưng hạn chế ăn thịt đến mức tối đa.
Tất cả những yếu tố đó cộng lại, tôi thấy đạo Phật hết sức khoa học, nên tâm phục khẩu phục. Bây giờ, tôi đi lễ chùa, vẫn theo thói quen ngắm Phật bằng con mắt mỹ thuật, nhưng có thêm trải nghiệm tâm linh, tâm thành cầu nguyện Đức Phật, như cho con có được tâm trí sáng suốt, thân thể khỏe mạnh để hàng ngày xử lý hết những công việc một cách thuận tình hợp lý, như vậy thôi!
PV: Hàng ngày anh có dành riêng cho mình một khoảng thời gian nào đó để tập thiền không?
NTK Sĩ Hoàng: Hàng ngày, mình làm theo thời khóa như của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, bất kỳ lúc nào và ở đâu ta cũng phải chú ý đến việc thở. Ngay cả trong một số buổi họp hành, nếu cảm thấy mệt mỏi thì tôi tĩnh tâm, điều hoà hơi thở, để giảm những căng thẳng không cần thiết. Câu chuyện của cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thì như nhiều người đã biết, ông bị lao phổi, dung tích thở rất thấp chỉ còn 1 lít thôi, nhưng qua tập thở mà ông sống thọ. Cái gì cũng phải đi từng nấc một, có thể bây giờ tôi mới chỉ dừng ở mức độ thập thiền vì sức khỏe, nhưng rồi dần dần sẽ tiến tới mức độ tâm linh cao hơn.
Tôi mới áp dụng ở mức độ như vậy mà đã thấy sức làm việc khác trước, một ngày vẫn duy trì 16 tiếng, vẫn minh mẫn. Công việc giảng dạy cũng làm hao tổn khí lực nhưng tôi vẫn duy trì sức khỏe tốt từ sáng đến tối. Có những chương trình tổ chức sự kiện, ai cũng đuối sức mà tôi thì vẫn tỉnh táo, và chỉ qua một đêm nghỉ ngơi là lấy lại sức khỏe rất nhanh. Với việc ăn, người ta có thể thiếu thốn cái ăn trong hàng tháng, quá lắm cơ thể chỉ suy nhược thôi, nếu bồi bổ trở lại thì sức khỏe sẽ hồi phục nhanh chóng, nhưng nếu bị ngạt thở từ 3 đến 5 phút là chết, nếu không thì não cũng bị tổn thương rất nặng, sống đời sống thực vật. Cho nên, suy cho cùng, việc thở mới quan trọng nhất.
Khi mở trường tư duy sáng tạo nghệ thuật cho trẻ em, tôi nghĩ phải có một không gian phù hợp, nên tôi quyết định hình thành một không gian Việt, lấy tên là Nhà vườn Long Thuận tại quận 9. Trong suốt 8 năm thực hiện và gắn bó, tôi cho rằng chất lượng không khí thở cộng với phương pháp thở sẽ là điều kiện lý tưởng để cải thiện sức khỏe và tâm trí. Mình chỉ cần thở đúng hay chú ý đến hơi thở thôi thì cảm thấy cơ thể đã có chuyển biến khác hẳn rồi, sau này mà có tập thiền ở các cấp độ khác thì mức độ an lạc cũng sẽ khác nữa.
PV: Được biết, anh có tổ chức định kỳ chương trình “Thân tâm an lạc” tại Nhà vườn Long Thuận, anh có thể nói cụ thể hơn về nhà vườn và chương trình đó không?
NTK Sĩ Hoàng: Tôi mở không gian nhà vườn xuất phát từ tâm niệm suốt hơn 20 năm qua, cộng thêm vào những cơ hội đi thăm và biểu diễn áo dài ở nhiều nước trên thế giới. Sau nhiều lần đi diễn như vậy, tôi nhận thấy đây là cơ duyên tốt để thông qua sản phẩm được trưng bày tại đây, giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc với bạn bè thế giới. Khi nói đến hội nhập, mình không chỉ tiếp thu cái tinh hoa của thế giới mà còn phải biết giới thiệu cái tinh hoa của mình đến với họ nữa. Với nhận thức như vậy, tôi làm việc cẩn trọng và thiết thực hơn, nên khi xây dựng Nhà vườn Long Thuận, tôi ý thức và mong muốn việc ăn, mặc và ở phải hòa quyện vào nhau, không thể tách riêng ra. Kiến trúc tại đây được thiết kế theo phong cách nhà rường miền Trung. Cây trồng, vật nuôi, vật dụng… tất cả đều thuần Việt. Tết vừa rồi, gia đình tôi đã dọn về đây ở.
Cách đây hơn 3 tháng, Công ty Du lịch Hành Hương Việt thấy không gian ở đây thích hợp, nên đã đề nghị với tôi kết hợp tổ chức chương trình “Thân tâm an lạc”. Chương trình đã tổ chức được lần thứ 3. Cụ thể, 13 giờ xe đón tại 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, mỗi lần mời một hoặc vài vị sư thầy dẫn dắt toàn bộ chương trình. Khi lên xe, mọi người được chỉ cách xếp hoa đăng hình hoa sen, đến nơi thì thay quần áo và mặc đồng phục màu xanh lá mạ của nhà vườn. Chủ nhà ra giới thiệu về nhà vườn, tặng cho mỗi người một “túi vô ưu”.
Quý sư thầy hướng dẫn thiền cho mọi người thực tập trong vòng một tiếng, sau đó mỗi người (giấu tên) viết những tâm sự vui buồn của mình bỏ vào túi vô ưu rồi treo lên cây. Sau lễ cầu an, phóng sinh, ăn buffet là buổi trà thiền, trong lúc trà thiền thì mọi người mở “túi vô ưu” bất kỳ, đọc lên cho mọi người chia sẻ, có hát một số ca khúc Phật giáo, và kết thúc bằng lễ thả đèn hoa đăng. Chương trình như vậy tạo cho mọi người cảm giác gần gũi hơn với đạo Phật, với quý thầy, với thiên nhiên và dễ chia sẻ với nhau hơn. Đặc biệt, chương trình “Thân tâm an lạc” còn có sự tham dự của ma-sơ, tín đồ đạo Cao Đài, một số đảng viên, doanh nhân, trí thức…, chứ không chỉ có người Phật tử.
PV: Mọi người trong gia đình anh nghĩ và chia sẻ như thế nào với những công việc mà anh đang làm?
NTK Sĩ Hoàng: Mọi người trong gia đình rất ủng hộ. Ngay từ thời sinh viên, để có thêm thu nhập cho gia đình, tôi cũng hướng dẫn cho mọi người cùng làm các công việc như vẽ áo, vẽ thiệp... Và bây giờ quản lý công ty, trong gia đình ai có khả năng gì thì giữ vai trò của người ấy, người lo về kỹ thuật, người lo đối ngoại, người lo sản xuất, kinh doanh. Cũng có thành viên trong gia đình đi làm chỗ khác, nhưng có điều gì trong công việc thì cả nhà đều có thể ngồi bàn bạc, không bị thúc ép bởi giờ giấc.
PV: Anh đã có thời gian dài sống và làm việc tại Sài Gòn, anh cảm nhận như thế nào về những diễn biến của cuộc sống nơi đây?
NTK Sĩ Hoàng: Năm 1954, gia đình tôi từ miền Bắc di cư vào đây. Tôi được sinh ra, lớn lên và thành đạt trên mảnh đất này, nên Sài Gòn là nơi làm cho tôi gắn bó và yêu thương. Dù đi đâu nhưng khi về tới sân bay Tân Sơn Nhất là tôi có cảm giác được trở về nhà, cảm giác an toàn và bình yên.
Năm 1975, tôi tròn 13 tuổi, nên cũng cảm nhận được không khí của những năm trước đó, rồi những năm quốc hữu hoá, những năm diễn ra chiến tranh Tây Nam, Tây Bắc, rồi thời kỳ đổi mới, thời kỳ phát triển hiện nay. Tôi cảm thấy mình là người hạnh phúc, vì trong một quãng đời mà được chứng kiến nhiều những thăng trầm của đất nước và của nơi mình sinh sống. Thật lòng mà nói là dân mình ở đây sống quá tốt với nhau. Trong quá trình lịch sử của đất nước, không chiến tranh thì lại thiên tai, cho nên người dân ai cũng mong muốn được sống yên lành, từ mong muốn được sống yên lành mà họ tìm cách dung hòa các giá trị. Chữ hòa, chữ yên cộng với tâm tính hiền lành là nét chủ đạo của người dân ở mảnh đất này.
Có thể còn có điều này điều kia không đồng nhau, nhưng người dân đều có ý hướng cho sự vươn lên, phát triển. Tôi có dịp đi ra nước ngoài nhiều lần, tôi thấy người dân mình có nét mặt rất vui, hay cười. Có thể về kinh tế dân mình còn thiếu thốn, nhưng trong lòng họ vẫn luôn có niềm lạc quan để vượt qua những khó khăn tạm thời.
PV: Hiện nay, trong cuộc sống của mình, anh thấy điều gì quan trọng nhất?
"Sống không phải để lại một cái tên mà là để lại một giá trị"
NTK Sĩ Hoàng: Điều quan trọng nhất của tôi, có thể nói một cách hình tượng như con dao cau, phải sử dụng hàng ngày thì mới sắc bén. Bác Trần Văn Khê là hình tượng cho tôi noi theo. Tôi nghĩ, phải đào luyện thật sâu về chuyên môn. Hiểu biết rộng ở các lĩnh vực khác cũng sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho chuyên môn của mình. Suy cho cùng, cuộc đời luôn có giới hạn, nhưng sống có ích cho đời thì giá trị để lại sẽ là vô hạn. Sống không phải để lại một cái tên mà là để lại một giá trị, góp phần vào cái chuỗi giá trị của ông cha mình.
Mình sống thế nào để góp phần vào cái chung ấy, chứ không thể là người bàng quan, hay chỉ biết thụ hưởng của ông cha. Điều quan trọng nhất là mình sống và phải có đóng góp trong lĩnh vực của mình. Có động lực sống thì sẽ biết mình phải làm gì cho cuộc sống. Những mục tiêu tôi đưa ra luôn hướng tới ích lợi cho bản thân, gia đình, các cộng sự và cộng đồng. Làm được như vậy thì cuộc sống nó đẹp, bao nhiêu những khó khăn, tôi nghĩ đó chỉ là tạm thời.
PV: Trong thiết kế, anh đã đưa ra cả một triết lý tạo mẫu, vậy anh có thể nói rõ hơn về điều này được không?
NTK Sĩ Hoàng: Triết lý tạo mẫu mà tôi đưa ra là khai thác sáng tạo từ kho tàng văn hóa dân tộc, gồm cả đạo lẫn đời, cũng như cái đẹp. Có một phóng viên hỏi tôi rằng, từng ấy năm thiết kế, anh đã cạn hết ý chưa, có cảm thấy nản không? Tôi trả lời rằng thiết kế là lĩnh vực mà cả đời tôi, và những người khác có cùng quan tâm khai thác cũng không bao giờ cạn, huống chi chỉ mới làm có ngần ấy năm. Tôi chỉ sợ đến một lúc sức mình không làm nổi, mắt mình không thấy nữa mà thôi. Hiểu vậy, nên bây giờ tôi quan tâm đến thiền, đến hơi thở nhiều hơn, để duy trì sức khỏe về mặt sinh học, nhằm kéo dài và làm cho chất lượng sống tốt hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tôi có thể làm được nhiều nhất cái mà tôi đang mong muốn.
PV: Với vai trò của một doanh nhân thành đạt, anh suy nghĩ gì khi có lời kêu gọi doanh nhân nên biết đầu tư vào văn hóa?
NTK Sĩ Hoàng: Trong một lần trả lời trên truyền hình, tôi nói rằng tôi tin rồi đây đất nước mình sẽ phát triển mạnh và có nhiều người trở nên giàu có, nhưng phải biết làm sao để không biến mình thành một anh trọc phú, văn hóa thấp còi. Nếu phát triển không hài hòa, đồng bộ, thì lúc ấy dù có tiền nhiều đi nữa cũng không thể làm cho văn hóa của mình cao lên được. Đây là một vấn đề rất rõ ràng, cần phải được sớm nhận thức, vì từ Bắc chí Nam, chúng ta thấy xây dựng rất nhiều những cao ốc, trung tâm thương mại, khách sạn, nhưng số lượng về nhà hát, bảo tàng, thư viện, những trung tâm bảo tồn giá trị văn hóa… chưa hề có sự tương xứng.
Thậm chí, hàng chục năm nay, nhà hát giao hưởng từng mua về những nhạc cụ trị giá vài chục tỷ đồng mà vẫn không có nhà hát, dẫn đến tranh cãi mãi. Rõ ràng lĩnh vực văn hoá nghệ thuật vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Nhưng vì sao nghệ thuật vẫn còn được lưu giữ ở nơi này nơi kia? Vì dân mình có ý thức về điều đó, nên nhiều người trong số họ không thụ động ngồi chờ sự quan tâm đến với mình. Lý thuyết thì màu xám, cây đời mãi xanh tươi là như vậy. Trên hay thì dưới nhờ, nhưng trên mà dở thì họ cũng không cam chịu, nên phần nào đời sống vẫn vận động theo chiều hướng tốt. Tôi sống trong lòng đời sống ấy nên tôi mới lạc quan, nếu thoát ra khỏi đời sống đó thì tôi cũng sẽ có cái nhìn bi quan, bế tắc.
PV: Thưa anh, nếu có một ước muốn cho đất nước hiện tại thì anh ước muốn điều gì?
NTK Sĩ Hoàng: Tôi chỉ xin được nói một câu theo kiểu sư phạm, con có ngoan, trò có giỏi là nhờ có nhà trường, cha mẹ và thầy cô gương mẫu. Tôi nói vậy thôi, cảm nhận ra sao thì còn tùy ở mỗi người.
PV: Xin cảm anh đã dành cho Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam cuộc trò chuyện này. Chúc anh sức khoẻ và luôn an lạc!
Thường Trung thực hiện
Văn hoá Phật giáo Việt Nam