Việt Nam - Top 3 nước bị từ chối nhập khẩu thủy sản lớn nhất

21/03/2013 18:03 PM |

Việt Nam nằm trong top ba nước có lượng hàng thủy sản bị từ chối nhập khẩu lớn nhất trên thế giới. Tổn thất tài chính từ các vụ từ chối nhập hàng thủy sản lên tới khoảng 14 triệu USD/năm.

Đây là những thông tin đáng chú ý được đưa ra tại Hội thảo “Đáp ứng tiêu chuẩn - Chiếm lĩnh thị trường: Giải pháp tháo gỡ thách thức đối với chuỗi giá trị thủy sản trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn thương mại quốc tế”. Hội thảo do Bộ NN-PTNT, Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc UNIDO và Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản IDE-JETRO phối hợp tổ chức.

Nghiên cứu mới nhất của Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc cho thấy, xuất khẩu cá và thủy sản của Việt Nam đạt kim ngạch bình quân 4,2 tỷ USD mỗi năm, chiếm khoảng 4% GDP của cả nước. Hơn 4 triệu người trực tiếp làm việc trong ngành thủy sản và khoảng 10% dân số có thu nhập chính từ thủy sản.

Tuy nhiên, thủy sản Việt Nam vẫn nằm trong top nước đứng đầu về số lượng bị từ chối nhập khẩu tại ba thị trường lớn nhất trên thế giới, gồm: EU, Mỹ và Nhật Bản. Ví dụ, chỉ tính riêng thị trường Nhật Bản, trong giai đoạn 2006-2010, đã có tới gần 1.100 trường hợp sản phẩm nuôi trồng của Việt Nam bị trả về.

Trong khi đó, tại Mỹ, có tới hơn 6.300 trường hợp. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn kim loại nặng, dư lượng thuốc thú y và điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Cũng theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, vấn đề chính của ngành thủy sản Việt Nam nằm ở chỗ nông dân thiếu kiến thức về sản xuất an toàn, sử dụng không chọn lựa các sản phẩm đầu vào như thức ăn, thuốc, hóa chất… Môi trường canh tác bị ô nhiễm, nuôi cá tra thâm canh khiến cho dịch bệnh xảy ra nhiều hơn và nguy cơ dư lượng thuốc kháng sinh cũng tăng lên.

Các chuyên gia quốc tế khuyến cáo, Việt Nam nên thiết lập các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và thông tin cho nông dân để họ nắm vững hơn những yêu cầu của thị trường nhập khẩu cũng như sử dụng hợp lý thuốc và hóa chất. Bên cạnh đó, cũng nên có các chính sách hỗ trợ thiết thực đối với các doanh nghiệp để thúc đẩy mở rộng hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị và chất lượng của thủy sản Việt Nam.

Theo Đỗ Thủy

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM