Vì sao người Việt ăn thịt con gì cũng phải nhập khẩu?

30/07/2014 10:33 AM |

Ngành chăn nuôi trong nước đang chịu áp lực rất lớn trước sức ép của việc quá nhiều sản phẩm thịt nước ngoài đang nhập vào thị trường nội địa.

Từ thịt bò, heo, gà... đều tăng cường nhập

Hiện nguồn thịt nhập khẩu gia tăng nên ngành chăn nuôi trong nước đang chịu áp lực rất lớn.

Đơn cử như mặt hàng thịt bò, khảo sát qua các siêu thị Lotte, Co.opmart, Big C...gần như không bán thịt bò truyền thống nữa mà chỉ có thịt bò Úc. Điều đáng nói các sản phẩm thịt bò Úc này giá rất cao.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, trong những tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã nhập 1.431 con heo sống, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó nhập khẩu từ Mỹ chiếm 66,4%, Canada chiếm 31,9%, và Đài Loan chiếm 1,7%.

Thịt trâu bò từ đầu năm đến nay tăng đột biến. Lượng bò sống được cấp phép nhập khẩu về Việt Nam đến ngày 31/5 đã trên 72.000 con, chiếm 13,2% tổng số con bò sống mà Úc bán ra. Nhiều khả năng năm nay Việt Nam sẽ phải nhập đến 150.000 con bò từ Úc để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Ngoài bò sống từ Úc, Việt Nam còn nhập khẩu số lượng lớn thịt bò đông lạnh, trong đó thịt trâu bò không xương là 301 tấn, thịt trâu bò có xương là 14.532 tấn. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay Việt Nam cũng nhập khẩu trâu sống từ Úc qua đường chính ngạch để phục vụ cho việc giết mổ, bán thịt trên thị trường nội địa.

Nhập khẩu thịt gà cũng tăng khá mạnh với 43.000 tấn, trong khi cả năm 2013 nhập khẩu 78.000 tấn. Dự báo thịt gà nhập khẩu có thể chiếm đến 6 - 7% tổng lượng thịt trong nước.

Phản ánh của người nông dân cho thấy, hiện giá thịt gà ngày nào cũng giảm 1.000 đồng/kg.

Theo các chuyên gia trong ngành chăn nuôi, nguyên nhân khiến giá gà công nghiệp đang lao dốc không phanh là do ồ ạt tăng đàn và lượng thịt nhập khẩu về tăng đột biến, chỉ trong hai tháng 5 và 6, có gần 10.000 tấn thịt gà đông lạnh tham gia thị trường trong khi sức mua vẫn rất yếu.

Ngành chăn nuôi tiếp tục gặp khó vì thị trường bị nhập quá nhiều thịt ngoại
Ngành chăn nuôi tiếp tục gặp khó vì thị trường bị nhập quá nhiều thịt ngoại

Thức ăn chăn nuôi cũng nhập - Nông dân lỗ kép

Việc thịt nhập khẩu liên tiếp gia tăng trong nhiều năm nay đã góp phần đẩy ngành chăn nuôi trong nước vào cảnh thua lỗ.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: hiện “Năm 2012, chúng ta phải nhập khẩu 1,3 triệu tấn ngô, khoảng 1 triệu tấn đỗ tương để làm thức ăn chăn nuôi gia súc".

Theo Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong năm 2013 đạt 3,0 tỷ USD, tăng 22,3% so với năm 2012.

Ông Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế, ĐBQH đoàn Thành phố Hồ Chí Minh từng nêu trước Quốc hội rằng: người nông dân Việt Nam đang bị lỗ kép vì sản phẩm làm ra không bán được hoặc bán giá rẻ còn nguyên liệu đầu vào lại phải mua với giá cao.

Theo đánh giá của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, ngành chăn nuôi bị thua lỗ khoảng 27.000 tỉ đồng.

Như vậy sau lúa gạo, các sản phẩm nông sản, đến chăn nuôi cũng đang bộc lộ những khó khăn mà những người trong ngành thừa nhận là: khó có thể vượt qua.

Phải khẳng định, ngành nông nghiệp là trụ đỡ cho nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Trong đó, người nông dân đảm nhận trọng trách giữ vững an ninh lương thực quốc gia. Thế nhưng 'trụ đỡ' này đang thực sự có vấn đề.

Trước đó nhiều đại biểu quốc hội, nhà khoa học từng phản ánh, ngành thức ăn chăn nuôi đang bị các doanh nghiệp nước ngoài thao túng, trong khi nước ta sản xuất nhiều nông sản nhưng không xuất khẩu được hoặc xuất khẩu với giá rẻ.

Hiện thức ăn chăn nuôi phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu, chi phí sản xuất cao, giá thức ăn chiếm 65 – 70% giá thành sản phẩm, chưa kể tình trạng giết mổ thủ công tràn lan, dịch bệnh nhiều.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thừa nhận: "Chăn nuôi là lĩnh vực yếu nhất trong ngành nông nghiệp".

>> 'Phù phép' sữa bột trôi nổi thành sữa... ngoại nhập

Theo Bích Ngọc

anhnt

Cùng chuyên mục
XEM