Vị đắng phòng vé ngàn tỉ
Thua trắng trên sân nhà
Chuyện thành bại của “Lửa Phật” lẽ ra chẳng có gì mà ầm ĩ đến thế, nếu như bản thân nó không phô trương mình như là “phép thử” hùng mạnh nhất trong khả năng hiện có của điện ảnh Việt, cả về kinh phí lẫn dàn sao tham gia.
Cũng như, nếu phim không rơi vào một thời điểm đầy những ngỡ ngàng cay đắng của chính nền điện ảnh đã sinh ra nó: 6 “người anh em” đều chết thảm trước các đối thủ ngoại nhập trong cùng dịp.
Toàn bộ doanh thu của 6 phim Việt chiếu hè gồm: “Biết chết liền”, “Lọ lem Sài Gòn”, “Hit: Hoàng tử & Lọ lem”, “Săn đàn ông”, “Cát nóng”, “Đường đua” chưa đạt tới 15 tỉ đồng, tức chưa bằng một phần tư con số doanh thu xấp xỉ 60 tỉ đồng của bộ phim hoạt hình ăn khách nhất mùa hè “Kẻ trộm mặt trăng 2” do Holllywood sản xuất. Cá biệt, “Cát nóng”, bộ phim duy nhất trong số này do Nhà nước đầu tư, được nói chỉ kiếm được vẻn vẹn…35 triệu đồng.
Điều lạ lùng là những thất bại này không đến trong một mùa phim mà khán giả chán chê đến rạp. Ngược lại, cơn náo nhiệt ngoài phòng vé đã giúp Hollywood liên tục lật đổ những kỷ lục do chính họ đã thiết lập tại thị trường VN trước đó.
Mở đầu mùa hè, “Người sắt 3” lập tức ghi thành tích là phim có doanh thu mở màn cao nhất lịch sử, và trở thành phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại VN khi kết thúc toàn bộ đợt chiếu. Theo sát gót là những kỷ lục dành cho phim 2D và phim hoạt hình do “Fast and Furious 6” và “Kẻ trộm mặt trăng 2” thiết lập.
Câu trả lời của khán giả
Chuyện không có gì lạ nếu trong một mùa phim mà tổng doanh thu phòng vé bùng nổ ở mức kỷ lục nhưng vẫn có nhiều phim lại thất bại. Nhưng sẽ là bất thường nếu toàn bộ số phim được sản xuất cho chính thị trường chiếu bóng nội địa đều nằm trong…danh sách thất bại.
Nếu lựa chọn của khán giả là có lý và là câu trả lời rõ ràng, dứt khoát; thì điện ảnh Việt – nói riêng ở dòng phim được sản xuất để nhắm tới thị trường – đang hiện lên một gương mặt hoặc xấu xí hoặc mang cái đẹp giả tạo và rỗng tuếch.
Nội dung nếu không buông tuồng và sa đà vào những câu chuyện giải trí xàm xí và phản cảm, thì cũng ngây ngô và ngớ ngẩn trong chuyển tải những chủ đề lớn lao và nghiêm túc. Đi kèm theo đó là những phương tiện kỹ thuật nghèo nàn, sáng tạo nghệ thuật không chỉ hạn chế về tài năng mà còn bị trói chặt trong tính toán về chi phí, trình độ nhân lực và mức độ chuyên nghiệp của cả một ngành sản xuất.
Trong khi đó, đối thủ mạnh nhất là Hollywood hiện đã có thể cung cấp cho khán giả những bộ phim có sự thỏa hiệp và thích nghi tối đa với văn hóa địa phương, mà tiên phong là phim hoạt hình, một thể loại thích hợp với mọi độ tuổi. Thành công của “Kẻ trộm mặt trăng 2” đã nằm sẵn trong tính toán giữa nhà phát hành VN và đối tác Hollywood.
Để có ngày phát hành nóng sốt cùng với thị trường Bắc Mỹ, bộ phim hoạt hình bom tấn 3D phần tiếp nói trên được chuẩn bị khâu lồng tiếng Việt 3 tháng trước đó, từ việc chuyển ngữ, Việt hóa kịch bản, tổ chức ê kíp thử giọng, mời ngôi sao lồng tiếng, thu âm…với chi phí khoảng 1 tỷ đồng.
Một thị trường “hướng ngoại”
Phim Hollywood nói tiếng Việt đang có một triển vọng rất lớn khi khắc phục được sự bất tiện của việc đọc phụ đề, làm tăng khả năng doanh thu. Với khán giả, tiến bộ của ngành nhập phim mang lại sự thoải mái trong trải nghiệm điện ảnh. Nhưng trong lúc VN không có hạn ngạch đối với phim nhập khẩu, đây thực sự là mối nguy cho phim nội khi nó tước bỏ ngay cả lợi thế cuối cùng, mà xét cho kỹ đó chính là lý do để người ta bỏ tiền mua vé với chút lòng bao dung: những nhân vật nói tiếng Việt!
Ở một thị trường mà các nhà phát hành lẫn rạp chiếu đều sống nhờ phim nhập khẩu, dễ hiểu vì sao khán giả luôn là những người được dẫn dắt “hướng ngoại” tối đa, trong niềm vinh dự “ở gần bên Hollywood” mà các nhà phát hành cố gắng khơi lên.
Tổng doanh thu phòng vé hàng năm của toàn bộ thị trường được nói đã vượt qua cột mốc một ngàn tỉ đồng vào năm ngoái. Công bằng mà nói, không ít phim Việt cũng được hưởng lợi từ sự bùng nổ của thị trường, khiến các nhà đầu tư mạnh dạn hơn khi chi tiền cho nhà làm phim.
Tuy nhiên, dưới góc độ kinh tế, sẽ thật ngây thơ nếu tin rằng chỉ cần ba chỗ dựa là các khoản đầu tư đang ngày một nhiều hơn + sự ủng hộ của truyền thông và khán giả + chính sách khuyến khích của Nhà nước, sẽ có thể cứu nổi phim Việt trước cuộc chơi nghiệt ngã của thị trường phát hành và chiếu bóng. Đây là phần đầu ra cho phim và là phần quan trọng nhất, tác động ngược lại ngành sản xuất phim.
Trong khi đó, một thực tế đáng tiếc đang diễn ra tại thị trường này, nhiều doanh nghiệp nội địa từng bước mất thế thượng phong trước các đối thủ nước ngoài.
Bài sau: Phòng vé ngàn tỉ: Tiền vào túi ai?
Theo Minh Chánh