Venezuela: Vắng tổng thống, đất nước khan hàng, vì sao?

24/01/2013 19:14 PM |

Ngày càng khó tìm mua nhu yếu phẩm ở Venezuela. Sự khan hiếm này lại có liên hệ đến sự vắng mặt bấy lâu của Tổng thống Hugo Chávez trên chính trường.

Người dân Venezuela đang gặp khó khăn trong việc tìm mua nhu yếu phẩm. Người tiêu dùng phải đỏ mắt mới tìm mua được những thứ như đường, sữa, bột bắp, hay thịt gà.

Đằng sau cơn khan hiếm

“Chúng tôi đang phải dùng thứ này thay cho thứ khác”, Rosa Garcia, một người môi giới địa ốc, cho biết. Bà Garcia đã mất ba ngày để tìm mua thịt ở các vùng ngoại ô khác nhau của thành phố Caracas. “Đầu tiên là không có thịt bò, giờ thì không có thịt gà. Đêm qua tôi phải làm trứng cho gia đình ăn tối”. Ở Venezuela, mua thực phẩm và nhu yếu phẩm hiếm khi là một việc dễ dàng, và người dân thường phải đối mặt với việc phải xếp hàng dài để mua hàng và thỉnh thoảng khan hiếm hàng ở các chợ địa phương. Nhưng vài tuần gần đây, việc tìm kiếm nhu yếu phẩm ngày lại càng khó khăn hơn.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng các doanh nghiệp địa phương đang vật lộn để thoả mãn nhu cầu tiêu thụ đang tăng cao kể từ sau mùa bầu cử năm ngoái, khi chính quyền của ông Chávez tăng nhập khẩu mọi loại hàng hoá trong một nỗ lực thu hút phiếu bầu. Liên minh các ngành nghề tư nhân của Venezuela ước tính trong năm 2012, chi tiêu hàng nhập khẩu ở nước này đã đến mức kỷ lục là 54 tỉ USD. “Sức tiêu thụ đang tăng nhanh hơn sức sản xuất và ngoại tệ thì không sẵn có để nhập khẩu hàng hoá”, giáo sư Balza cho biết.

Ở Venezuela, ngoại tệ được chính phủ kiểm soát về tỷ giá và cung cấp cho các doanh nghiệp thông qua các trị thường hối đoái do chính phủ quản lý. Khi chính sách kích thích nhập khẩu hàng hoá được đưa ra vào cuối năm 2012 để thu hút phiếu bầu, tỷ giá đồng USD đã được chính phủ điều chỉnh khiến hàng nhập khẩu vào Venezuela có giá rẻ hơn, nhưng hàng sản xuất trong nước lại bị kiểm soát về giá.

Tình trạng này cùng với việc Chávez quốc hữu hoá hơn 1.000 doanh nghiệp và tài sản lớn trong thời gian đương quyền đã làm suy giảm hoạt động sản xuất trong nước. Và trong lúc hàng nội địa không đáp ứng nổi nhu cầu thị trường, ngoại tệ lại khan hiếm khiến nguồn hàng nhập khẩu cũng khan hiếm đã gây ra tình trạng khan hiếm hàng hoá trên thị trường Venezuela.

Do ai? Vì ai?

Giáo sư kinh tế của đại học Trung ương Venezuela, ông Ronald Balza nhận xét rằng các vấn đề chính trị giờ có thể chính là các vấn đề kinh tế nghiêm trọng: “Người dân đang mua sắm một cách đầy lo lắng, mua hết những gì họ có thể mua trong thời buổi bất ổn, lo lắng trước khả năng (đồng tiền) mất giá”. Trước tình trạng thiếu thốn dầu ăn và đường trong một siêu thị ở phía đông Caracas, bà nội trợ Maria González quy kết: “Đó là do chính phủ”.

Các chỉ trích nhắm vào chính quyền Chávez cho rằng khủng hoảng đồng USD sẽ còn làm phức tạp thêm tình hình kinh doanh vốn đã có quá nhiều khó khăn với phần lớn các trường hợp đóng cửa doanh nghiệp là trong khu vực sản xuất thực phẩm. 

Các báo cáo về thị trường do Ngân hàng Trung ương Venezuela phát hành cho biết vào tháng 12.2012 tình trạng khan hiếm hàng hoá đã tăng đến mức cao nhất trong bốn năm qua. Tuy nhiên chính phủ đổ lỗi cho doanh nghiệp về tình trạng khan hiếm này, và đã triển khai một chiến dịch toàn quốc, trừng trị những kẻ đầu cơ tích trữ hàng hoá. Bộ trưởng bộ Lương thực Carlos Osorio cho rằng: “Cánh hữu cực đoan và vô trách nhiệm muốn kìm giữ dân chúng trong tình trạng lo lắng thường trực và vì vậy họ đang tiến hành một chiến dịch gây khan hiếm”.

Vào hôm 12.1 chính phủ đã tuyên bố quốc hữu hoá một nhà máy sản xuất nước ngọt Pepsi ở bang Vargas sau khi phát hiện 8,5 tấn đường trong kho hàng của nhà máy này, cho dù doanh nghiệp đa quốc gia giải thích rằng số đường này là dùng cho hoạt động sản xuất trong 13 ngày. 

Các nhà phân tích cho rằng việc này sẽ giúp có thêm đường đặt trên các kệ hàng trên khắp đất nước trong ngắn hạn, nhưng là một cách thức không bền vững về lâu về dài. Theo chuyên gia kinh tế José Luis Saboin của tổ chức tư vấn chính sách Ecoanalitica ở Caracas, việc điều chỉnh các biện pháp kiểm soát đồng USD của Venezuela bị trì hoãn là vì Tổng thống Chávez vẫn còn nằm trên giường bệnh. 

“Không ai biết khi nào và làm như thế nào chính phủ thực hiện việc điều chỉnh, vì không ai biết tổng thống có trở lại không”, ông Saboin nói. Ông Chávez đã không xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng hay ngoài xã hội từ đầu tháng 12 năm ngoái.

Theo TRÀ SƯƠNG 
Sài Gòn tiếp thị/CHRISTIAN SCIENCE MONITOR

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM