Trả giá đắt vì tổ chức sự kiện thể thao không đúng thời điểm
28/03/2014 07:12 AM
|
Nội dung nổi bật: Lời cảnh tỉnh cho Việt Nam với việc đăng cai Asiad 2019
- Năm 2012, Ba Lan - Ukraine đồng tổ chức Euro, Ukraine lỗ 16 tỷ USD, Ba Lan lỗ 25 tỷ USD. Riêng Ukraine trượt dốc từ hạng 134 xuống hạng 151 trên bảng xếp hạng tình trạnh minh bạch tài chính của thế giới.
- Năm 2011, Kazakhstan đăng cai Á vận hội mùa đông, lỗ 1,6 tỉ USD. Trong đó, Ủy ban kiểm toán Kazakhstan cho biết, số tiền gian lận tài chính đến hơn 67 triệu USD.
- Năm 2004, Hi Lạp tổ chức Olympic mùa đông. Sau kỳ Olympic, số lỗ lên đến 15 tỉ USD, 40% số khách sạn đã bị phá sản.
Lợi ích lâu dài mà những quốc gia đăng cai các sự kiện thể thao lớn nhắm đến luôn nằm ở sự phát triển du lịch cũng như các giải đấu thể thao sau đó của họ. Nhưng các quốc gia đang trong tình trạng khó khăn thường không đạt được mục đích này.
Các quan chức có trách nhiệm của những nước chủ nhà các sự kiện thể thao lớn như Olympic, Asiad, Euro... đều rất giống nhau về một việc, đó là cho rằng sự kiện sẽ nâng cao vị thế của quốc gia đăng cai trong nhiều phương diện, đặc biệt là kinh tế.
Nhưng trong một bài báo nghiên cứu năm 2012, giáo sư Ekaterina Romanchuk của Đại học Bộ Tài chính Liên bang Nga đã chỉ ra điều này hoàn toàn không đúng với những đất nước đang trong giai đoạn kinh tế khó khăn.
Tuổi Trẻ xin lược dịch bài báo nghiên cứu của bà Ekaterina Romanchuk (Long - term effects estimation of mega - sport events on hosting countries with transition economies) như một lời cảnh tỉnh cho VN với việc đăng cai Asiad 2019.
Giáo sư Romanchuk đưa ra nhận định trên dựa vào thống kê về nền kinh tế của các quốc gia Ba Lan - Ukraine (tổ chức Euro 2012), Kazakhstan (Á vận hội mùa đông 2011) và Hi Lạp (Olympic 2004). Cụ thể theo thống kê, khoản lỗ mà các quốc gia trên phải chịu cho những lần tổ chức các sự kiện thể thao của mình lần lượt là 16 tỉ USD với Ukraine, 25 tỉ USD với Ba Lan, 1,6 tỉ USD với Kazakhstan và 15 tỉ USD với Hi Lạp.
Chủ yếu các khoản kinh phí này xuất phát từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển những dịch vụ du lịch. Lợi ích lâu dài mà những quốc gia đăng cai các sự kiện thể thao lớn nhắm đến luôn nằm ở sự phát triển du lịch cũng như các giải đấu thể thao sau đó của họ. Nhưng các quốc gia đang trong tình trạng khó khăn thường không đạt được mục đích này.
Không dễ để phát triển du lịch
Theo thống kê từ lịch sử các kỳ Olympic, nguồn lợi tức thu được từ khách du lịch thường không được như mong muốn của các nước chủ nhà.
Nguyên nhân được đưa ra là bởi sự sụt giảm lượng khách du lịch thường niên khi nhiều người e ngại những tình trạng quá tải giao thông, mất trật tự của các kỳ đại hội thể thao và đã hủy bỏ kế hoạch du lịch của họ. Đó cũng là vấn đề mà Kazakhstan và Hi Lạp đã phải đối mặt khi tổ chức Á vận hội mùa đông 2011 hay Olympic Athens 2004.
Không những vậy, thu nhập từ du lịch với các quốc gia này cũng chẳng tăng lên bao nhiêu sau khi tổ chức các sự kiện thể thao. Sự tăng vọt giá cả xăng dầu, khách sạn lẫn ô nhiễm khiến nhiều người e ngại đến du lịch ở các quốc gia này và gây ra hậu quả cho ngành du lịch.
Thường những quốc gia có nền kinh tế vững vàng sẽ kiểm soát được các vấn đề này, với thành công của ngành du lịch Hàn Quốc sau World Cup 2002 là một minh chứng tiêu biểu. Còn với Hi Lạp đang trong hoàn cảnh khó khăn, kỳ Olympic 2004 chỉ càng khiến họ trở nên suy kiệt.
Bên cạnh đó, các sự kiện thể thao lớn thường chỉ tạo ra một cú hích, còn muốn phát triển du lịch thể thao thật sự cần đến những hoạt động mang tính lâu dài. Sau khi kết thúc các kỳ Euro 2012 hay Á vận hội mùa đông 2011, ngành du lịch thể thao ở Ba Lan, Ukraine và Kazakhstan hầu như không phát triển, vì họ chưa có kế hoạch tổ chức những sự kiện thể thao nào khác trong tương lai.
Những công trình lãng phí
Sau du lịch, việc xây dựng, nâng cấp các sân vận động cũng được kỳ vọng sẽ nâng tầm vóc thể thao của các quốc gia đăng cai. Nhưng nếu không có sự tính toán hợp lý, điều này lại thường gây ra lãng phí như trường hợp của Ba Lan và Ukraine. Để phục vụ Euro 2012, Ba Lan và Ukraine đã xây dựng và nâng cấp một loạt sân vận động mới lên tầm sức chứa 40.000-50.000 chỗ ngồi.
Nhưng thống kê về lượng khán giả của giải vô địch bóng đá tại Ba Lan và Ukraine trước và sau Euro, lượng khán giả đến sân mỗi trận của họ chỉ là khoảng 7.000 với Ba Lan và 10.000 với Ukraine. Tức những sân vận động khổng lồ này đã không được tận dụng đúng mức khi Ba Lan và Ukraine không có được những đội bóng danh tiếng như tại Anh hay Tây Ban Nha, những quốc gia đã tận dụng thành công việc nâng cấp sân vận động trong các kỳ Olympic 2012 và 1992.
Những khách sạn mọc lên nhưng sớm phá sản cũng trở thành một sự lãng phí khác. Người ta thống kê được sau các kỳ Olympic mùa đông 1994 ở Na Uy và Olympic 2004 ở Hi Lạp, 40% số khách sạn đã bị phá sản.
Trong khi đó, nạn tham nhũng lại trở thành một nỗi nhức nhối đặc biệt sau mỗi lần tổ chức đại hội thể thao. Theo công bố của Ủy ban kiểm toán Kazakhstan, họ đã bị gian lận tài chính đến hơn 67 triệu USD sau kỳ Á vận hội mùa đông 2011.
Còn trong quá trình chuẩn bị cho Euro 2012, Ukraine trượt dốc từ hạng 134 xuống hạng 151 trên bảng xếp hạng tình trạnh minh bạch tài chính của thế giới. Nạn tham nhũng này còn gây nên những hệ lụy khác trong chính trị.
Theo Huy Đăng
Theo Tuổi Trẻ
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!