Thị trường trung tâm tiệc cưới: Cuộc đấu phù hoa

05/12/2014 18:00 PM |

Cả ba tên tuổi lớn trong lĩnh vực nhà hàng, trung tâm tiệc cưới (TTTC) gồm Đông Phương Group, Phú Quý Corp. và Ben Thanh Land (thuộc Tổng Công ty Bến Thành) đều mở rộng quy mô.

Sự khan hiếm mặt bằng ở những vị trí đắc địa càng khiến những dự án mới khó khăn hơn trong sự cạnh tranh quyết liệt của nhiều đối thủ cùng lúc. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư ngoại cũng đang nhòm ngó thị trường hấp dẫn này, khiến cuộc đối đầu trong TTTC ngày càng gay gắt.

Thử nghiệm 5 sao

Các doanh nghiệp lớn trong ngành tiệc cưới đều thận trọng trong việc chọn vị trí, phân khúc và mô hình cho các dự án chuẩn 5 sao.

Những ngày cuối năm, các TTTC bước vào giai đoạn kinh doanh cao điểm nhưng những doanh nghiệp (DN) lớn vẫn từng bước thực hiện chiến lược định vị thương hiệu và mở rộng thị phần.

Ngay như Ben Thanh Land, hiện đang sở hữu 4 TTTC (trong đó có 1 TTTC "4 sao" là Riverside Palace, Bến Vân Đồn, Q.4) tại TP.HCM cũng đang thử nghiệm phân khúc 5 sao với TTTC nằm ngay mặt tiền dự án Viettel Complex (đường Cách Mạng Tháng 8, P.12, Q.10, TP.HCM). Đây là phần mặt bằng mà Bến Thành thuê lại của Viettel trong thời hạn 30 năm, với chi phí đầu tư trên 400 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc Ben Thanh Land, chia sẻ, phát triển TTTC ở khu vực trung tâm TP.HCM hiện không đơn giản. Trước hết là chi phí đầu tư khá lớn, chỉ tính riêng chi phí xây dựng, đầu tư thiết bị đã ở mức 16 - 18 triệu đồng/m2, chưa kể tiền thuê đất.

Hơn nữa, việc tìm kiếm được mặt bằng lớn, với thời gian hoạt động dài hạn là điều khiến các chủ đầu tư đau đầu, nếu không nói đây là yếu tố cốt lõi để cạnh tranh bên cạnh chiến lược giá.

Theo các công ty tư vấn bất động sản (BĐS), mặt bằng phục vụ lĩnh vực TTTC hiện nay "đếm trên đầu ngón tay", nếu có thì đa phần thuê lại của các công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng do quỹ đất còn tương đối nhiều.

Điều này được minh chứng qua trường hợp của TTTC White Palace (Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận). Đây là trung tâm do Công ty Phú Quý (nay là Công ty CP Tập đoàn Phú Quý) điều hành nhưng chủ đầu tư là Công ty Sản xuất - Thương mại - Xuất nhập khẩu Tây Nam (thuộc Quân khu 7).

Dù chỉ quản lý hai TTTC (Sinh Đôi đi vào khai thác năm 1997) nhưng Trung tâm Hội nghị Tiệc cưới White Palace từ trước đến nay được định vị là thương hiệu cao cấp "một mình một chợ", thuộc trục đường "tiệc cưới" Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi (Q. Phú Nhuận), là nơi tổ chức các sự kiện lớn về kinh tế, cũng như nơi tổ chức lễ cưới của các nhân vật nổi tiếng. Bên cạnh White Palace, chỉ tính riêng hai trục này đã có khoảng 5 TTTC lớn nhỏ.

Tuy nhiên, thế độc tôn của White Place liệu có bị phá vỡ khi trong năm 2015 sẽ xuất hiện thêm một TTTC cao cấp nằm trên đường Hoàng Văn Thụ?

Ông Bùi Thanh Lương, Giám đốc Điều hành Đông Phương Group - đơn vị đang điều hành 7 TTTC (4 trung tâm mang thương hiệu Le Đông Phương, phân khúc trung cấp và 3 trung tâm cao cấp mang thương hiệu Adora) tiết lộ, năm 2015, Đông Phương Group sẽ đưa TTTC Adora Hoàng Văn Thụ vào khai thác.

Khi được hỏi, tại sao chọn cách bước vào "đại dương đỏ” mà không tìm địa điểm khác để giành thế thượng phong, đại diện Đông Phương Group cho rằng, việc chọn địa điểm Hoàng Văn Thụ, Công ty cũng xác định sẽ có sự cạnh tranh gay gắt nhưng lại tiết kiệm được ngân sách marketing vì khách hàng thường có tâm lý không quyết định chọn đặt tiệc khi chỉ mới vào duy nhất một trung tâm.

"Khách có thể qua TTTC Tân Sơn Nhất, Diamond Palace, White Palace và vào Adora Hoàng Văn Thụ để so sánh giá một cách thuận tiện vì nằm trên cùng trục đường, điều này giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí từ 2,5 - 3%/tổng doanh thu", ông Lương phân tích.

Cũng nằm trong chiến lược phát triển 10 trung tâm Adora, trong năm tới, Đông Phương Group sẽ ra mắt trung tâm Adora thứ 5 trên đường Tôn Thất Tùng (Q.1).

Giải thích nguyên nhân phát triển dự án ở khu vực này, ông Lương cho biết, hầu hết các TTTC cao cấp ở Q.1 đều nằm trong ballroom của các khách sạn 5 sao. Tuy nhiên, giá đặt tiệc thường khá cao, do đó, đây sẽ là khoảng trống để những DN phát triển TTTC cao cấp khác chen chân.

Nói về trường hợp Đông Phương Group, với việc sở hữu 7 TTTC, DN này có thể điều tiết được giá cả đầu vào, đặc biệt là nguyên liệu chế biến. Liên quan đến vấn đề này, đại diện Đông Phương Group dẫn chứng, đối với những ngày cao điểm, hệ thống TTTC của Đông Phương Group có thể lên tới 4.000 bàn, tương đương 40.000 thực khách.

Theo đó, chỉ với món cá bống mú thì sẽ có tới hơn 4 tấn cá được tiêu thụ, chưa kể các món khác. "Điều này giúp chúng tôi tiết giảm được chi phí với nhà cung cấp dù chất lượng vẫn đảm bảo nên việc bán ra mang tính chất chia sẻ hơn với khách và chúng tôi xem đây là lượng khách tiềm năng, giúp kiếm thêm nhiều khách nữa", ông Bùi Thanh Lương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong cuộc đua "5 sao" này không phải mọi thứ chỉ dừng lại ở vị trí và chiến lược giá. Bởi các TTTC thường kinh doanh theo mùa, cho nên mức chi phí để duy trì trong những mùa thấp điểm luôn là bài toán với doanh nghiệp (DN).

Ngay như vào thời điểm tháng 7 Âm lịch, định phí lương có khi chiếm đến vài chục phần trong trong chi phí. Thu ít, chi nhiều, buộc các DN phải có hướng đi phù hợp, nếu chỉ đơn thuần kinh doanh một dịch vụ sẽ rất khó để thu hồi vốn.

Do đó, doanh thu của các TTTC lớn hiện nay thường đến từ hai nguồn: tổ chức tiệc cưới và hội nghị. Điển hình, trong tổng doanh thu của Bến Thành Group thì 70% là từ tiệc cưới và 30% là hội nghị. Được biết, doanh thu bình quân năm của mỗi TTTC do Bến Thành quản lý dao động từ 100 tỷ đồng trở lên.

Nguồn thu của Đông Phương Group cũng đến từ chủ yếu từ hai dịch vụ này. Trong đó, thương hiệu Le Đông Phương đóng góp 40% còn Adora chiếm đến 60% trong tổng doanh thu của DN.

Song, phía Đông Phương cũng tiết lộ, trong tương lai sẽ có sự hoán đổi công năng giữa hội nghị, cưới, yến tiệc và bán lẻ ở một số trung tâm. Cụ thể, với Adora Tôn Thất Tùng sẽ được phát triển theo mô hình TTTC, tổ hợp giải trí, nhà hàng bán lẻ.

Còn về phía Phú Quý, dù xác định mục tiêu là đi theo dòng cao cấp nhưng hiện nay, với công trình mới GEM Center (Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, thuê đất của Công ty Hacota), Phú Quý lại chỉ được phép khai thác công năng hội nghị, đây cũng là điểm bất lợi trong bài toán kinh doanh của DN dù trung tâm này có quy mô về tầng cao.

 

Điểm bão hòa

Song song với các thương hiệu lớn có thâm niên trong ngành kinh doanh TTTC, nhiều DN trong và ngoài nước tìm cách thâm nhập thị trường bằng nhiều hình thức khác nhau. Điều này tạo nên "độ nóng" nhất định cho thị trường trong vòng 2 - 3 năm tới.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượng TTTC mới gia nhập thị trường khá lớn, mà theo cách nói của những người trong ngành là "nhà nhà, người người làm kinh doanh tiệc cưới". Khảo sát sơ bộ đến tháng 11/2014, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 146 TTTC lớn nhỏ (với giá từ 1,8 triệu đồng/bàn trở lên) đáng kể nhất là khu vực Q.1 với khoảng 20 TTTC.

Trong khi đó, những quận không nằm ngay trung tâm như Gò Vấp, Tân Phú lại dẫn đầu về phân khúc TTTC trung cấp, bình dân, với nhiều tên tuổi như Hương Phố, Vườn Cau...

Trung bình từ năm 2010 đến nay, đã có hơn 38 TTTC gia nhập thị trường, đỉnh điểm là năm 2012 với 11 trung tâm ra đời. Cũng kể từ năm 2013, thị trường TTTC chứng kiến nhiều DN "ngoại đạo" nhảy vào để tìm kiếm lợi nhuận từ miếng bánh béo bở này.

Ngay tại hội nghị cổ đông thường niên 2014 của Công ty CP Bất động sản Phát Đạt, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, Phát Đạt đang nhắm đến các lĩnh vực mang về lợi nhuận nhanh chóng, trong đó có đề cập đến việc đầu tư TTTC tại khu đất ngay Nhà sách Nguyễn Văn Cừ (trước đây) ở Q.1. Dự kiến, trung tâm này sẽ khai thác vào năm 2015.

Tuy nhiên, đối với những DN gắn bó với ngành công nghệ tiệc cưới thì bài toán thu hồi vốn kinh doanh khi đầu tư TTTC không hề đơn giản. Ông Nguyễn Cao Trí chia sẻ, tùy vào quy mô đầu tư cũng như chiến lược kinh doanh mà dự án có thời gian thu hồi vốn ngắn hay dài.

Trước đây, giai đoạn 2007 - 2008, đôi khi DN chỉ cần 3 năm là hoàn vốn nhưng nay phải nói đến 5 - 7 năm vì xuất hiện quá nhiều TTTC. "Cái khó khi kinh doanh ở thị trường Việt Nam là thấy người ta làm có lời, mình cũng đi vào mà chưa tính đến nhu cầu thị trường. Chẳng hạn, hiện nay ở các khu vực như Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh,... TTTC đã bão hòa", ông Trí nói.

Quả thực, dù cưới hỏi cũng là nhu cầu thiết yếu của người dân nhưng không phải ai mở ra TTTC cũng cầm chắc phần thắng, thậm chí là có tiềm lực về tài chính.

Điển hình như trường hợp của Nhà hàng Gió và Nước trước đây, dù có sự tham gia của đối tác Nhật Bản nhưng cuối cùng việc kinh doanh TTTC vẫn không đạt kết quả như mong muốn mà nguyên nhân chính là không am hiểu về tâm lý, văn hóa khách hàng địa phương.

Ngoài ra, cái khó trong phát triển TTTC hiện nay theo các DN là chi phí đầu vào lớn. Theo đó, chi phí đầu tư trung tâm dao động từ 100 - 500 tỷ đồng, lãi suất ngân hàng cho vay lĩnh vực này đang ở mức 10 - 12%/năm, trong khi nhiều trung tâm nhỏ ra đời là tiền để của cạnh tranh về giá.

Đó là chưa kể đến các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc cũng đang ráo riết săn mặt bằng, hợp tác với các đối tác địa phương để chen chân vào thị trường.

Chính điều này đã đặt ra cảnh báo về tình trạng "bội thực TTTC", nếu không nói là lặp lại bài toán của thị trường bất động sản. Do thị trường bộc lộ nhiều điểm đáng "báo động" nên về phía Ben Thanh Land, thay vì giữ kế hoạch phát triển 10 TTTC trong 5 năm (kể từ 2012) thì đến nay, DN này chỉ phát triển 6 TTTC.

Trong khi đó, theo ông Bùi Thanh Lương, năm 2013, 89% dân số tại TP.HCM có thu nhập 4,5 triệu đồng trở lên, nên bắt buộc người ta phải lựa chọn những dịch vụ cưới hỏi, hoàn hảo hơn với chi phí vừa phải.

Do đó, việc định vị thương hiệu, xây dựng mức giá hợp lý và tái đầu tư, nâng cấp liên tục chất lượng hệ thống là điều mà bất kỳ nhà phát triển TTTC nào muốn tồn tại cũng phải chú ý.

Theo chia sẻ từ cá nhân ông Lương, có thể, trong vòng vài năm tới, thị trường TTTC sẽ có sự hiện diện của các nhà đầu tư ngoại thông qua con đường mua bán - sáp nhập những chuỗi TTTC lớn.

>> Chi 100 triệu thuê mặt bằng tổ chức tiệc cưới ở dinh xưa

 

Theo NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU

Cùng chuyên mục
XEM