Thị trường bia Việt: Đã đủ mặt tất cả anh tài thế giới
Đã vậy, bia rượu lại là lĩnh vực không được khuyến khích kinh doanh nên mặc dù trong 10 năm qua, tốc độ tiêu thụ bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200%, hiện nay đã cán mức 3 tỷ lít, nhưng kinh doanh bia đang ngày càng khó khăn do cạnh tranh khốc liệt và mức cung hiện nay đã vượt cầu 10%.
"Một khó khăn nữa là thị trường bia đòi hỏi chi phí quảng cáo và marketing rất cao, nhưng doanh nghiệp trong nước lại bị khống chế tỷ lệ chi phí quảng cáo không quá 10% nên bị thua thiệt hơn các công ty nước ngoài", ông Tuấn cho biết.
Cũng do sức ép cạnh tranh, không đủ năng lực sản xuất nên mới đây, Nhà máy Bia Phú Yên đã phải bán cho Tập đoàn Masan với giá 12 triệu USD. Hãng bia Carlsberg của Đan Mạch muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại Habeco lên 30%, sau khi đã thâu tóm hoàn toàn bia Huda.
Theo các chuyên gia marketing, với đối tác là một tập đoàn có nguồn tài chính dồi dào, tham vọng bành trướng trong lĩnh vực đồ uống, các công ty bia không thể không quan ngại về mức độ ảnh hưởng thị trường của họ đối với thương vụ mua bán này. Các công ty bia nước ngoài có thể hạ giá bán đến mức tối đa, thậm chí có thể chịu lỗ để giành thị phần.
Với AB InBev, theo suy luận của giới chuyên môn, chắc chắn những năm đầu, hãng này không đặt ra mục tiêu lợi nhuận mà từ từ thâu tóm thị phần của các công ty bia hàng đầu ở Việt Nam. Sau đó, với lợi thế tài chính, họ sẽ phát triển những sản phẩm ở phân khúc bên dưới, gây sức ép lên những hãng bia khác.
Theo thống kê của các công ty nghiên cứu thị trường, Việt Nam có hơn 20 nhà máy bia đạt công suất trên 20 triệu lít/năm, 15 nhà máy có công suất lớn hơn 15 triệu lít/năm, và có tới 268 cơ sở có năng lực sản xuất dưới 1 triệu lít/năm. |
Dù có thị trường khá vững nhưng các doanh nghiệp vẫn lo ngại về sự xuất hiện quá mạnh của bia nhập khẩu cũng như sự xuất hiện của những tên tuổi lớn như AB InBev. Tuy nhiên, ông Tuất nhận định: "Sẽ không dễ dàng để các hãng bia nước ngoài thành công ở Việt Nam.
Khó khăn hơn cả là làm sao thay đổi được thói quen người tiêu dùng khi họ vốn chỉ dùng những sản phẩm đã quen dùng". Thực tế cũng cho thấy, đã có nhiều hãng bia tham gia thị trường Việt Nam, dù bỏ ra khá nhiều kinh phí quảng cáo nhưng cuối cùng đã phải ra đi như Fosters, Zorok...
Mặc dù vậy, áp lực thị trường buộc các công ty bia trong nước liên tục đầu tư cho nhiều mảng phân khúc khác nhau. Cụ thể năm 2012, để bịt lỗ hổng phân khúc bia cao cấp, cạnh tranh với Heineken, Sabeco đã tung ra hai sản phẩm mới là bia lon Saigon Special và bia lon Saigon Lager.
Một chuyên gia marketing trong ngành bia cho rằng, ngoài đầu tư, các hãng bia cũng đang đổ tiền marketing tài trợ cho các giải bóng đá phong trào, bóng đá cộng đồng. Chẳng hạn trước đây, trong giai đoạn thăm dò thị trường, thương hiệu bia Budweiser đã chi hàng tỷ đồng để tổ chức chương trình "Thưởng thức cúp FA cùng Budweiser" để người tiêu dùng Việt Nam để ý tới nhãn hiệu Budweiser.
Đầu năm 2013, Budweiser đã tài trợ chính của giải đấu bóng đá có tên "Budweiser 6V6 2013" với quy mô lớn ở TP.HCM, tổ chức giải bóng đá phong trào rồi chọn đội vô địch đưa sang Anh thi đấu giao lưu.
Larue cũng tổ chức giải bóng đá phong trào rộng khắp cả nước với hơn 1.000 đội tham dự. Bia Sài Gòn đã chi 1,5 tỷ đồng để tài trợ cho giải bóng đá mini toàn quốc 2013. Trước đó, Tiger Beer đầu tư số tiền lớn tổ chức Tiger Cup tại Đông Nam Á.
Theo Lữ Ý Nhi