Số phận Dương Chí Dũng khiến sếp tập đoàn lo sợ

10/01/2014 09:07 AM |

Năm Quý Tỵ khép lại là một năm buồn của Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Lỗ, nợ gia tăng, lương thưởng siết chặt, ầm ĩ đại án tham nhũng... Trong khi đó, tiến trình tái cơ cấu lại ì ạch.

Sếp lớn: Đại án và đại họa

Cái mác hoành tráng, hào nhoáng về Tập đoàn kinh tế Nhà nước ngày nào giờ đây đang bị tổn thương nghiêm trọng.

Năm 2012 còn chưa nguôi ngoai đại án Vinashin (Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) thì năm 2013, câu chuyện tập đoàn còn nóng bỏnh hơn bởi đại án tham nhũng ở Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Giữa tháng 12/2013, cáo buộc tội danh tham ô và Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng và nguyên Tổng giám đốc Mai Văn Phúc đã bị tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên án sơ thẩm ở mức cao nhất- tử hình. Cùng đó, nể tình bằng hữu, muốn được tư lợi riêng, 17 cán bộ cấp dưới ở Vinalines, cán bộ ngành hải quan, rồi ngành công an đã bị sa vòng lao lý theo ông Dũng với án tù được tuyên từ vài năm đến 20 năm.

Vụ án liên quan đến dự án xây dựng nhà máy sữa chữa tàu biển phía Nam vào năm 2007. Từ một chiếc ụ nổi 83M cũ kỹ, hư hỏng nặng có giá hơn 2 triệu USD, những người đứng đầu Vinalines đã phù phép nâng giá đầu tư lên 19,5 triệu USD. Con số này tiếp tục tăng lên 24 triệu USD vào năm 2012 mà vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Đến nay, khối tài sản trên chỉ là đống sắt vụn han gỉ, đang gây ô nhiễm môi trường trên biển.

Trong thương vụ này, vốn Nhà nước thiệt hại 366 tỷ đồng, còn ông Dũng, ông Phúc thì đút túi ăn riêng mỗi người 10 tỷ đồng.

Thế mà trước đó chỉ 2 năm, Vinalines cùng Tập đoàn Dầu khí (PVN) được giao việc chia sẻ trách nhiệm “cứu” Vinashin.

Trước đó, năm 2012, nguyên chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình đã bị tuyên án 20 năm tù, cùng 8 cán bộ lãnh đạo khác trong Vinashin phải khăn gói quả mướp ngồi nhà đá. Tổng mức gây thiệt hại cho Nhà nước của các vị này lên tới 910 tỷ đồng mà chủ yếu do thương vụ mua tàu cũ kỹ lạc hậu Hoa sen. Con số này còn gấp 2,4 lần so với con số thiệt hại ở vụ án Vinalines.

Tuy chưa đến mức khởi tố hình sự nhưng chuyện những vị lãnh đạo của những đầu tàu kinh tế bị kỷ luật không phải là ít.

Năm 2009, dư luận ồn ào khi đương nhiệm chủ tịch HĐQT Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam ông Đoàn Văn Kiển đã buông lỏng quản lý, cho em trai khai thác than trái phép. Kết quả, ông Kiển bị thôi chức.

Kế nữa, ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng bị thôi chức khi để xảy ra tình trạng thua lỗ hơn 1.000 tỷ trong việc lấn sân sang làm viễn thông cùng nhiều sai phạm khác trong quản lý.

Ngoài ra, Chủ tịch Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn Nguyễn Bá Thi và TGĐ Nguyễn Quang Minh cũng vừa bị “cách chức” vì để xảy ra tình trạng đấu đá, mất đoàn kết nội bộ…

Vụ đại án tham nhũng gây rúng động mạnh trên cùng với hàng loạt vụ việc nhức nhối trong các Tập đoàn, Tổng công ty đã như cú nock- out mạnh, hạ gục lòng tin và hi vọng của người dân vào lực lượng kinh tế được coi là đầu tàu và chủ đạo này.

Tập đoàn và khối nợ

Cho đến nay, các Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) Việt Nam vẫn mang nhiều điều tiếng từ: kém hiệu quả, lỗ và nợ cho đến tham nhũng...

Cuối tháng 11/2013, Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo tới Quốc hội bức tranh cập nhật về khu vực này.

Theo đó, chỉ có 105 Tập đoàn, Tổng công ty nhưng tính đến hết năm 2012, đã ôm khoản nợ khổng lồ lên tới 1,35 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 80% tổng nợ của DNNN. Lỗ lũy kế cũng đã lên tới con số 29.000 tỷ đồng.

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của nhóm doanh nghiệp này là 1,46 lần. Tuy nhiên, có tới 48 Tập đoàn và Tổng công ty đã vượt xa ngưỡng an toàn vốn với tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Đứng đầu là Lilama- Tổng công ty Lắp máy Việt Nam nợ 53,19 lần, TCT Xây dựng Bạch Đằng nợ 20,97 lần, TCT Xây dựng Công trình Giao thông 8 nợ 20,02 lần, TCT Xây dựng Công trình Giao thông 1 nợ 18,41 lần, TCT Đầu tư Phát triển Đường Cao tốc nợ 14,04 lần, TCT Xây dựng Hà Nội nợ 12,15 lần, TCT Sông Đà nợ 9,19 lần…

TS Phạm Thế Anh đã lo ngại; “Đây là nhóm doanh nghiệp mà nợ của chúng rất có thể Nhà nước phải đứng ra gánh chịu thay do quá lớn để có thể cho phá sản. Ví dụ như khoản nợ các tổ chức tài chính quốc tế 600 triệu USD của Vinashin hay nợ của HUD. Điều này sẽ đe doạ tính an toàn nợ công Việt Nam.

Theo nghiên cứu của vị chuyên gia kinh tế này, nếu tính nợ của toàn bộ DNNN, gồm cả các khoản không được Chính phủ bảo lãnh này cùng với nợ đọng trong xây dựng cơ bản vào nợ công Việt Nam thì nợ công sẽ xấp xỉ 98,2% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn 65% GDP được khuyến cáo phổ biến bởi các tổ chức quốc tế.

Lỗ, nợ khủng như vậy nên tất yếu, chỉ trong 2 năm 2012-2013, đã có 3 quyết định hạ cấp từ Tập đoàn xuống làm Tổng công ty được ký ban hành. Thực chất, các động thái này giống như là phá sản, giải thể Tập đoàn.

Đó là các vụ hạ cấp đối với Tập đoàn Công nghiệp xây dựng VNIC và Tập đoàn đầu tư và phát triển nhà đô thị HUD và gần đây nhất là ngày 21/10/2013 có thể coi là ngày “giỗ” của thương hiệu Vinashin.

Mô hình Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy - Vinashin với 234 con cháu đã bị khai tử để khai sinh ra Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy với tên giao dịch hoàn toàn mới là SBIC, gọn nhẹ với 8 đứa con.

Thế nhưng, yêu cầu cấp bách, khẩn thiết là tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước lại được thực hiện một cách chậm chạp, nếu không nói là trì trệ. Theo TS Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì trong hơn 1 năm qua, kết quả đạt được hầu như chỉ là việc ban hành văn bản.

Cả năm 2012, cả nước chỉ cổ phần hóa có 13 doanh nghiệp, bằng 14% kế hoạch. Năm 2013, cũng chỉ có thêm 16 doanh nghiệp được cổ phần hóa. Việc thoái vốn dậm chân tại chỗ. Trong khi đó, đến năm 2015, Việt Nam phải giảm ít nhất 500 DNNN và giữ lại là 7-8 Tập đoàn.

Thực tế là thế nhưng khi lương thưởng bị siết chặt, khống chế chỉ 54 triệu đồng/tháng theo quy định mới của Bộ LĐTB& XH, không ít lãnh đạo Tập đoàn, tổng công ty quen nhận thù lao tiền tỷ đã lên tiếng phản ứng.

Cuối năm 2013, thông điệp của Thủ tướng phát đi rằng, sẽ cách chức những vị TGĐ, chủ tịch Tập đoàn, Tổng công ty và DNNN chậm làm cổ phần hóa. Bộ Tài chính cũng mạnh dạn đề xuất sẽ cho phép thoái vốn dưới mệnh giá.

Hi vọng rằng, đây sẽ là tín hiệu tốt hứa hẹn năm Giáp Ngọ 2014, khu vực DNNN, Tập đoàn Tổng công ty sẽ tươi sáng, sôi động và hiệu quả hơn.

Theo Phạm Huyền

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM