Singapore có môi trường kinh doanh thân thiện nhất thế giới
Theo một báo cáo mới nhất của Nhóm Ngân hàng thế giới, Singapore vẫn sở hữu môi trường pháp lý cho kinh doanh thân thiện nhất trên thế giới.
Trong số 10 nền kinh tế thuận lợi nhất cho kinh doanh còn có Niu-di-lân, Đặc khu hành chính Hồng-kông (Trung Quốc), Hàn Quốc và Úc.
Báo cáo Môi trường kinh doanh 2015: Xa hơn hiệu quả cho biết doanh nghiệp địa phương mới thành lập tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tiếp tục nhận được cải thiện trong môi trường kinh doanh.
Các dữ liệu cho thấy trong năm qua nhiều nền kinh tế trong khu vực đã tạo điều kiện thuận lợi hơn để doanh nghiệp nộp thuế: Việt Nam đã hạ thấp mức thuế thu nhập doanh nghiệp. Trung Quốc tăng cường hệ thống lưu trữ và thanh toán điện tử quốc gia, đồng thời giúp cho việc sát nhập doanh nghiệp bớt tốn kém. Mông Cổ đã áp dụng một hệ thống thanh toán điện tử mới.
Những cải cách như vậy đã tiết kiệm được thời gian quý báu của các doanh nghiệp. Ví dụ như tại Mông Cổ, các doanh nghiệp địa phương nhận thấy thời gian nộp thuế đã giảm từ 192 giờ vào năm 2013 xuống còn 148 giờ trong năm 2014 – còn thấp hơn ở Úc.
Bà Rita Ramalho, tác giả chính của báo cáo Môi trường kinh doanh, Nhóm Ngân hàng thế giới cho biết: “Kể từ năm 2005, khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đã thu hẹp khoảng cách với các thông lệ tốt trên toàn thế giới. Trong thập kỷ vừa qua, những cải cách pháp lý nhất quán đã cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi trong vùng và đóng góp vào nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho các doanh nghiệp địa phương.”
Đây là năm đầu tiên báo cáo Môi trường kinh doanh thu thập dữ liệu cho thêm một thành phố tại những nền kinh tế có số dân trên 100 triệu người. Tại Trung Quốc, báo cáo phân tích các quy định kinh doanh của Bắc Kinh và Thượng Hải, còn tại In-đô-nê-xi-a là hai thành phố Su-ra-bay-a và Gia-kat-ta.
Theo phát hiện của báo cáo, thường có những khác biệt giữa hai thành phố về các chỉ số có liên quan đến các bước thực hiện, thời gian và chi phí để hoàn thành một giao dịch theo quy định khi chính quyền địa phương đóng một vai trò lớn hơn.
Báo cáo năm nay cũng mở rộng dữ liệu thu thập cho 03 trong số 10 chủ đề được đề cập, và đang chuẩn bị thực hiện tương tự cho thêm 05 chủ điểm trong năm tới. Ngoài ra, xếp hạng mức độ thuận lợi trong kinh doanh hiện dựa trên khoảng cách tới điểm cao nhất. Cách đo lường này chỉ ra khoảng cách giữa mỗi nền kinh tế tới các thông lệ tốt nhất trên thế giới về các quy định kinh doanh là bao nhiêu. Điểm số cao cho thấy một môi trường kinh doanh hiệu quả và những thể chế pháp lý mạnh mẽ hơn.
>> Chỉ số Môi trường Kinh doanh tại Việt Nam vượt xa quý trước
Vương Nguyên