Sau ‘cú tát’ Travel Life, doanh nghiệp du lịch tự xử lẫn nhau

13/07/2013 15:14 PM |

Sự kiện hơn 700 du khách Việt bị bỏ rơi tại Thái Lan như giọt nước làm tràn ly sau hàng loạt tiếng xấu mà các công ty lữ hành và ngành du lịch trong nước gây ra. Đã đến lúc cần loại bỏ những “con sâu”để ngành du lịch phát triển lành mạnh hơn.

'Chết' vì tầm gửi

Theo thống kê của Hiệp hội lữ hành Việt Nam, hiện có trên 1.000 công ty lữ hành quốc tế và trên 10.000 công ty lữ hành nội địa đang hoạt động. Số hoạt động hiệu quả chỉ trên 50%, nên việc cạnh tranh, giành giật khách, thậm chí lừa đảo dẫn đến chất lượng kém là điều tất yếu. Trong đó, nhiều công ty chấp nhận sống phận tầm gửi ăn theo các doanh nghiệp có tên tuổi. Phương thức thường được sử dụng nhất vẫn là khai sinh một công ty na ná các thương hiệu nổi tiếng để hưởng lộc từ đây.

Ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Công ty TNHH Dã ngoại Lửa Việt, cho rằng: "Thị trường xuất hiện ngày một nhiều các công ty với tên gọi na ná nhau đã đưa du khách vào "ma trận" du lịch thật giả lẫn lộn".

Ông kể rằng, một lần vô tình người quen cho biết vừa đi tour của chi nhánh công ty đặt tại Nam Định mới giật mình vì công ty ông chưa hề mở chi nhánh ở Nam Định. Nhưng tìm hiểu thêm, ông thấy đúng là có công ty mang tên công ty TNHH hành trình Lửa Việt, do Sở KH-ĐT Nam Định cấp, tiếp đó ông cũng lần ra một công Công ty thương mại và du lịch Lửa Việt ở quận Gò Vấp... Từ đó khách hàng ngày một giảm khi đã nhầm lẫn lựa chọn các công ty mạo danh kia.

Cũng bức xúc không kém, bà bà Lê Thị Như Hà - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hòa Bình Việt Nam, cho biết: "Công ty đang hoạt động bình thường, bỗng một ngày khách hàng kéo đến khiếu nại về chất lượng dịch vụ. Sau khi kiểm tra hợp đồng, dịch vụ, tour tuyến chúng tôi mới vỡ lẽ công ty đã bị một đơn vị khác nhái thương hiệu đến 90% với tên gọi cũng du lịch Hòa Bình. Trắng trợn hơn, họ còn nhái cả thương hiệu và trang web, cách thiết kế tour, chương trình khuyến mại, hợp đồng... khiến khách hàng nhầm lẫn".

Trong khi đó, các công ty làm ăn chân chính lại không dễ đòi lại thương hiệu. Hiện Luật Doanh nghiệp vẫn chưa thực thi theo hướng bảo hộ tên riêng của từng doanh nghiệp. Họ chỉ cần đăng ký kinh doanh khác đi một từ, khác loại hình doanh nghiệp... là có thể ung dung hoạt động.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm, phó đoàn luật sư TP.HCM, nhận xét: "Hiện Luật đăng ký doanh nghiệp không bắt buộc người đại diện cho pháp luật của đơn vị lữ hành phải có bằng cấp, kinh nghiệm trong lĩnh vực này dẫn đến việc thành lập tràn lan công ty du lịch không có năng lực về vốn, chuyên môn. Nên xem đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, phải thẩm định đạt tiêu chuẩn mới cấp phép hoạt động".

Bóc mẽ tour giá rẻ

Phải qua trải nghiệm du khách mới kiểm định được chất lượng dịch vụ. Vẫn biết "tiền nào của nấy", nhưng do mất cảnh giác vì ham giá rẻ từ các chiêu quảng cáo, những lời chào mời hấp dẫn, nhiều khách du lịch đã bị nhà tổ chức tour cho vào "tròng"

Vì thế, khuyến cáo được đưa ra là khách hàng cần hết sức cảnh giác trước mức giảm giá tour của các hãng lữ hành quốc tế và lữ hành nội địa, vì thường giảm giá thì giá dịch vụ cũng bị cắt giảm. Nếu trong tay không có giá dịch vụ, phải hợp đồng thuê như vận chuyển, khách sạn, nhà hàng... thì giảm giá gần như đồng nghĩa với chất lượng kém hoặc lừa đảo khách.

Ông Phan Đức Mẫn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, phân tích: "Kết cấu tour du lịch gồm 2 yếu tố. Yếu tố chính là điểm tham quan, bảo hiểm, vận chuyển, khách sạn, nhà hàng và quản lý. Yếu tố phụ là mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí, tắm biển, lễ hội, tâm linh và làng nghề. Thường ở các tour du lịch châu Á, chi phí vận chuyển chiếm khoảng 40-50% và thường cố định. Nếu muốn giảm chi phí để có giá rẻ, du khách chỉ có thể ở khách sạn 1-2 sao, điểm tham quan ít...".

Theo ước tính, giá vé máy bay từ Việt Nam sang Bangkok (Thái Lan) từ 100-180 USD/khách. Tùy các hãng hàng không, thời điểm đặt vé sớm nhất trung bình khoảng 120 USD/khách, thuế sân bay 130 USD, giá phòng khách sạn 25 USD, ăn uống từ 5-7 USD/khách/bữa. Ngoài ra, chi phí cho xe ôtô, hướng dẫn viên, các khoản bảo hiểm... nên tổng cộng giá trung bình đi Thái Lan khoảng 400 USD (khoảng 8,8 triệu đồng). Như vậy, việc các công ty chào bán giá tour dưới 8 triệu đồng/khách thì chất lượng dịch vụ khó có thể đáp ứng được.

Theo ông Trần Long, Tổng giám đốc công ty CP Truyền thông Du lịch Việt: "Những yếu tố giúp cho các công ty nhỏ lẻ có thể đưa ra mức giá là họ thường không nói thuế sân bay, tiền cho lái xe hướng dẫn ở nước sở tại, đi thì đi đêm, về thì sáng sớm làm mất chương trình tour của khách, thậm chí cắt bớt khẩu phần ăn. Tóm lại, chất lượng dịch vụ rất kém. Chúng tôi thường gọi đó là du lịch đen, bát nháo và chộp giật".

Đối với các công ty có kinh nghiệm làm lữ hành quốc tế, giá rẻ là nhờ họ đã hợp tác nhiều năm, có nhiều khách nên các hãng hàng không đã dành số lượng vé nhất định với mức giá hạ hơn so với công ty khác. Hoặc trong thời gian kích cầu, lữ hành đã thống nhất với hãng hàng không hạ giá ở một thời điểm nhất định.

Gần đây, vụ việc 700 du khách Việt Nam bị bỏ rơi ở Thái Lan tạo nên dư luận lớn trên truyền thông đã là chất xúc tác để ngành du lịch thanh lọc hoạt động kinh doanh của thị trường, loại bỏ các "điểm đen". Ngoài ra, đây cũng là thời điểm để các địa phương bịt các lỗ hổng trong công tác quản lý. Trong khủng hoảng, nếu doanh nghiệp nào làm ăn bài bản sẽ có cơ hội bật lên nắm lĩnh thị trường.

Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL TP.HCM cho biết: "Thanh tra Sở bất ngờ kiểm tra, phát hiện vài ba vụ tour "chui" đi nước ngoài nhưng phạt cũng chỉ là "bắt cóc bỏ đĩa" mọi việc đâu lại hoàn đấy. Nếu không làm quyết liệt, thường xuyên và liên tục thì rất khó để dẹp bỏ những vấn nạn trên. Tới đây Sở sẽ tăng cường quản lý, có thể đề xuất lập cảnh sát du lịch nhằm lành mạnh hóa thị trường".

Nhìn ở góc độ khác, việc thanh lọc các cơ sở, công ty du lịch chộp giât cũng cần sự tỉnh táo từ khách hàng sử dụng dịch vụ. Chính du khách là một nhân tố quan trọng góp phần loại khỏi thị trường các đơn vị làm ăn gian dối thông qua việc cẩn trọng bảo vệ quyền lợi của mình.

Theo Nam Phong

duchai

Cùng chuyên mục
XEM