Sách Trắng CNTT-TT 2014 tiết lộ gì về viễn thông VN?
Thị trường di động 2G đã tới ngưỡng bão hoà và đang nhường chỗ cho 3G là điều có thể thấy rõ trong Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2014, vừa được Bộ Thông tin & Truyền thông công bố hôm 28/10 vừa qua.
Cụ thể, theo số liệu trong Sách Trắng, năm 2013, thuê bao di động toàn thị trường giảm 8 triệu, tương đương mức giảm 6%, chỉ còn 123,7 triệu. Thuê bao điện thoại cố định tiếp tục giảm, đạt trên 6,7 triệu thuê bao. Những con số này cũng trùng khớp với nhận định của nhiều chuyên gia viễn thông về việc nhu cầu thoại và SMS truyền thống đang giảm sút, không những thế còn bị cạnh tranh quyết liệt bởi các ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí (OTT).
Trong khi đó, ở một mảng thị trường khác, con số lại biến động theo chiều ngược lại. Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2014 nêu rõ, trong năm 2013, thuê bao 3G tăng thêm 4 triệu (tương đương mức tăng 25,4%) lên 19,7 triệu. Bên cạnh tăng trưởng về thuê bao, doanh thu của các nhà mạng từ 3G cũng tăng rất cao.
Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng Giám đốc MobiFone tiết lộ, doanh thu 3G năm 2013 của nhà mạng này tăng khoảng hơn 60% và dự kiến năm 2014 cũng có mức tương đương. Nguồn tin từ VinaPhone và Viettel cũng xác nhận xu hướng tương tự. Đại diện của cả 3 nhà mạng lớn đều cho biết, họ đều đã mở mặc định 3G trên các sim mới kích hoạt để khách hàng có thể sử dụng một cách dễ dàng và không phải đăng ký. Trong khi đó, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin & Truyền thông) cho biết, 3G đã được xếp vào nhóm 3 dịch vụ viễn thông cơ bản cùng với thoại và SMS.
Giải thích về những phản ứng trái chiều của thị trường 2G và 3G, một lãnh đạo của VinaPhone cho biết, đây là xu hướng chung của các nhà mạng trên thế giới chứ không phải của riêng Việt Nam. “Khi nhu cầu thoại và SMS đã tiến tới bão hoà, 3G sẽ lên ngôi cùng với các dịch vụ gia tăng và ứng dụng di động như Facebook, YouTube... Điều này còn được hỗ trợ mạnh mẽ bởi sự bùng nổ của smartphone giá rẻ tại Việt Nam”, ông này nhận định.
Trong khi đó, một lãnh đạo của Viettel nhận xét, chính sự phổ cập của smartphone đã dẫn tới sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường 3G. “Giờ đây data đã trở thành dịch vụ cho mọi người, ở khắp mọi nơi và thiếu nó sẽ là điều rất khó chấp nhận”, ông này bình luận.
Chính vì thế, không có gì bất ngờ khi các nhà mạng đều đang đồng thanh đẩy mạnh 3G bằng nhiều cách. Ngoài việc mở mặc định dịch vụ 3G trên sim bán ra, các nhà mạng còn tổ chức các đội tư vấn giúp khách hàng sử dụng dịch vụ, chọn gói cước phù hợp. Họ cũng tích cực tổ chức các buổi hội thảo dành cho giới phát triển ứng dụng di động, nhà cung cấp dịch vụ nội dung... để kêu gọi hợp tác, khai thác tiềm năng khi thị trường 3G bùng nổ. Tháng 8/2014, Viettel tổ chức một hội thảo lớn tại Hà Nội thì hồi đầu tuần, đến lượt MobiFone cũng thực hiện một hoạt động tương tự tại TP.HCM. Trong khi đó, VinaPhone đang tập trung xây dựng mới 8000 trạm BTS 3G đặc biệt là ở khu vực phía Nam, từ nay đến giữa năm 2015 để bù đắp khoảng trống về hạ tầng sau khi MobiFone tách khỏi VNPT.
Vậy điều gì sẽ xảy ra khi mà 3G ngày càng phát triển đi kèm với sự bùng nổ các ứng dụng OTT, còn 2G tiến tới ngưỡng bão hoà? Đại diện của VinaPhone nhận định rằng, khi các nhà mạng ra các gói cước trong đó bao gồm nhiều phút gọi và SMS miễn phí thì người dùng sẽ không còn cần nhiều đến OTT nữa, nhất là khi chất lượng kết nối của OTT tỏ ra phập phù hơn so với dịch vụ chính thống của nhà mạng.
>> Nhà nước nắm ít nhất 75% cổ phần của DNNN làm hạ tầng viễn thông
Theo Trọng Cầm