[Q&A] Tất tần tần về kỷ lục 12 năm: 1 Euro = 1 USD
Đồng bạc xanh vùng lên mạnh mẽ có nghĩa là rất có thể tỷ giá giữa USD và euro sẽ sớm cán mốc 1 đổi 1. Nếu xét trong lịch sử, đây là một sự kiện hiếm và rất đáng lưu tâm.
Khi giá trị giữa đồng euro và USD ở mức ngang bằng có thể gây ảnh hưởng tới các kế hoạch của bạn. Bất kể đó là kế hoạch đầu tư vào thị trường nước ngoài hay chỉ đơn giản là toan tính cho một kỳ nghỉ tại nước Pháp.
Đồng bạc xanh vùng lên mạnh mẽ có nghĩa là rất có thể tỷ giá giữa USD và euro sẽ sớm đạt mốc 1 đổi 1. Nhìn lại lịch sử sẽ thấy đây là một sự kiện hiếm và rất đáng lưu tâm. Lần cuối cùng thế giới chứng kiến sự ngang giá của 2 đồng tiền này là vào tháng 11/2002. Trước đó khi đồng euro ra mắt vào năm 1999, 1 USD cũng bằng 1 euro.
Vậy điều gì khiến tỷ giá giữa đồng euro và USD thay đổi?
Bởi Mỹ và khu vực châu Âu đang thả nổi tỷ giá. Hiện thị trường chính là yếu tố quyết định giá trị của 2 đồng tiền này chứ không phải chính phủ: Cung (từ ngân hàng trung ương) và cầu về tiền tệ.
Các yếu tố khiến cầu giao động bao gồm: Kỳ vọng về lạm phát hay giảm pháp qua thời gian, quan điểm về một nơi an toàn để cất giữ tài sản giá trị, mức độ dự trữ tiền cần dùng cho mua bán và tỷ giá.
Sao euro lại giảm giá?
Đồng euro đang trở nên yếu đi bởi nguồn cung sẽ tăng. Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã bắt đầu triển khai chương trình kích thích kinh tế thông qua gói nới lỏng định lượng (mua một lượng rất lớn trái phiếu). Dự kiến, các đợt mua trái phiếu này sẽ khiến thị trường đón nhận “cơn mưa” euro.
Thực tế, đó chỉ là mục tiêu mong đạt được. Giống như Mỹ đã làm, Liên minh châu Âu hy vọng có thể giữ cho giá trị tiền rẻ để người dân sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, theo luật cung và cầu, khi cung tăng lên mà cầu không đổi, giá trị của đồng euro sẽ trở nên yếu hơn. Tình trạng dư thừa euro là yếu tố quan trọng bởi tiền tệ được xem như một nơi cất giữ giá trị. Giống như tính toán đầu tư để tạo ra lợi nhuận, chúng ta cũng mong đợi tiền mặt có thể mua được nhiều hàng hóa như ngày hôm qua, trừ đi một lượng nhỏ nhưng có thể dự đoán được do lạm phát.
Như vậy, trong bối cảnh sức mạnh đồng euro đang yếu đi đáng kể, nhà đầu tư rất có thể sẽ bán tháo các tài sản niêm yết bằng đồng euro để đầu tư vào những tài sản có mức lợi suất cao hơn.
Điều gì đã khiến USD mạnh hơn?
Thời điểm này, đồng USD đang được coi là sự thay thế ổn định hơn so với đồng euro. Trong khi đó, thị trường lại chứng kiến sự khác biệt trong chính sách điều hành lãi suất của châu Âu và Mỹ. Cụ thể, ECB vẫn giữ lãi suất ở mức thấp trong khi Fed đang chuẩn bị nâng lãi suất và giảm cung tiền. Tất cả những điều này khiến tài sản bằng đồng USD có giá trị hơn.
Các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi như thế nào?
Các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại châu Âu là nơi chịu ảnh hưởng rõ nét nhất trong thời điểm tỷ giá euro và USD đang tiến tới mức cân bằng. Lý do là bởi hàng hóa của họ sẽ trở nên đắt đỏ hơn trong khi lợi nhuận mang về lại ít đi.
Thậm chí từ đầu năm tới nay, khi đồng USD mạnh lên và euro yếu đi, nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn như P&G và Caterpillar đồng loạt đổ lỗi cho đồng USD mạnh gây ra sụt giảm lợi nhuận.
Người tiêu dùng có được lợi gì không?
Trong khi đồng USD mạnh gây tổn hại cho các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu, nó lại giúp người tiêu dùng tại Mỹ vốn hay mua đồ nhập khẩu châu Âu hưởng lợi.
Ví dụ, nếu đang muốn mua một biệt thự tại Tuscany (Ý), đây là thời cơ hiếm có dành cho bạn. Khi giá trị trao đổi tiền cân bằng, nó sẽ giúp bất kỳ giao dịch mua bán nào tại châu Âu rẻ hơn tương đối. Giá hàng hóa không thể điều chỉnh ngay lập tức để theo kịp nhu cầu của nước ngoài.
Thế cân bằng có thể kéo dài bao lâu?
Không ai biết chắc câu trả lời. Tuy nhiên, có lẽ thời khắc này sẽ sớm qua đi. Chỉ duy có xu hướng tiền tệ tổng thể gồm USD mạnh lên và euro yếu đi là có thể kéo dài.
Điều này đặc biệt đúng trong thời điểm nền kinh tế của Hy Lạp và Đức vẫn trì trệ còn Mỹ thì sớm tuyên bố nâng lãi suất.
Vân Đàm