Phép lạ có đến với kinh tế Ấn Độ?

05/03/2015 16:29 PM |

Chính phủ của thủ tướng Narendra Modi vừa mới tiết lộ gói ngân sách thứ hai, một sự kiện trước đó được dự báo là sẽ thu hút lượng người theo dõi khổng lồ trên truyền hình.

Nội dung nổi bật:

- Ấn Độ vừa công bố gói ngân sách chứa nhiều tham vọng. Giới truyền thông Ấn Độ so sánh chương trình này với loạt cải cách năm 1991- cuộc cải cách đã giúp Ấn Độ cởi trói cho nền kinh tế và đảo ngược khủng hoảng.

- Tuy nhiên, Ấn Độ còn rất nhiều việc phải làm mà quan trọng nhất là vượt qua "ải" thượng viện do phe đối lập kiểm soát


Dù lần công bố ngân sách này không có những hoạt động giải trí “hào nhoáng” mà chỉ gồm một phần trình bày dài về những kế hoạch và công bố tài chính, nhưng từ trước đến nay người Ấn vẫn rất quan tâm đến những ngày như vậy.

Năm nay, với một chính phủ “đơn thân độc mã” và có đầu óc cải cách, những mong đợi từ người dân nước này thậm chí còn cao hơn. Thị trường cổ phiếu nước này còn tổ chức cả một phiên giao dịch đặc biệt nhân sự kiện này.

Thủ tướng Modi đã có những lời hứa đầy tham vọng: biến Ấn Độ thành nơi kinh doanh dễ dàng hơn (ngân hàng thế giới (WB) đã xếp hạng tiêu chí này của Ấn Độ ở vị trí 142 trên toàn cầu), bắt đầu một kỉ nguyên mới tăng trưởng nhanh hơn và mang sự no ấm của thế giới phát triển đến cho các thành phố và thị trấn trên toàn nước Ấn.

Nếu thủ tướng Modi thành công, Ấn Độ sẽ biến tiềm năng tăng trưởng khổng lồ của mình thành… tiền. Quốc gia này đang chuẩn bị cho một đợt bùng nổ kinh tế, một phần là vì hiện nó đang có một xuất phát điểm thấp, nhưng mặt khác cũng là vì nó có lực lượng dân số rất trẻ: 2/3 dân số Ấn Độ là dưới 30 tuổi, còn cả một tương lai nghề nghiệp dài hứa hẹn phía trước.

So với lần công bố ngân sách không mấy ấn tượng hồi năm ngoái, lần này chính phủ của ông Modi được ủng hộ hơn nhưng liệu thủ tướng Modi có thể biến những lời hứa của ông thành hiện thực?

Bóng ma năm 1991

Giới truyền thông Ấn Độ đang so sánh chương trình cải cách hiện tại với loạt cải cách kinh tế của Ấn Độ vào năm 1991. Chính loạt cải cách đó đã giúp “cởi trói” cho nền kinh tế và giúp đảo ngược cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán nguy hiểm.

Nhưng nếu chỉ có chuyện năm 1991 thôi thì thế giới có thể đã không còn thất vọng – những cuộc cải cách này vẫn phải thông qua quốc hội.

Chính quyền của thủ tướng Modi có thể chiếm đa số trong hạ nghị viện nhưng họ sẽ cần phải có ý chí chính trị lớn để đưa những cải cách nghiêm túc của họ “vượt qua ải” thượng viện do phe đối lập kiểm soát.

Những cải cách

Toàn bộ buổi trình bày hôm thứ 7 tuần trước đều nói về những cải cách lớn. Vậy chúng là gì?

Trước hết, đó là thuế dịch vụ và hàng hóa. Muốn đưa một xe tải chở hàng qua khỏi biên giới quốc gia này cần phải có nhiều giấy tờ và cả… sự kiên nhẫn. Một hệ thống thuế thống nhất sẽ có tác động rất tốt đến tính hiệu quả và chuyện kinh doanh. Nó cũng sẽ làm tiêu tan chủ nghĩa bảo hộ và “giải phóng” sự cạnh tranh của quốc gia này.

Ấn Độ hiện cần những nguồn đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế và giáo dục. Nhưng để làm được điều đó, chính phủ cần tìm ra cách để tăng nguồn thu nhập của nhà nước. Hệ thống thuế của quốc gia này cần một cuộc “đại tu”. Chỉ khoảng 35 triệu dân Ấn Độ đóng thuế thu nhập, trong khi đó con số ở Trung Quốc là 300 triệu. Cắt giảm các nguồn trợ cấp nhiên liệu và dùng số tiền đó chuyển thẳng cho dân nghèo Ấn Độ có lẽ sẽ giúp họ nhận được cái mà họ cần hơn.

Luật lao động phức tạp ở Ấn Độ cũng là rào cản lớn đối với các công ty lớn. Hầu hết công nhân Ấn Độ vẫn đang làm việc ở khu vực kinh tế được xem là “không chính thức”, không có giấy tờ hợp pháp và bất kì hình thức an sinh xã hội hay chăm sóc sức khỏe nào. Có thể nghe “không phải” tí nào nhưng nếu Ấn Độ làm cho việc thuê và sa thải nhân công được dễ dàng hơn thì điều đó sẽ khiến cho các công ty tự tin hơn để mở rộng quy mô và làm cho dân lao động Ấn Độ có đầy đủ giấy tờ và sự bảo hộ nghề nghiệp mà họ đang cần.

Ngoài ra, Ấn Độ cần cởi bỏ bớt những chính sách nhằm bán các xí nghiệp nhà nước cho doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ Ấn Độ hiện vẫn kiểm soát một số nhà cung cấp năng lượng lớn nhất ở quốc gia này. Điều này làm giảm sự cạnh tranh và góp phần “dung dưỡng” một hệ thống không hiệu quả.

Dĩ nhiên để đạt được những thay đổi lớn trên không hề là chuyện dễ dàng, nhưng Bộ tài chính Ấn Độ gồm toàn những giáo sư lẫn nhà kinh tế hàng đầu trên khắp thế giới. Họ biết phải làm gì. Câu hỏi đặt ra là liệu chính trị sẽ xen vào và ngăn không cho đất nước này “cất cánh” hay không?

Xem ra thủ tướng Modi và nội các của ông vẫn còn phải làm nhiều điều để hoàn thành trọng trách và mong đợi mà cả dân tộc đang đặt trên vai họ.

>> Ukraine tăng lãi suất lên mức cao nhất thế giới

Lê Thanh Hải

Cùng chuyên mục
XEM