Nuôi kiến tạo trầm hương kiếm hàng chục tỷ đồng
Nhờ thuần dưỡng và nuôi hàng vạn con kiến để lấy tinh chất tạo trầm hương mà ông Khoan, 61 tuổi ở Đồng Nai, đang nắm trong tay hàng chục tỷ đồng.
Nông dân Trương Thanh Khoan (61 tuổi) ở ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo, nhà đông anh em. Để phụ giúp bố mẹ có gạo nuôi em, ông sớm phải nghỉ học, theo chân người địa phương vào rừng “săn” trầm hương.
Ông cho biết, tìm trầm là một trong những nghề vất vả, người phu trầm phải băng rừng, lội suối, vào tận chốn thâm sơn cùng cốc và luôn phải đối diện hiểm nguy. Cái chết, bệnh tật… luôn rình rập nhưng nếu trúng trầm hương thì từ khố rách áo ôm cũng sẽ trở thành đại gia, sẽ có cuộc sống vương giả.
Vì nuôi hy vọng đó mà trong suốt thời gian từ 1980-1997, Trương Thanh Khoan đã lặn lội khắp các khu rừng ở Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, thậm chí ra tận các khu rừng ở miền Trung, sang tận Lào để săn trầm.
Ông tâm sự: “Suốt 17 năm ròng rã tìm trầm nhưng thành quả tôi đạt được chỉ là những mảnh gỗ trầm nhỏ, không thể giúp tôi đổi đời. Nghĩ mình không thể chạy theo hy vọng trong sự may rủi nên tôi quyết định về khai mảnh vườn sẵn có để trồng trầm hương".
Năm 2000, ông vào rừng tìm cây dó bầu con (loại cây dùng để cấy tạo trầm hương) mang về trồng và vận dụng những kỹ năng có được để tạo trầm. Là người đầu tiên trong vùng trồng loại cây này để tạo trầm hương nên nhiều người dân cho rằng ông gàn dở. Họ không tin những gì ông làm và luôn cho rằng trầm hương chỉ tích tụ, hình thành trong tự nhiên, con người không thể tự tạo.
Ông Khoan cho biết thêm, khi cây dó lớn, đường kính thân cây từ 10 đến 15cm là lúc ông bắt đầu áp dụng các phương pháp cấy trầm nhân tạo bằng cách bơm chất hóa học vào thân cây nhưng kết quả thu được chỉ là con số không.
Không chùn bước trước thất bại, ông Khoan lại mày mò, tìm phương pháp mới để tạo trầm.
Ông kể: “Khi bơm các chất hóa học không có kết quả tôi đã chuyển sang dùng hỗn hợp được làm ra từ mật mía, cám ngô, tinh dầu dừa... để kích thích quá trình tạo trầm trong cây. Chế phẩm sinh học này an toàn và có tác động đến sự hình thành trầm trên cây dó bầu nhưng kết quả thu được chưa cao”.
Ông cho biết thêm, một hôm, ông rong ruổi trong vườn thì phát hiện trên thân một cây dó bị kiến đục khoét làm tổ. Các đường vân gỗ quanh tổ kiến có màu dầu đen bóng như trầm hương tự nhiên. Thấy vậy, ông Khoan liền lấy dao, nạo một mảnh nhỏ đem đốt thì mảnh gỗ tỏa mùi hương trầm ngào ngạt. Ông Khoan nảy ý định “thuần dưỡng” kiến để tạo trầm.
Như chớp được cơ hội, ông Khoan liền chạy về nhà, gói ghém tư trang rồi vào rừng “thu phục” kiến. Sau một tháng rong ruổi, ông Khoan đã đưa về hàng chục tổ kiến để nuôi và bắt đầu tạo trầm theo phương pháp mới.
Ông cho biết: “Kiến tạo ra chất giúp quá trình hình thành trầm trên cây dó nhanh hơn bất cứ phương pháp nào. Vậy nhưng, nếu lạm dụng, nuôi kiến trên cây thì hiệu quả tạo trầm chỉ đạt tỷ lệ khoảng 2-3%”. Ông Khoan bật mí, kiến ăn các loại thực vật và tạo ra chất lỏng có màu giống mật mía. Loại chất lỏng này kết hợp cùng chế phẩm được làm từ mật mía, mật ong, cám ngô, tinh dầu dừa sẽ thúc đẩy quá trình lên men và tạo ra chế phẩm vi sinh.
Khi chế phẩm vi sinh này được bơm vào vết thương trên cây dó khiến cây dó phải tiết ra một loại kháng sinh để bao bọc vết thương, kháng khuẩn và sự “tương tác” này là điều kiện tạo trầm trên cây dó.
Ông Khoan hồ hởi: “Chế phẩm vi sinh của tôi có thể tạo ra trầm loại 3-4 trong khi các chế phẩm hóa học khác chỉ cho kết quả trầm loại 5-6". (Theo xếp loại, trầm loại 1 có màu đen bóng, mùi thơm như trầm tự nhiên, giá trị kinh tế cao. Trầm 5-6 kém chất lượng hơn nên mỗi kg khoảng 2-3 triệu đồng).
Hơn nữa chế phẩm vi sinh của ông còn góp phần rút ngắn thời gian tạo trầm từ 12-18 tháng xuống còn 6-9 tháng mà chất lượng trầm không hề thay đổi. Sau nhiều lần thử nghiệm thành công, ông Khoan đã áp dụng cách tạo trầm trên vào sản xuất 5ha diện tích dó bầu và đạt hiệu quả cao.
Với khoảng trên 3.000 cây dó đang đến tuổi thu hoạch, ông Khoan đang nắm trong tay tài sản hàng chục tỷ đồng. Ông cho biết, chế phẩm vi sinh giúp quá trình tích tụ trầm trên cây dó nhanh, chất lượng trầm thuộc loại 5 đến loại 3 nên có giá bán bình quân khoảng từ 2-5 triệu đồng một kg.
“Trầm do tôi tạo nên không có hóa chất độc hại nên làm ra đến đâu có người mua đến đấy. Không chỉ thị trường trong nước mà các đối tác ở Thái Lan, Sigapore, Trung Quốc, Nhật Bản… cũng tìm về tận vườn để đặt hàng. Nhiều danh y trong nước cũng tìm đến mua trầm hương về chế thuốc”, ông Khoan cho hay.
Không chỉ bán các sản phẩm trầm hương theo trọng lượng, ông Khoan còn chế tác sản phẩm thành cây cảnh, khô mộc dùng để trưng bày. Theo ông Khoan, dòng sản phẩm này hiện được rất nhiều người ưa chuộng và có giá không hề rẻ. Mỗi khô mộc trưng bày có chiều cao từ 1-1,5m có giá trên dưới 20 triệu đồng.
Những cây có nhiều điểm tích tụ trầm, màu sắc đẹp, thế đẹp thì có giá từ 50 đến 100 triệu đồng. Ông thổ lộ: “Khô mộc trầm có giá trị cao gấp nhiều lần nên tôi thường nghiên cứu cách tạo dáng cho mỗi thân. Hiện tại, tôi đang tạo trầm theo hình dáng rồng cuộn và các thế “độc” khác để tăng cao giá trị cho sản phẩm”.
Để tận thu nguồn nguyên liệu trầm hương, ông Khoan cũng xây dựng lò chưng cất tinh dầu trầm. Đây là tinh dầu được dùng làm dược liệu chữa bệnh và phục vụ công nghiệp mỹ phẩm có giá mỗi lít 5.000- 10.000 USD (khoảng 100-200 triệu đồng một lít).
Ông Khoan cho hay, sau khi đục đẽo, phân loại sản phẩm trầm thì những thớ gỗ dó bầu có trầm kém hơn sẽ được xay nhuyễn rồi cho vào nồi chưng cất. Quá trình này vừa không tốn chi phí sản xuất vừa loại bỏ gỗ dó bầu thừa lại vừa cất được tinh dầu trầm với giá trị cao. Với những thành tựu đã đạt được, ông Khoan đang ấp ủ hy vọng sẽ phổ biến chế phẩm do ông chế tạo để giúp nông dân trồng dó bầu tạo trầm.
Tháng 6 năm nay, “phương pháp kích thích và chế phẩm vi sinh kích thích cây dó để tạo trầm hương” của nông dân Trương Thanh Khoan đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận bằng độc quyền sáng chế. Năm 2013, “chế phẩm kích thích cây dó để tạo trầm hương” của nông dân Khoan đoạt giải khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 (2012 – 2013); Năm 2012, “chế phẩm kích thích cây dó để tạo trầm hương” của ông đoạt giải nhất, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2012; Năm 2014, ông Khoan được Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo (Trung ương Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam) chứng nhận “Danh hiệu cúp vàng sản phẩm tin cậy, nhãn hiệu ưa dùng, dịch vụ hoàn hảo năm 2014”.
>> Hải Phòng sẽ thành điểm đầu tư chiến lược của LG trên thế giới?