Nhập siêu từ Trung Quốc tăng 93 lần

04/12/2013 19:17 PM |

Nhập siêu từ Trung Quốc đã không ngừng tăng kể từ năm 2000 đến nay, từ 210 triệu USD (năm 2000) lên 19 tỷ USD (năm 2012).

10 tháng đầu năm, mức nhập siêu đã tăng 19,6 tỷ USD. Như vậy, nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng hơn 93 lần so với năm 2000.

Đứng trước tình hình nhập siêu từ Trung Quốc, bà Nguyễn Việt Chi- Vụ phó Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công thương) cho biết, trong thời gian Bộ Công thương đã phối hợp bộ ngành liên quan và các địa phương triển khai các giải pháp về vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc. 

Cụ thể: tốc độ tăng nhập siêu từ 2001-2008 trên 85% đã giảm còn 17%/năm trong giai đoạn 2009-2013. Xét về tỷ lệ giá trị nhập siêu/xuất khẩu cũng có chuyển biến rõ rệt từ năm 2008 tỷ lệ đạt 255% và đến năm 2012 giảm 133%.

Cơ cấu hàng hoá xuất nhập khẩu chuyển biến tích cực: giai đoạn 2009 – 2012 nhóm tỷ trọng mặt hàng công nghiệp có giá trị cao tăng từ 10 – 40% và 10 tháng đầu năm 2013 tăng trên 50%; nhóm hàng nông sản tăng tỉ trọng từ 20 – 30%; nhóm hàng nguyên nhiên liệu khoáng sản giảm từ 55% xuống còn 18,7%. Như vậy, tỷ trọng các nhóm hàng xuất khẩu công nghiệp có giá trị gia tăng cao đã nâng cao và giảm dần tỷ trọng nhóm hàng nguyên nhiên liệu, khoáng sản sang Trung Quốc.

Bà Chi cũng cho rằng, việc nhập khẩu nhiên, nguyên liệu sản xuất như máy móc thiết bị, phân bón, hóa chất, xăng dầu, vải vóc,.. từ Trung Quốc chiếm tới 70 - 80% kim ngạch nhập khẩu, nên Bộ Công thương chỉ kiểm soát nhóm hàng hạn chế nhập khẩu tức là nhóm hàng trong nước đã sản xuất được và nhóm tiêu dùng. Nhóm hàng này, tỷ trọng gần đây đã giảm từ 20% xuống còn 0,8%.

Mặc dù, tỷ lệ phần trăm tăng có giảm, nhưng con số thực tế nhập siêu từ Trung Quốc đang rất báo động. Nếu mức nhập siêu từ Trung Quốc năm 2012 là 19 tỷ USD thì 10 tháng đầu năm đã là 19,6 tỷ USD, cho thấy sự phụ thuộc nguyên nhiên vật liệu từ Trung Quốc với sản xuất trong nước ngày càng tăng mạnh, trong khi công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn chưa có nhiều cải thiện. Vì vậy, “trong năm tới sẽ chú trọng việc thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghiệp hỗ trợ để cải thiện sản xuất trong nước, đáp ứng nguyên liệu đầu vào", bà Chi nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ Công Thương phối hợp Bộ ngành chuyên môn tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, hàng rào kỹ thuật với nhóm hàng nhập khẩu như máy móc, thiết bị, điện tử, rau củ... để đảm bảo chất lượng hàng nhập khẩu, ngăn chặn mặt hàng không đáp ứng yêu cầu chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM