Nhà đầu tư ngoại đang săn tìm gì trên thị trường chứng khoán Việt Nam?

01/08/2015 14:01 PM |

Việt Nam đang từ một thị trường cận biên vươn lên đạt chuẩn thị trường mới nổi. Tuy nhiên, nếu tổng vốn hóa trên thị trường Việt Nam đủ cao thì mới đủ sức thu hút những NĐT nhiều tiền.

Hội nghị Cơ hội và Thách thức khi đầu tư vào Thị trường chứng khoán Việt Nam – Góc nhìn Nhà đầu tư Nước Ngoài” do CTCP StoxPlus và Sở giao dịch Chứng Khoán Tp.HCM (HOSE) đồng tổ chức diễn ra vào ngày 31/7/2015 đã phần nào trả lời cho câu hỏi trên. Hội nghị đã thu hút gần 200 chuyên gia tài chính và đầu tư từ các công ty chứng khoán, quản lý quỹ, công ty đầu tư, bảo hiểm, ngân hàng đến từ Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan tham dự.

Nhân dịp này, StoxPlus chính thức ra mắt FiinPro – một hệ thống cơ sở dữ liệu tài chính và công cụ phân tích chuyên sâu đầu tiên cho Việt Nam do StoxPlus đồng phát triển với QUICK Corp (Nhật Bản).

TTCK Việt Nam đang chứng tỏ một sự tăng trưởng đáng khích lệ

Theo các NĐT nước ngoài, là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới, từ 2005 Việt Nam đã và đang thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài rất lớn từ nhiều thành phần kinh tế quốc tế. Gần đây thị trường liên tục nhận được những tín hiệu tích cực của nền kinh tế đến từ những hiệp định thương mại quốc tế như TPP, PPP, FTA giữa Việt Nam-Hàn Quốc.

Ông Trần Đắc Sinh - Chủ tịch HOSE nhận định rằng TTCK Việt Nam đang chứng tỏ sự tăng trưởng đáng khích lệ với hơn 1.900 tỷ đồng giao dịch/ngày tính đến ngày 27/7/2015. Trong đó, NĐT nước ngoài đã mua ròng 1.298 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị giao dịch hơn 39 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng giá giao dịch mua vào và bán ra của NĐT nước ngoài lần lượt chiếm 15,17% và 13,36% giá trị giao dịch toàn thị trường, tăng 1,78% và 2,15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán tạo ra một cú hích cho thị trường tài chính Việt Nam. Trong đó, quy định nới tỷ lệ sở hữu đối với NĐT nước ngoài đang tạo sự hứng khởi trong cộng đồng NĐT trên TTCK nói chung, khối NĐT nước ngoài nói riêng.

“Đây là một động lực tích cực gỡ bỏ nút thắt sở hữu vốn của NĐT nước ngoài trên sàn niêm yết và từng bước đưa TTCK Việt Nam từ một thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, tăng tính hấp dẫn hơn với NĐT quốc tế”, ông Sinh nói.

… Nhưng Việt Nam mới chỉ là một thị trường vốn nhỏ

Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Ủy viên Hội đồng quản trị của HOSE cũng nhận định rằng thanh khoản của thị trường Việt Nam hiện rất cao. Tỷ lệ NĐT nước ngoài tham gia vào TTCK đến nay tăng 28%. Khối này thể hiện sự năng động nhất trong nhóm VN30 với tỷ trọng giao dịch chiếm 15%, nhóm VNmid chiếm 7% và nhóm VNsmall chiếm 2%.

Tuy nhiên, dù thị trường đạt được nhiều thành tựu từ năm 2008 đến nay nhưng quy mô còn khá thấp. Vốn hóa thị trường thấp hơn so với các nước khác như Philippines (chỉ bằng 1/6) và Indonesia (bằng 1/8). Tỷ lệ tự do chuyển nhượng vẫn đang chiếm dưới 10%.

Bà Hà đánh giá, trong nửa đầu năm nay, thị trường vẫn thiếu sự hỗ trợ về nhiều mặt để thu hút NĐT nước ngoài khi chỉ có 3 công ty có doanh thu hàng ngày hơn 5 triệu USD, có 13 công ty đạt từ 2 – 5 triệu USD, có 12 công ty đạt 1-2 triệu USD và 277 công ty đạt dưới 1 triệu USD/ngày.

Ngoài ra, Việt Nam đang thiếu những sản phẩm đa dạng như sản phẩm cho quỹ đầu tư, công cụ đề phòng rủi ro, công cụ công bố thông tin, nhiều loại dịch vụ tài chính khác vẫn chưa có mặt trên thị trường. NĐT bối rối vì nhiều cơ chế khác nhau dù tiêu chuẩn trên 2 sàn không khác nhau nhiều. Chính điều này luôn tạo sự khó hiểu cho NĐT nước ngoài.

“Trong năm 2015, Việt Nam sẽ tiến hành cổ phần hóa 289 công ty nhà nước, trong đó có nhiều tập đoàn lớn. Chính phủ đã thể hiện sự kiên quyết cổ phần hóa các công ty nhà nước nhằm giảm tỷ lệ sở hữu vốn, mở cửa cho các NĐT nước ngoài tham gia”, bà Hà cho biết.

Vốn ngoại sẽ chảy vào đâu?

Theo phân tích của ông Koichi Takeuchi, Chuyên gia Chiến lược đầu tư của Japan Securities Incorporated (JSI), Việt Nam trước nay là một thị trường cận biên và đang vươn lên đạt chuẩn thị trường mới nổi. Đây cũng là thời điểm tốt nhất để thu hút NĐT nước ngoài vào thị trường. Tuy nhiên, nếu tổng vốn hóa trên thị trường Việt Nam đủ cao thì mới đủ sức thu hút những NĐT nhiều tiền.

“Nhiều NĐT nước ngoài cảm thấy rủi ro khi rót vốn vào thị trường Việt Nam. NĐT gặp nhiều vấn đề về đồng ngoại tệ khi đưa tiền vào thị trường Việt Nam, do vậy Chính phủ cần phải cải thiện tình hình này trong thời gian sớm nhất”, chuyên gia Nhật Bản này nhận xét.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc CTCP StoxPlus cho rằng, NĐT nước ngoài vào thị trường Việt Nam đều muốn tiếp cận những sản phẩm tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu của một thị trường rộng lớn 90 triệu dân, tìm kiếm các doanh nghiệp kích cỡ lớn với mức tăng trưởng 2 con số.

“Theo dữ liệu phân tích của chúng tôi, giao dịch của các NĐT nước ngoài trên thị trường hiện có quy mô nhỏ, nhưng lại là lực lượng dẫn dắt thị trường. Các ngành đang hấp dẫn NĐT ngoại nhất là chăm sóc sức khỏe (38%), bảo hiểm (30%), dầu khí (30%), công nghệ (29%), thực phẩm và giải khát (28%), bán lẻ (28%)…”, ông Thuân cho biết.

Ngoài ra, hiện còn khoàng 1.300 công ty chưa niêm yết, đây là một cơ hội rất lớn cho NĐT nước ngoài một khi các công ty này IPO và thoái vốn. Tuy nhiên, các đối tác nước ngoài chỉ “thích” săn những doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 50 triệu USD (chiếm 40%), trong khi có 20% NĐT ngoại ngắm các công ty có vốn từ 25-50 triệu USD.

Nói về tác động của Nghị định 60 mới đây, ông Thuân nhấn mạnh đây sẽ là một hú hích rất lớn cho TTCK Việt Nam, dù chúng ta cần phải mất thêm một khoản thời gian nữa để thị trường chấp nhận. Trong thời gian tới, những ngành sẽ lấy được nhiều vốn ngoại là: thực phẩm và giải khát, viễn thông, ngân hàng, dịch vụ tài chính, bán lẻ, dầu khí, chăm sóc sức khỏe, địa ốc và xây dựng.

“Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhà nước cần phải hết sức minh bạch thông tin trong quá trình trước và sau IPO. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố tác động đến dòng chảy vốn ngoại này, đặc biệt là khung pháp lý, tỷ lệ nắm giữ cổ phần, sự ổn định nền kinh tế vĩ mô và tính ổn định của tỷ giá.”, ông Thuân nhấn mạnh.

Theo Đăng Khải

Cùng chuyên mục
XEM