Người Nga chật vật trong cấm vận
Nga vừa công bố mức sụt giảm kỷ lục 4,6% của GDP trong quý 2 năm nay, tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009. Điều đó đang chạm vào cuộc sống hằng ngày của dân Nga.
Theo RIA Novosti, các nhà phân tích đánh giá kinh tế Nga đang ở mức “khó khăn với xu hướng ổn định”. Dù kết quả tổng kết quý công bố hôm 10-8 tệ hơn dự báo trước đó của Bộ Phát triển kinh tế Nga, nhưng giới chuyên môn cho rằng vậy là còn đỡ hơn những gì họ chờ đợi. Ngày 11-8, Bộ trưởng Công nghiệp và thương mại Nga Gleb Nikitin đánh giá mức thiệt hại của ngành công nghiệp nước này vì cấm vận có thể lên đến 20 tỉ USD.
Hàng hóa vắng bóng
Giữa bức tranh đó, người dân Nga đang trải qua thời kỳ suy thoái đầu tiên trong sáu năm trở lại đây. Sau cuộc khủng hoảng tiền tệ năm ngoái, lạm phát tăng mạnh khiến người tiêu dùng Nga phải thắt lưng buộc bụng dẫn đến sức mua trong nước giảm. Mặt khác, chính sách trả đũa cấm vận “để kích thích sản xuất trong nước” của Nga đang vấp phải nhiều chỉ trích vì đến phân nửa thực phẩm tại Nga hiện nay từ nhập khẩu.
Những ngày gần đây, các sản phẩm tiêu dùng như thực phẩm, trái cây... trước đó quen thuộc với người Nga đang dần vắng bóng trong chợ và các siêu thị càng khiến giá cả tăng lên.
Nguyên nhân là hàng tấn nông sản có nguồn gốc từ các nước phương Tây đang bị hải quan Nga tịch thu và tiêu hủy theo sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin vừa công bố kéo dài thêm một năm, đến tận ngày 5-8-2016.
Theo Reuters, không chỉ thực phẩm, “chiến tranh hoa” cũng vừa nổ ra giữa Nga và Hà Lan, một đồng minh trong giải pháp cấm vận của Mỹ. Bà Yekaterina Slakova, chánh thanh tra vệ sinh của cơ quan giám sát nông nghiệp Nga Rosselkhoznadzor, giải thích trên truyền hình “đây là những thùng hoa mới cắt từ Hà Lan bị nhiễm bọ tây California”, trong khi đó hình ảnh nền cho thấy công nhân đang đốt cháy những thùng chứa đầy hoa hồng.
Việc đốt hoa không chỉ có thể gây ảnh hưởng thị trường vì Hà Lan là nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường hoa tươi trị giá 2,5 tỉ USD ở Nga, mà còn để lại những hệ lụy về quan hệ chính trị.
Dù Thủ tướng Dmitry Medvedev khẳng định không có chuyện thiếu hụt thịt, cá, hoa quả... nhưng tình trạng khan hàng càng đẩy giá cả vượt khỏi tầm tay người tiêu dùng Nga bên cạnh yếu tố lạm phát.
Tình hình chưa sáng sủa
Trong cuộc họp mới đây với Ủy ban chính phủ về nhập khẩu, Thủ tướng Dmitry Medvedev nói Nga không có ý định kéo dài việc trả đũa cấm vận và cũng thừa nhận không thể thay thế hoàn toàn hàng hóa ngoại nhập bằng hàng nội địa.
“Cấm vận không kéo dài mãi mãi, nhưng trong khoảng thời gian này chính phủ và các nhà sản xuất nông nghiệp phải tranh thủ bắt kịp trình độ sản xuất của thế giới” - thủ tướng Nga nhấn mạnh.
Theo các nhà kinh tế, bên cạnh cấm vận, yếu tố then chốt ảnh hưởng đến “sức khỏe” nền kinh tế Nga sắp tới vẫn là giá dầu. “Nếu giá dầu vẫn không đi lên hoặc tệ hơn tiếp tục đi xuống, viễn cảnh duy nhất chúng ta thấy trong nửa cuối năm nay là kinh tế sẽ còn tệ hơn” - nhà kinh tế Nga Aleksei Devyatov nhận định.
Còn ông Igor Nikolaïev, giám đốc Viện phân tích chiến lược FBK của Nga, giải thích: “Cuộc khủng hoảng hiện nay không chỉ là vấn đề hội tụ ngẫu nhiên các yếu tố, mà là do cấu trúc. Nó xảy ra do sự quá lệ thuộc của Nga vào dầu khí, vào sự thiếu hiệu quả của các cơ chế, vào sự thiếu cải cách và vào sự tăng ngân sách quân sự... Bằng chứng là đến năm ngoái, khi chưa có cấm vận và khi giá dầu còn khá thì mức tăng trưởng đã ì ạch rồi”.
Thậm chí giới chuyên gia Nga đều đồng tình giá dầu thô và dư chấn của sự kiện Trung Quốc điều chỉnh giảm giá đồng nhân dân tệ mấy ngày qua càng khiến mọi dự đoán sắp tới đều khó khăn.
Bà Natalia Orlova, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Alfa, nhận định: “Chắc chắn không có chuyện phục hồi kinh tế trong năm nay. Xu hướng vẫn còn xấu trong quý 3 và quý 4”.
“Xin đừng hủy thực phẩm”
Một chiến dịch kêu gọi chính phủ đừng tiêu hủy thực phẩm đang được người Nga phát động. Trang web Change.org đã thu hút hơn 350.000 chữ ký cùng lời kêu gọi nhà chức trách hãy chuyển hàng hóa nhập bị tịch thu cho những người có hoàn cảnh khó khăn như cựu chiến binh, người tàn tật và gia đình đông con.
Một nhóm các đại biểu quốc hội thuộc Đảng Cộng sản Nga, do ông Gennady Zyuganov khởi xướng, cũng dự định trình lên Quốc hội Nga dự luật về việc quốc hữu hóa hàng cấm vận bị tịch thu. Theo kiến nghị, số hàng này sẽ được chia cho người nghèo hoặc gửi ra nước ngoài theo dạng viện trợ.
Hồi đầu tháng này, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Vladimir Putin sẽ được thông báo về lời thỉnh cầu này, nhưng trước mắt sắc lệnh tiêu hủy hàng cấm vận bắt buộc phải thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Aleksander Tkachev còn lo ngại nếu phân phát số hàng này có thể sẽ không kiểm soát được tình trạng tham nhũng.