Người giàu Việt hoang tưởng về sừng tê giác

12/09/2012 18:23 PM |

Sừng tê giác đang trở thành một lựa chọn mới dành cho những người thuộc giới giàu có ở Việt Nam.

David Smith, phóng viên thường trú ở Nam Phi của tờ The Guardian (Anh) đã có bài viết nói về mối liên hệ giữa tình trạng tàn sát tê giác đáng báo động ở đất nước châu Phi này và thói quen tiêu thụ sừng tê giác ở Việt Nam. 

Dưới đây là nội dung chính bài viết:

Sừng tê giác đang trở thành một lựa chọn mới dành cho những người thuộc giới giàu có ở Việt Nam. Khi những con người sành điệu và có nhiều tiền này tập hợp trong các bữa tiệc, họ cho thêm vào đồ uống của mình - thường là rượu - một thành phần đặc biệt: sừng tê giác dạng bột.

Nhiều người Việt Nam tin rằng việc sử dụng sừng tê giác có thể tăng cường các hoạt động tình dục của mình, dù các nghiên cứu khoa học đã chứng minh điều này là không có thực. Họ lờ đi một thực tế nhức nhối đang diễn ra: một loài sinh vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì những điều vô lý mà họ tin tưởng.

Từ năm 1990 đến 2005, những kẻ săn trộm ở Nam Phi giết chết trung bình 14 con tê giác mỗi năm. Kể từ đó, con số này đã tăng theo cấp số nhân. Trong năm 2010, 333 con tê giác đã bị sát hại. Trong năm 2011, con số là 448. Từ đầu năm đến nay, 339 con tê giác đã bị giết để lấy sừng, đặt năm 2012 trước một con số kỷ lục về số lượng tê giác bị tiêu diệt.

Ông Tom Milliken, Giám đốc mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã khu vực Đông và Nam Phi nhận xét: “Đây là một cuộc khủng hoảng. Sừng tê giác đang được mua bán với mức giá cao nhất và tôi từng biết trong sự nghiệp của mình”.

Trong một bản báo cáo công bố cuối tháng 8, các chuyên gia đã xác định bốn nhóm người tiêu dùng chính thúc đẩy nhu cầu buôn bán sừng tê giác.

Nhóm thứ nhất, dựa vào những quan niệm cổ truyền của y học Trung Quốc, cho rằng sừng tê giác là một loại thuốc bồi bổ sức khỏe và đặc biệt là có khả năng kích dục hữu hiệu. Mặc dù khoa học hiện đại chứng minh điều này chỉ là một huyền thoại không tưởng, nhưng rất nhiều đàn ông ở Việt Nam vẫn tin vào nó một cách vô điều kiện.

Nhóm người thứ hai tiêu thụ sừng tê giác lại tin vào một huyền thoại khác, rằng sừng tê giác là một phép màu có thể chữa được bệnh ung thư. Đã có báo cáo về sự xuất hiện của những kẻ mời chào sừng tê giác tại các cơ sở điều trị ung thu. Điều này không gì khác hơn việc lợi dụng sự tuyệt vọng của các bệnh nhân để kiếm chác của những kẻ buôn bán vô lương tâm.

Nhóm thứ ba, được nhận diện qua việc ghi nhận các trao đổi công khai trên mạng internet. Theo đó, nhóm này tập trung vào các bà mẹ trẻ thuộc giới trung lưu hoặc giàu có, muốn dự trữ sừng tê giác như một liều thuốc trị bệnh sốt cao của con trẻ. Nếu con của họ ngã bệnh và các loại thuốc khác tỏ ra không công hiệu, sừng tê giác sẽ là lựa chọn của họ trong tình huống khẩn cấp.

Nhóm cuối cùng, không trực tiếp sử dụng sừng tê giác mà coi chúng như những món quà đắt tiền để tặng các đối tác thuộc giới “tinh hoa”, nhằm bôi trơn các thương vụ làm ăn hoặc nhận được sự ủng hộ của họ. Đôi khi sừng tê giác còn được sử dụng như một loại tiền tệ không chính thức cho các sản phẩm cao cấp, chẳng hạn như thanh toán một phần cho chiếc xe ô tô mới.

Rất ít người biết về nguồn gốc cũng như sự tàn bạo mà con người thực hiện để có được sừng tê giác. Ở Nam Phi, tê giác thường bị bắn chết bằng súng trường tấn công AK-47, mặc dù thời gian gần đây các vụ giết chóc bằng súng săn chuyên nghiệp ngày càng gia tăng. Trong một số vụ còn có sự hiện diện của máy bay trực thăng.

Sừng tê giác thu được trong hoạt động săn trộm sẽ trải qua nhiều khâu trung gian khác nhau trước khi được đóng gói và chuyển phát từ Nam Phi đến Việt Nam trong vòng 24 giờ. Từ năm 2008 đến nay, đã có nhiều vụ bắt giữ sừng tê giác trong quá trình vận chuyển mặt hàng cấm này đến Việt Nam.

Một cửa hàng bán đĩa mài sừng tê giác ở Hà Nội

Cũng theo ghi nhận của các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới mà đĩa mài sừng tê giác được sản xuất hàng loạt. Chỉ tính riêng tại một cơ sở sản xuất, khoảng 30.000 chiếc đĩa đã được xuất xưởng.

Ông Joseph Okori, người quản lý chương trình bảo tồn tê giác châu Phi tại WWF, cho biết: "Các hình thức tội phạm liên quan đến động vật hoang dã ở châu Phi đang tăng mạnh. Các nền kinh tế châu Á đã phát triển nhanh và những người không thể chi trả cho các sản phẩm từ động vật hoang dã trong quá khứ giờ đã có đủ khả năng.

Cách duy nhất để họ có các sản phẩm mình cần là thông qua các cách thức bất hợp pháp. Điều này đã tạo ra một thị trường ngầm trên toàn cầu. Tình hình hết sức phức tạp và không thể giải quyết chỉ sau một đêm. Nó đòi hỏi sự hợp tác quốc tế ở mức cao nhất, không chỉ ở Liên minh châu Phi mà còn cả Liên Hiệp Quốc.

Theo Hồng Quân
Báo Đất Việt/Guardian

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM