Nga và Brazil - Bộ đôi ảm đạm của BRICs
Brazil và Nga hiện là hai nước có triển vọng kinh tế ảm đạm nhất trong nhóm các nền kinh tế mới nổi.
Những nhà đầu tư rót tiền vào các thị trường mới nổi biết rõ nhất mọi thứ có thể nhanh chóng biến đổi từ trạng thái tốt đẹp sang tồi tệ như thế nào. Thời kỳ giữa những năm 1990, Thái Lan và Indonesia được mệnh danh là “những con hổ châu Á” nhờ tốc độ tăng trưởng thần kỳ.
Đến năm 1997, các nước này gặp khủng hoảng tiền tệ và phải nhờ đến gói cứu trợ của IMF. Gần 20 năm sau, hai thành viên của nhóm BRICs (gồm Nga, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) – vốn là cỗ máy tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2010 – đang bên bờ vực suy thoái. Những gì mà Brazil và Nga đang phải đối mặt – nội tệ lao dốc, lạm phát cao và tăng trưởng thấp –có thể biến 2015 thành 1 năm tồi tệ.
Cũng không phải đến bây giờ nhóm các nước mới nổi mới gặp vấn đề. 1 năm trước, James Lord đến từ ngân hàng Morgan Stanley đã gọi Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ là “bộ ngũ mỏng manh” của thị trường mới nổi. Chuyên gia này lo lắng rằng sự kết hợp giữa lạm phát cao và cán cân vãng lai thâm hụt nặng nề sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu có giá rẻ mạt. Đồng nội tệ của các nước này đứng đầu trong danh sách các đồng tiền có nhiều khả năng giảm giá nhất của ông.
Đúng như dự đoán này, kể từ đó đến nay 4 trong số 5 đồng tiền kể trên đã giảm giá ó với USD. Tuy nhiên, đồng ruble của Nga còn giảm mạnh hơn. Ngày 5/11 vừa qua, NHTW Nga chính thức thu hẹp đáng kể những nỗ lực can thiệp và thả nổi đồng tiền này.
Ở các quốc gia này tồn tại những vấn đề chung, đặc biệt là tình trạng lạm phát cao. Mỗi nước trong “bộ ngũ mỏng manh” đều rơi vào tình trạng thâm hụt kép: thâm hụt ngân sách (có nghĩa là nợ chất đống) và thâm hụt cán cân vãng lai (khiến các nước này phụ thuộc vào dòng chảy vốn từ bên ngoài). Tuy nhiên, triển vọng của mỗi nước là khác nhau. Ấn Độ và Indonesia dường như ở trong ranh giới an toàn: đồng rupee đã tăng giá so với USD kể từ tháng 8 năm ngoái và thâm hụt ngân sách cũng đang giảm xuống. Trong khi đó đồng rupiah của Indonesia giảm 10% nhưng lạm phát đã giảm xuống và nền kinh tế tăng trưởng khá tốt.
4 nước còn lại không được khỏe mạnh như vậy. Đồng rand của Nam Phi và lira của Thổ Nhĩ Kỳ được dự báo sẽ giảm giá sâu hơn nữa vì cả hai nước này đều có lạm phát cao kết hợp với thâm hụt cán cân vãng lai lớn. Tuy nhiên, vẫn có “chút ánh sáng cuối đường hầm” khi giá năng lượng giảm mạnh trong thời gian vừa qua (dầu mỏ và khí đốt chiếm tới 60% nguồn cung năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ và nước này phải nhập khẩu tới 90%). Ở Nam Phi, các cuộc đình công khiến hoạt động xuất khẩu quặng bị ảnh hưởng đã hạ nhiệt và nước này có thể tăng trưởng 2,5% trong năm tới.
Ngược lại, Brazil và Nga đang ở trong trạng thái tồi tệ. Là những nền kinh tế mới nổi có quy mô lớn thứ hai và thứ ba thế giới (sau Trung Quốc), đồng nội tệ của cả hai nước đều đang giảm giá mạnh. Đồng real liên tiếp lập đáy mới trong tháng 11 sau khi số liệu cho thấy thâm hụt ngân sách tháng 9 ở mức cao kỷ lục. Đồng ruble còn lao dốc mạnh hơn, giảm 27% trong 12 tháng gần nhất và 10% trong tháng trước. Cả hai đều đối mặt với tình trạng lạm phát đi kèm với tăng trưởng ì ạch. Bong bóng giá tài sản khiến tốc độ tăng trưởng năm 2014 có thể rơi xuống dưới 1%.
Không thể phủ nhận Nga và Brazil đang phải đối mặt với môi trường bên ngoài bất lợi. Các đối tác thương mại chính của Brazil đều đang tăng trưởng chậm lại (Trung Quốc), trì trệ (eurozone) hoặc thậm chí đang suy thoái (Argentina). Kim ngạch xuất khẩu sụt giảm đồng thời giá cả của các mặt hàng mà Brazil xuất khẩu (quặng sắt, xăng dầu, đường và đậu tương) cũng sụt giảm vì lực cầu toàn cầu suy yếu. Giá dầu chạm đáy trong nhiều năm trong khi NGa là một trong những nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, bản thân nền kinh tế Nga và Brazil cũng có nhiều vấn đề còn tồn tại. Kể từ những năm 1990, Brazil đã cố gắng duy trì thặng dư ngân sách tương đương 3% GDP – đủ để bắt đầu giảm nợ. Tuy nhiên Tổng thống mới đắc cử Dilma Rousseff đã làm hỏng nền tài chính công của Brazil. Năm 2014, chi tiêu công gia tăng với tốc độ gấp hai lần tăng thu ngân sách. Tỷ lệ nợ/GDP của Brazil đang tăng lên nhanh chóng.
Các vấn đề của kinh tế Nga còn trầm trọng hơn. Khủng hoảng ở Ukraine khiến Nga phải nhận đòn trừng phạt của Mỹ và EU và các biện pháp trừng phạt ngày càng được tăng cường. Các doanh nghiệp Nga không thể tiếp cận với thị trường nợ Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ cũng không được làm ăn với các tập đoàn năng lượng Nga. Lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa phương Tây của Tổng thống Putin khiến giá cả ở Nga tăng vọt.
Nga và Brazil có thể phải đối mặt với những điều tồi tệ hơn. Đà giảm của giá hàng hóa chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, để kiềm chế lạm phát và ngăn đồng ru nội tệ giảm giá sâu hơn nữa, cả hai nước đã tăng lãi suất. Bộ Tài chính của cả hai nước nóng lòng tăng thu ngân sách bằng cách tăng thuế. Tuy nhiên, mọi thứ chỉ làm tình hình tồi tệ thêm: ở Nga nợ xấu đang tăng lên và người gửi tiền ồ ạt rút tiền khỏi các tài khoản ngân hàng.
Cả hai nước đều có nhiều dự trữ ngoại hối: mặc dù đã mất khoảng 100 tỷ USD trong năm 2013, Nga vẫn còn khoảng 400 tỷ USD dự trữ. Tuy nhiên, Nga phải trả nợ 90 tỷ USD trong 6 tháng tới. Kể cả những người lạc quan nhất cũng cho rằng Nga và Brazil phải nhờ vào vận may mới có thể tăng trưởng trong năm 2015. Còn những người bi quan thì dự báo về đồng nội tệ mất giá, thị trường trái phiếu hỗn loạn và thậm chí là hệ thống ngân hàng gặp khủng hoảng.
>> Đồng ruble của Nga rơi xuống mức thấp kỷ lục
Thu Hương