Năm điểm chính trong thông điệp tỷ giá
Có những điểm khác biệt đáng để ý trong quyết định không điều chỉnh tỷ giá USD/VND mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra tuần qua...
Cứ mỗi đợt biến động tỷ giá USD/VND, mọi con mắt trên thị trường đều dồn về Ngân hàng Nhà nước chờ đợi. Vì họ không chỉ là nhà điều hành, mà còn là đầu mối nắm tổng thể các dòng chảy, các cân đối để có ứng xử được cho là đúng.
Thông thường, ứng xử tức thời của Ngân hàng Nhà nước trước hết phải dựa trên quan hệ cung - cầu. Họ bám sát cung - cầu trên thị trường hàng ngày, cân đối hàng tháng, kế hoạch từng quý và tầm nhìn trong 6 tháng.
Bỏ qua các tranh luận tiếp tục phá giá VND hay không một lần nữa nổi lên những ngày qua, cung - cầu ngoại tệ trên thị trường quyết định trực tiếp xu hướng.
Đã có quá nhiều thời điểm trong những năm gần đây, bất chấp các khuyến nghị phá giá VND để hỗ trợ xuất khẩu, tỷ giá USD/VND lại còn trêu ngươi bằng những đợt đi xuống.
Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần phải cấp tập mua vào, chặn đà rơi, “cắn răng” phát hành tín phiếu hút tiền đồng về để trung hòa, do tung ra quá nhiều để mua ngoại tệ. Ví dụ gần nhất, sau lần điều chỉnh ngày 7/1 vừa qua, tỷ giá USD/VND lại rơi, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng phải nâng mạnh giá mua vào và chặn ở 21.350 VND, dù lẽ ra chỉ can thiệp khi nó chạm sàn 21.243 VND.
Nhưng, đợt biến động từ đầu tháng 3 đến nay không chỉ là các cân đối cung - cầu nữa. Thị trường xuất hiện những đồn đoán - áp lực về yếu tố khách quan bên ngoài: đồng USD lên giá mạnh trên thị trường thế giới. Cùng đó, một lần nữa là nhiều khuyến nghị phá giá VND để ứng xử với yếu tố này, hỗ trợ xuất khẩu…
Sau hai tuần, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra thông điệp của mình. Và có những điểm đáng để ý.
Thứ nhất, như rất nhiều lần trước đây, nguyên nhân vẫn được nhà điều hành lý giải là do yếu tố tâm lý thị trường.
Những lần trước, cũng cho là do tâm lý, nhà điều hành có phản ứng thông tin rất nhanh và kịp thời để định hướng. Vậy sao lần này, cũng là tâm lý, mà phải mất tới hai tuần lưỡng lự mới đưa ra thông điệp?
Liệu ngoài yếu tố tâm lý, còn có những yếu tố khác mà Ngân hàng Nhà nước không tiện nói ra nên mới lưỡng lự như vậy? Nhập siêu ba tháng đầu năm đã trở lại khá cao, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng rất mạnh trên thị trường chứng khoán… là điều thị trường đều nhận thấy.
Còn ở tầm vĩ mô điều hành, Ngân hàng Nhà nước vẫn tự tin với nhận định, mặc dù vậy, cung - cầu không có xáo trộn lớn, cán cân tổng thể quý 1/2015 dự tính vẫn thặng dư đáng kể với khoảng 2,8 tỷ USD.
Thứ hai, thông điệp Ngân hàng Nhà nước đưa ra, cũng có thể là quyết định không điều chỉnh đưa ra, sau khi có cuộc họp bàn và kết luận chung của Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia.
Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, thông điệp và quyết định của Ngân hàng Nhà nước mới thể hiện sự gắn bó (khi thông tin ra công chúng) với “chỗ dựa” là quan điểm của hội đồng này.
Liệu có phải vì chờ đợi kết luận từ cuộc họp của hội đồng nên Ngân hàng Nhà nước có phản ứng thông tin, thay vì những phản ứng tức thời trong các lần biến động trước đây, và họ đã rất cân nhắc (có thể cả băn khoăn) trước quyết định điều chỉnh và không điều chỉnh?
Thứ ba, cũng là lần đầu tiên người ta thấy “định hướng chính sách” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) xuất hiện trong thông tin công bố, trong sự cân nhắc của Ngân hàng Nhà nước.
FED đã có ảnh hưởng rõ hơn. Bởi lẽ, trong đợt biến động này, cụ thể là đà lên giá mạnh của đồng USD trên thị trường thế giới.
Từ đây, cũng có thể lường định, nếu sắp tới FED mà tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ càng phải cân nhắc hơn nữa về ứng xử với tỷ giá.
Thứ tư, thông điệp Ngân hàng Nhà nước đưa ra khẳng định: duy trì ổn định tỷ giá USD/VND có lợi hơn điều chỉnh.
Khẳng định trên chốt lại những tranh luận nổi lên gần đây về việc có tiếp tục phá giá VND để hỗ trợ xuất khẩu hay không.
Tại cuộc họp báo liên quan, lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước lưu ý rằng, khoảng 90% đầu vào cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, từ nguyên vật liệu đến thiết bị, là nhập khẩu. Điều chỉnh tỷ giá có hỗ trợ cho xuất khẩu, nhưng không nhiều.
Và để hỗ trợ xuất khẩu, nhà điều hành cho rằng không chỉ dựa vào chính sách tỷ giá, mà còn bằng các công cụ khác như ưu đãi lãi suất, cơ chế tín dụng…
Trong khi đổi lại, nếu tiếp tục phá giá VND, điểm đầu tiên được nhắc đến là áp lực gia tăng chi phí nợ công. Cứ tăng khoảng 1% tỷ giá thì chi phí nợ công đội thêm khoảng 10.000 tỷ đồng.
Cùng đó là áp lực đối với lạm phát. Trong một nghiên cứu nội bộ cuối năm 2014, đầu mối chuyên môn đã đưa ra định lượng khá cụ thể áp lực lạm phát gắn với mức độ điều chỉnh 1% tỷ giá; khoảng “chịu đựng” được theo các mục tiêu cân đối vĩ mô trong năm 2015 chỉ có thể quanh 2% mà thôi. Đây cũng là một cơ sở định lượng để Ngân hàng Nhà nước đưa ra cam kết khoảng biên độ của tỷ giá năm nay…
Và thứ năm, dù không nêu trực tiếp trong các thông tin công bố, nhưng thông điệp giữ ổn định tỷ giá USD/VND của Ngân hàng Nhà nước là để củng cố niềm tin trên thị trường.
Nếu tuần qua, nhà điều hành chọn điểm khác, quyết định phá giá thêm VND, niềm tin trên thị trường hẳn sẽ bị sứt mẻ. Nếu liên tiếp phá giá chỉ trong vòng ba tháng đầu năm, vị thế VND trong mắt người dân có thể bị thay đổi; tâm lý găm giữ USD có thể trở lại, xáo trộn trên thị trường ngoại hối không chừng lại tái diễn. Khi đó, lợi ích hỗ trợ cho xuất khẩu có đủ để bù đắp cho những ảnh hưởng?
Ba năm qua, Ngân hàng Nhà nước thành công ở việc tạo dựng niềm tin vào VND. Nhưng chỉ cần những lần phá giá liên tiếp trong thời gian ngắn, niềm tin đó dễ tổn thương và không dễ tạo dựng lại.
Trong điều hành, giá trị của niềm tin không chỉ ở một lĩnh vực gắn với nó, mà còn tạo điều kiện để còn làm những việc khác.
>> Chưa điều chỉnh tỷ giá, cần giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Minh Đức