Mỹ sẽ trừng phạt ngành công nghiệp quốc phòng Nga

28/04/2014 14:08 PM |

Loạt lệnh trừng phạt tiếp theo mà Washington nhằm vào Moscow sẽ có mục tiêu là ngành công nghiệp quốc phòng của Nga...

Loạt lệnh trừng phạt tiếp theo mà Washington nhằm vào Moscow về vấn đề Ukraine sẽ có mục tiêu là ngành công nghiệp quốc phòng của Nga cũng như những cá nhân và doanh nghiệp thân cận với Tổng thống Vladimir Putin.

Hãng tin AFP cho biết, thông tin trên được Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Tony Blinken đưa ra trong một cuộc trò chuyện vào ngày 27/4 trên chương trình “State of the Union” của kênh truyền hình CNN. “Bắt đầu từ tuần này, bằng sự hợp tác với các đồng minh và đối tác, chúng tôi sẽ bắt đầu gia tăng áp lực với những người thân cận nhất với ông ta [Putin], các công ty họ kiểm soát, và ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Tất cả những đối tượng này”, ông Blinken nói.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn khác trong chương trình “Face the Nation” trên kênh CBS, ông Blinken nói rằng, việc bán công nghệ cao cho ngành công nghiệp của Nga sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt mới.

Trước đó, trong ngày 27/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, các lệnh trừng phạt mà nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) đang soạn thảo sẽ là một sự trừng phạt đối với “hành động gây hấn” của Moscow ở miền Đông Ukraine.

Việc quan trọng lúc này đối với chúng tôi là có những bước xa hơn để gửi tới Nga một thông điệp rằng, những hành động gây bất ổn đang diễn ra ở Ukraine phải chấm dứt”, ông Obama nói khi đang ở thăm Kuala Lumpur trong chuyến công du châu Á kéo dài 1 tuần.

Tuy nhiên, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Blinken nói rõ rằng, Washington sẽ không đáp ứng các đề nghị của Ukraine về vũ khí, bất chấp cuộc tập trận quân sự của Nga đang diễn ra gần biên giới nước này. “Đây là câu chốt. Chúng tôi có thể gửi vũ khí cho Ukraine, nhưng việc đó sẽ chẳng tạo ra được sự khác biệt gì trong khả năng của họ đối phó với Nga”, ông Blinken nói.

Thay vào đó, ông Blinken cho biết Washington sẽ tập trung vào hỗ trợ kinh tế cho Kiev. Hiện Washington, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các nhà tài trợ khác đã cam kết viện trợ cho IMF tổng số tiền lên tới 37 tỷ USD.

Chúng tôi cần phải cân nhắc và làm việc này bằng sự phối hợp với các đối tác”, ông Blinken nói.

Các nhà làm luật Mỹ đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Tổng thống Obama là hành động quá ít, quá chậm, và kêu gọi những lệnh trừng phạt đánh trực diện vào nền kinh tế Nga.

“Đối với tôi, tấn công vào 4 trong số những ngân hàng lớn nhất của Nga sẽ tạo ra một làn sóng những cú sốc trong nền kinh tế”, Thượng nghị sỹ Bob Corker thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ phát biểu.

“Điều khiến tôi lo ngại là những gì chúng ta đang làm không có hiệu quả gì”, ông Corker nói. Theo nghị sỹ này, các lệnh trừng phạt nhằm vào cá nhân “sẽ không tạo ra được những hậu quả ở Nga buộc ông Putin phải thay đổi”.


Theo An Huy

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM