Mỹ là 'điểm sáng' trong bức tranh kinh tế toàn cầu 2015
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong hai năm 2015 và 2016, bất chấp giá dầu sụt giảm và kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu khởi sắc.
IMF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ là 3,5% năm 2015 và 3,7% năm 2016, đều giảm 0,3 điểm % so với các mức dự báo đưa ra trong báo cáo công bố hồi tháng 10/2014.
Các chuyên gia IMF cho biết việc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuất phát từ thực trạng hoạt động kinh tế yếu kém trong năm qua, đặc biệt ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone và Nhật Bản, mà nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động đầu tư và thương mại sụt giảm, giá hàng hóa đi xuống.
"Các nhân tố mới hỗ trợ đà tăng trưởng, như giá dầu thấp hay euro và yen Nhật yếu đi, đều không thể bù đắp được tác động của các yếu tố tiêu cực, như tàn dư của khủng hoảng tài chính hay tiềm năng tăng trưởng yếu của nhiều nước", ông Olivier Blanchard - kinh tế trưởng của IMF nhận định.
Mỹ là điểm sáng duy nhất trong báo cáo, nền kinh tế lớn nhất thế giới này được dự báo tăng trưởng 3,6% năm 2015, chủ yếu nhờ nhu cầu nội địa tăng mạnh, thu nhập thực tế và niềm tin tiêu dùng của người dân cải thiện hơn khi giá dầu giảm thấp. Chính sách tiền tệ được điều tiết hợp lý cũng hỗ trợ rất lớn cho đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ.
IMF dự báo nền kinh tế khu vực đồng euro - eurozone sẽ tăng trưởng 1,2% trong năm 2015 và 1,4% trong năm 2016.
Trong khi đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại, với dự báo tăng trưởng 6,8% trong năm nay và 6,3% trong năm 2016.
Đối với khối thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, tốc độ tăng trưởng GDP dự báo vẫn ổn định ở 4,3% trong năm 2015 và tăng lên 4,7% trong năm tiếp theo. Hai số liệu này đều thấp hơn so với dự báo trước đó của IMF hồi tháng 10/2014.
Theo dự báo, Nga là một trong những nước suy giảm kinh tế nặng nề nhất. IMF ước tính nền kinh tế Nga sẽ suy giảm 3% trong năm nay và tiếp tục suy giảm 1% trong năm tới.
Trước triển vọng kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa, báo cáo của IMF khuyến cáo các nền kinh tế lớn như châu Âu và Nhật Bản cần tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất thấp để khuyến khích vay mượn, chi tiêu và tăng trưởng.
Thái Nam