Làng lụa Hội An lọt 'mắt xanh' JICA

25/12/2014 08:55 AM |

Trải qua hành trình 3 năm vừa xây dựng vừa hoàn thiện tính từ ngày khởi động, đến nay, Làng lụa đã trở thành điểm đến hấp dẫn thứ 3 tại Hội An (sau chùa Cầu và nhà cổ) do khách du lịch bình chọn trên trang mạng du lịch Trip Advisor của Mỹ.

Trong buổi làm việc giữa ông Lê Thái Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam, với Hiệp hội Tơ lụa Nhật Bản và Đại học Nữ Chiêu Hòa, các chuyên gia Nhật Bản đã đánh giá cao quy trình rất khoa học của việc phục dựng các yếu tố tạo thành làng dệt cổ truyền, từ kiến trúc làng Việt đến sưu tầm, lưu giữ hàng trăm hiện vật của nghề dệt tơ lụa, tìm kiếm và sưu tầm các giống dâu cổ của người Chăm... Bảo tàng tại Làng lụa đang dần hoàn thiện và bổ sung rất nhiều hiện vật quý giá của nghề ươm tơ dệt lụa cổ truyền.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đến khảo sát để đầu tư nhằm giúp dự án Làng lụa Hội An trở thành "bảo tàng sống" về nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa đầu tiên tại Việt Nam.

Dự án Làng lụa Hội An đã "khai quật" lịch sử phát triển và giao thoa 300 năm giữa hai nền sản xuất Việt và Chămpa, lịch sử con đường "tơ lụa trên biển" khởi nguồn từ những vùng ươm tơ dệt lụa Quảng Nam, lấy thương cảng cổ Hội An làm điểm xuất phát ra thế giới.

Đây là dự án duy nhất ở miền Trung ghi nhận sự giao thoa văn hóa, sản xuất giữa hai dân tộc. Với hướng đi như vậy, Làng lụa Hội An cũng đang là điểm đến của các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân, nhà thiết kế và hàng chục ngàn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Ngày 28/12 sắp tới, lần đầu tiên tại Hội An sẽ diễn ra "Ngày hội Văn hóa tơ lụa Việt Nam" với các hoạt động triển lãm sản phẩm tơ lụa, giao lưu giữa các làng nghề nhằm giới thiệu một số sản phẩm của 20 làng nghề tơ lụa tiêu biểu của Việt Nam, giao lưu giữa những nghệ nhân, nhà sản xuất, nhà thiết kế đã nỗ lực cống hiến, gìn giữ và phát triển nghề sản xuất tơ lụa, làm phong phú văn hóa mặc.

Việc các chuyên gia văn hóa Nhật Bản đánh giá cao sự phát triển chiều sâu các giá trị văn hóa tại Làng lụa Hội An cho chúng ta một cách nhìn khác về bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền.

Làng lụa Hội An doanhnhansaigon

Hội An là thành phố có nhiều chính sách hỗ trợ các dự án du lịch văn hóa để tăng cường thêm điểm đến bên ngoài phố cổ. Đối với dự án này, chính quyền Hội An đã ưu tiên giới thiệu, quảng bá trong các sự kiện văn hóa lớn nhất của thành phố.

Đây là tư duy bảo tồn mà các địa phương có di sản văn hóa được UNESCO công nhận nên quan tâm về phương pháp và mục tiêu gìn giữ các giá trị văn hóa đã và đang sở hữu. Điểm đến này làm chúng ta nhớ và tiếc di sản làng cổ Đường Lâm ở ngoại thành Hà Nội.

Đó là một điểm đến vô cùng hấp dẫn nhưng cũng đem lại nhiều thất vọng cho du khách khi cảm nhận được sự đơn độc của những người dân ở đó trong quá trình gìn giữ di sản kiến trúc.

Sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền với các dự án văn hóa sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư mạnh dạn đi tới cùng trong nghiên cứu, bảo tồn để biến các giá trị cổ truyền thành giá trị sống động, thu hút những thế hệ mới ngay tại Việt Nam cũng như du khách nước ngoài.

>> Truyền nhân cuối cùng của làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông

Theo Khải Ly

Cùng chuyên mục
XEM